Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, phần lớn không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Rubella thai kỳ và cách phòng ngừa bệnh Rubella khi mang thai.
Nguyên nhân và con đường gây bệnh Rubella
Rubella hay còn gọi là sởi Đức là bệnh sốt phát ban do virus Rubella thuộc họ togavirus gây ra. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa xuân, lây truyền thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người đã nhiễm. Người bị bệnh Rubella trong thời kỳ phát ban có khả năng lây truyền cho người khác cao nhất.
Triệu chứng thường gặp khi mắc Rubella
Triệu chứng mắc Rubella thường xuất hiện từ ngày thứ 16 – 18 sau khi nhiễm bệnh với những dấu hiệu tương tự như bệnh cúm; biểu hiện cơ bản là sốt, phát ban và nổi hạch tùy theo thể trạng từng người.
- Sốt nhẹ khoảng 38 độ C trong 1 – 4 ngày đi kèm viêm kết mạc, đau họng, đau nhức người, chảy nước mũi trong. Sau khi phát ban thì giảm sốt
- Nổi hạch ở vùng bẹn, cổ, sờ vào hạch có cảm giác đau. Hạch nổi trước khi phát ban và tồn tại thêm vài ngày sau khi ban hết
- Phát ban: ban lúc đầu xuất hiện ở đầu, mặt rồi mọc khắp toàn thân. Ban có màu hồng hoặc hơi đỏ, kích thước khoảng 1 – 2mm, ngứa, thường kéo dài khoảng 3 ngày rồi biến mất, để lại vết thâm trên da. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nhiễm bệnh mà không có dấu hiệu phát ban
- Bệnh có thể đi kèm đau khớp, viêm kết mạc.
Rubella ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ có thai và thai nhi?
Bệnh do virus Rubella gây ra lành tính với người thường nhưng lại đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai vì những biến chứng có thể gây ra cho thai nhi do virus lây lan từ máu mẹ qua nhau thai phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của bào thai.
Có khoảng 50% trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều chị em mắc Rubella thai kỳ không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với mẹ và thai nhi:
- Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu
- Em bé sinh ra từ mẹ nhiễm Rubella thai kỳ có nguy cơ nhiễm virus (hội chứng Rubella bẩm sinh), gây ra các loại dị tật bẩm sinh như chậm tăng trưởng, gan lách to, thiếu máu, viêm xương (ảnh hưởng nhẹ)
- Ảnh hưởng lâu dài thường gặp nhất là bé bị tim bẩm sinh, thị lực/thính lực có vấn đề (đục thủy tinh thể, tăng giảm áp, viêm võng mạc) và ảnh hưởng lên não (đầu nhỏ, thoái hóa thần kinh)…
- Trẻ cũng có thể bị vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, đái tháo đường…
Đánh giá nguy cơ và hướng xử lý khi mẹ mắc Rubella thai kỳ
70 – 90% trẻ sơ sinh do mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai cũng bị nhiễm virus. Nếu mẹ phát hiện bị Rubella, nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi và tư vấn xử lý cũng thay đổi tùy từng giai đoạn mang thai:
- Mẹ nhiễm bệnh trong 12 tuần đầu: nguy cơ thai nhi bị Rubella bẩm sinh là hơn 80%. Thường bác sĩ sẽ tư vấn đình chỉ thai nghén khi đã có chẩn đoán xác định
- Thai phụ nhiễm bệnh ở tuần thứ 12 – 16 thai kỳ: nguy cơ nhiễm bệnh sang em bé là 45 – 60%. Lúc này cần làm thêm 1 số xét nghiệm sàng lọc, siêu âm hình thái, các chỉ số sinh hóa để kết luận chính xác và tư vấn phù hợp
- Mẹ nhiễm ở tuần thứ 16 – 20, nguy cơ là 1 – 5%. Mẹ cần được tiếp tục theo dõi và làm 1 số xét nghiệm nếu cần thiết.
Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp thai nhi bị ảnh hưởng khi mẹ bầu bị nhiễm Rubella ở tuần thứ 20 trở đi, theo dõi thai kỳ như bình thường.
Cách phát hiện thai nhi có bị Rubella bẩm sinh hay không
Bên cạnh siêu âm, hiện nay chọc ối là phương pháp được áp dụng để kiểm tra thai nhi có bị lây Rubella từ mẹ hay không. Chọc ối được tiến hành sau 7 tuần từ lúc người mẹ được kết luận nhiễm bệnh. Ở thời điểm này virus Rubella đã lây nhiễm sang cho thai nhi (nếu có) và tiếp tục tồn tại đến hết thai kỳ, khi tiến hành kiểm tra sẽ hạn chế được hiện tượng âm tính giả (kết quả xét nghiệm cho thai nhi âm tính với virus nhưng em bé sinh ra lại cho kết quả dương tính do tại thời điểm xét nghiệm virus chưa lây truyền qua cho thai nhi).
Mặc dù vậy phương pháp này chỉ có thể chỉ ra thai nhi có bị nhiễm Rubella hay không chứ không thể kết luận virus có gây dị tật ở bé hay không. Để kiểm tra dị tật ở thai nhi cần kết hợp nhiều phương pháp khác như siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm ADN bào thai.
Hiện nay thai phụ có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc dị tật NIPT với độ chính xác cao và không ảnh hưởng gì đến cả mẹ và bé.
Phòng bệnh Rubella khi mang thai
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Rubella, tiêm phòng vacxin trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mẹ và là sự chuẩn bị tốt nhất để chào đón thai nhi.
- Tiêm vacxin cho trẻ khi được từ 12 – 24 tháng tuổi
- Phụ nữ có ý định mang thai nên xét nghiệm để xác định có miễn dịch với Rubella hay chưa, nếu chưa nên chủ động tiêm phòng ít nhất từ 1 – 3 tháng trước khi mang thai. Sau khi tiêm có thể xuất hiện 1 số tác dụng phụ như sốt phát ban, nổi hạch, đau khớp tuy nhiên sẽ sớm biến mất sau thời gian ngắn. Lưu ý các mẹ đang có thai không nên tiêm vacxin vì nó có thể đi qua nhau thai và nhiễm cho thai nhi. Chị em cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi tiêm.
- Trước và trong khi mang thai chị em nên hạn chế tiếp xúc với người bị sốt, phát ban hoặc trẻ mắc Rubella bẩm sinh; cách ly khỏi nguồn bệnh và tránh đến những vùng có dịch
- Khi có những biểu hiện như sốt, phát ban, nổi hạch khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ, chị em cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chùi tay lên mắt, mũi miệng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người đang nhiễm bệnh.
Thay lời kết
Tác hại của virus Rubella lên thai nhi là vô cùng khó lường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai của em bé sau này. Do đó các chị em đang có ý định mang thai nên xét nghiệm miễn dịch và tiêm vacxin phòng ngừa virus nguy hiểm này để phòng tránh tối đa nguy cơ sức khỏe cho bé, duy trì thăm khám định kỳ trong suốt thời gian mang bầu để sớm phát hiện bất thường và có hướng xử lý kịp thời. Chúc chị em luôn khỏe mạnh để chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!