Rốn trẻ sơ sinh có mủ là tình trạng cuống rốn của trẻ bị nhiễm trùng do vi trùng sinh mủ. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng tránh cũng như biện pháp xử lý tình trạng trên qua bài viết dưới đây.
Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mủ nguy hiểm không? Khi nào nên cho trẻ đi khám bác sĩ?
Dây rốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận các chất dinh dưỡng của mẹ trong suốt thời gian còn là bào thai. Sau khi chào đời, dây rốn hoàn thành nhiệm vụ, được cắt khỏi bánh nhau và cần một khoảng thời gian để khô vết cắt rồi rụng đi.
Thông thường, rốn trẻ sơ sinh sẽ phải mất khoảng từ 1 – 2 tuần mới có thể khô và rụng. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần hết sức chú ý giữ vệ sinh và chăm sóc rốn của trẻ để tránh làm rốn nhiễm trùng, có mủ.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh rụng rốn nhưng có mủ hoặc nếu hơn 3 tháng mà rốn trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục rỉ dịch thì cha mẹ nên đưa bé đi khám để có các biện pháp can thiệp xử lý kịp thời.
Do rốn liên thông với các mạch máu nên bất kỳ tổn thương nào ở khu vực này cũng ảnh hưởng xấu và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé như uốn ván rốn hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.
Dấu hiệu kèm theo thường thấy khi bé có mủ ở rốn
- Chân rốn sưng tấy, rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi, ẩm ướt, chảy mủ
- Cuống rốn của trẻ sơ sinh luôn trong tình trạng bị ẩm ướt
- Trẻ lâu rụng rốn
- Nhiều trường hợp trẻ bị chảy máu quanh rốn
- Trẻ hay quấy khóc, bú sữa mẹ kém, bỏ bú và luôn trong tình trạng mệt mỏi.
Nguyên nhân làm rốn trẻ sơ sinh có mủ
- Cha mẹ băng rốn cho bé quá chặt, không lau rửa rốn thường xuyên, không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi lau rửa cuống rốn
- Sử dụng các bài thuốc dân gian để rắc lên rốn của trẻ mà không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Nhiều trường hợp rốn trẻ sơ sinh có mủ nguyên nhân do mẹ không dám vệ sinh rốn của con trong một thời gian dài vì sợ bé bị đau
- Nhiều mẹ lại vệ sinh rốn cho trẻ sai phương pháp, dẫn đến tình trạng rốn của trẻ bị mủ và viêm nhiễm.
Cách xử lý khi rốn trẻ sơ sinh có mủ
Khi thấy các dấu hiệu nhận biết như rốn của trẻ có mủ, sưng đỏ hoặc có mùi hôi thì tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay để bác sĩ tư vấn cách xử lý thích hợp với tình trạng của bé. Tùy theo mức độ nhiễm trùng và dịch mủ mà bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị tương ứng:
- Mức độ nhẹ: Chân rốn trẻ sơ sinh chỉ bị sưng đỏ hoặc có mủ nhẹ.
Mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách nặn hết mủ, dùng oxy già rửa rốn cho bé, lau khô, rắc bột kháng sinh, sau đó băng lại. Có thể kết hợp cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn.
- Mức độ trung bình: Phần chân rốn của bé bị sưng đỏ, lan rộng ra xung quanh trong phạm vi đường kính dưới 2cm, xuất hiện nhiều mủ hơn và kèm theo triệu chứng bé sốt, vàng da…
Với mức độ này, cha mẹ cần cho bé nhập viện để tiêm kháng sinh tĩnh mạch cho bé và điều trị trong thời gian khoảng 7 ngày.
- Mức độ nặng: Phần chân rốn của bé lan rộng trên 2cm, có nhiều mủ và xuất hiện dấu hiệu hoại tử dưới lớp da của trẻ, kèm các triệu chứng đi kèm là sốc nhiễm trùng hay nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ phải kết hợp dùng kháng sinh để chữa nhiễm trùng rốn bên cạnh việc điều trị các triệu chứng kèm theo. Thời gian điều trị sẽ kéo dài khoảng trên 14 ngày.
Vệ sinh rốn của trẻ sơ sinh đúng cách để phòng tránh rốn bị nhiễm trùng
- Cần giữ sạch và khô ráo cuống rốn của bé. Mẹ nên gấp tã của bé xuống dưới cuống rốn để rốn có thể tiếp xúc với không khí và nhanh khô hơn
- Không để cuống rốn của bé dính phân hoặc nước tiểu, thực hiện vệ sinh đáy rốn bằng bông và cồn sát khuẩn 1 – 2 lần mỗi ngày
- Không nên cho bé mặc quần áo bó sát cơ thể đến khi cuống rốn đã rụng và khô hoàn toàn
- Thời gian rụng rốn ở mỗi bé là khác nhau nên mẹ không được nôn nóng và tự ý kéo đứt dây rốn, ngay cả khi rốn của trẻ đã có dấu hiệu lỏng lẻo
- Các mẹ nên nhớ luôn rửa sạch tay bằng xà bông trước khi tắm hay vệ sinh cá nhân cho bé. Phần cắt của dây rốn rất dễ nhiễm trùng, gây uốn ván hay nhiễm trùng máu dẫn đến tai biến vô cùng nguy hiểm
- Sau khi tắm, mẹ nên thay băng rốn cho trẻ ngay. Đầu tiên, cần vô trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi bỏ gạc cũ để vệ sinh rốn của bé. Mẹ dùng bông tăm thấm dung dịch Povidine để lau sạch từ đầu rốn đến chân rốn. Tiếp đó mẹ mới nên đắp băng gạc mới lên và dùng gạc băng cố định lại.
- Việc vệ sinh rốn của bé phải được thực hiện hằng ngày cho đến khi cuống rốn của trẻ khô và rụng đi, lưu ý thực hiện nhẹ nhàng và không được băng rốn quá chặt.
- Giữ môi trường xung quanh bé thông thoáng; chăn màn, quần áo của trẻ luôn sạch sẽ.
Lời kết
Ông cha ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Cha mẹ nên tham khảo bài viết trên để vệ sinh rốn cho bé thường xuyên và đúng cách để phòng ngừa tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mủ. Chúc con yêu của cha mẹ luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng!
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!