Khoảng 20% phụ nữ sau sinh bị táo bón. Thậm chí nếu chị em chưa bao giờ bị táo bón trong suốt thai kỳ, thì vẫn có thể mắc phải sau khi sinh vài ngày. Cách ngăn ngừa và điều trị tình trạng này không quá khó, chỉ cần chị em thực hiện theo các biện pháp sau.
Tại sao các mẹ lại bị táo bón sau sinh?
Sau khi sinh đẻ bị mất máu nhiều, cơ thể lại phải tiếp tục gồng mình sản xuất sữa cho con bú nên người mẹ trở nên khô héo do thiếu nước. Từ đó, máu nuôi đại tràng bị kém đi gây nên hiện tượng táo bón.
Quá trình sinh nở thường rất mệt mỏi, đau đớn nên sau sinh các mẹ hay hạn chế vận động, đi lại. Việc nằm một chỗ này khiến hoạt động của ruột cũng yếu đi, khiến phân di chuyển chậm, phân lưu lại ruột bị tái hấp thu nước nhiều lần nên khô cứng gây táo bón.
Việc cắt tầng sinh môn để sinh bé khiến cho mẹ đau đớn nên không dám đi đại tiện vì sợ đau, bục vết khâu nên thường nhịn hoặc hạn chế số lần đi đại tiện. Lâu dài dẫn đến việc táo bón.
Chế độ dinh dưỡng sau sinh với quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, chất bổ như thịt, chân giò… và hạn chế các thực phẩm tươi sống như rau, trái cây… nên cũng góp phần gây nên tình trạng táo bón.
Khi cho con bú, một phần lượng nước trong cơ thể mẹ sẽ phải chia sẻ cho con. Cộng với việc các mẹ chưa quen uống nhiều nước nên gây thiếu nước cho cơ thể.
Điều trị tình trạng sau sinh bị táo bón như thế nào?
Điều trị táo bón sau sinh qua chế độ dinh dưỡng
Các mẹ nên cố gắng bổ sung thêm nước cho cơ thể. Do bây giờ, một mình mẹ sẽ cung cấp nước cho tận 2 người. Nên việc uống nước thường xuyên và đều đặn sẽ có ích cho cả mẹ lẫn con.
Ngoài các thực phẩm lợi sữa, mẹ cần bổ sung đầy đủ các loại rau, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày. Táo bón xảy ra là do chế độ ăn thiếu chất xơ và nước. Nếu mẹ sợ rau quả sống thì có thể bổ sung bằng rau quả nấu chính.
Bổ sung sữa chua vì trong sữa chua có chứa probiotic giúp kích thích hệ tiêu hóa.
Chuối và khoai lang là 2 loại “thực phẩm vàng” trong thời kỳ sau sinh. Chúng vừa có tác dụng nhuận tràng, vừa cung cấp nhiều vitamin, chất xơ. Hơn nữa, 2 loại thực phẩm này khi ăn chín vẫn rất ngon, không gây ngấy cho mẹ trong tháng kiêng cử.
Hãy hạn chếcác loại thức ăn khó tiêu như: đồ chiên rán, dầu mỡ, kiêng ăn các thức ăn tinh chế như súp đặc, thức ăn nhanh. Không sử dụng các loại chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè đặc…
Tập ăn uống đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn và tăng cường ăn các loại thức ăn lỏng.
Điều trị tình trạng sau sinh bị táo bón qua chế độ vận động
Sau sinh mẹ nên tranh thủ vận động sớm nhất có thể chứ không nên nằm lâu một chỗ. Mẹ có thể tập đi bộ quanh phòng để cơ thể sớm ổn định.
Tập thể dục không chỉ có tác dụng nâng cao sức khỏe mà còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Khi mẹ tập luyện đều đặn, máu sẽ tăng cường lưu thông, các cơn co thắt của thành ruột cũng tăng lên giúp cho việc di chuyển của các chất trong ruột cũng được dễ dàng hơn. Tuy nhiên các mẹ chỉ nên tập đi lại, thể dục nhẹ nhàng chứ không nên tập nặng hay gắng sức.
Đối với các mẹ sinh mổ thì nên đợi sức khỏe được ổn định thì mới luyện tập.
Xoa bụng dọc theo khung đại tràng giúp kích thích nhu động ruột, sẽ hỗ trợ giảm sau sinh bị táo bón.
Thông thường, tình trạng táo bón sau sinh sẽ biến mất sau khoảng vài ngày đến một tuần. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng và luyện tập nói trên, các mẹ sẽ sớm thấy giảm táo bón.
Nếu tình trạng này vẫn không có gì tiến triển sau vài tuần, hãy liên hệ với các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Xem thêm:
Trẻ sơ sinh bị táo bón. Mẹ nên làm gì để con hết táo bón và có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh?
7 loại nước ép trái cây giúp bạn không bị táo bón
Các giải pháp hiệu quả nhất dành cho trẻ sơ sinh bị táo bón
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!