Nhiều chị em phụ nữ rất lo lắng về rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Có người sau sinh 3-4 tuần đã có kinh trở lại; trong khi người khác đến tận 15 tháng sau mới quay lại chu kỳ. Có chị em 2-3 tháng mới “bị” một lần nhưng cũng có người “bị” 2-3 lần một tháng. Hãy để TheAsianParent Việt Nam giải đáp các thắc mắc về rối loạn kinh nguyệt trong thời kỳ “hậu sản” này nhé!
Tại sao phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh con?
Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ tiết ra hoóc-môn Prolactin kích thích sản sinh sữa mẹ. Hoóc-môn Prolactin ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình rụng trứng; tử cung chưa đàn hồi được trở về kích thước như cũ; cộng với tâm lý sau sinh thay đổi khiến chu kỳ kinh nguyệt dễ bị rối loạn khi quay trở lại.
Thực tế, chu kỳ kinh nguyệt đã bắt đầu thay đổi kể từ khi người mẹ mang thai. Chính vì thế, cần một khoảng thời gian để hoóc-môn trong cơ thể phụ nữ sau sinh trở lại bình thường, đặc biệt nếu đang cho con bú. Chu kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể là 24 ngày; chu kỳ tiếp theo có thể là 28 ngày; và sau đó một chu kỳ khác có thể là 35 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trong vòng một vài tháng hoặc sau khi bạn ngừng cho con bú.
Bởi vậy, rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể là hiện tượng bình thường và bạn không nên quá lo lắng đâu.
Nguyên lý hoạt động của buồng trứng sau sinh
Tiến sĩ – Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã có những chia sẻ trong chương trình “Làm mẹ” của TodayTV về vấn đề này. Theo nghiên cứu khoa học, thời gian để các cơ quan của người phụ nữ, đặc biệt là cơ quan sinh dục quay trở về vị trí ban đầu là khoảng 6 tuần sau sinh. Buồng trứng sẽ tiếp tục hoặc trì hoãn sự rụng trứng phụ thuộc vào việc bạn cho con bú. Trứng rụng thường dẫn đến sự chảy máu kinh, nhưng cũng có trường hợp không chảy máu khi “đến tháng”. Điều này nói lên sự khác biệt giữa cơ thể mỗi mẹ và không có đáp số chính xác về thời điểm kinh nguyệt quay lại.
Tuy nhiên, theo thống kê, những người nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thường có hoạt động buồng trứng trở lại sau 6 tháng. Những chị em ít cho con bú hoặc ít sữa sẽ có sự rụng trứng trở lại sớm hơn, có thể 3-6 tuần sau sinh. Nhưng bạn nên nhớ, buồng trứng hoạt động không chắc chắn làm bạn ra máu kinh.
Kinh nguyệt sau sinh ra nhiều?
Bạn có thể bị ra máu nhiều hơn trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi sinh con. Chu kỳ kinh cũng có thể kéo dài hơn những chu kỳ trước khi mang thai của bạn và có thể đi kèm với đau bụng kinh dữ dội. Khi các chu kỳ tiếp theo xuất hiện, những thay đổi này sẽ giảm dần.
Những nguyên nhân khiến kinh nguyệt sau sinh ra nhiều bao gồm:
- Polyp và u xơ dưới niêm mạc.
- Nhiễm trùng niêm mạc tử cung, sót rau.
- Adenomyosis: Đây là sự dày lên của cơ tử cung sau mang thai. Bác sĩ có thể kiểm soát sự dày lên của tử cung này bằng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoặc liệu pháp hoóc-môn.
- Rối loạn tuyến giáp: tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém .
Trong trường hợp sản phụ ra nhiều máu kinh và cần thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần, hãy đến các cơ sở y tế uy tín gần nhất để được trợ giúp vì có thể bạn đang bị băng huyết.
Nên làm gì khi rối loạn kinh nguyệt sau sinh?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là bình thường nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ biểu hiện nào sau đây:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày hoặc chứa cục máu đông lớn.
- Kinh nguyệt đã bắt đầu lại nhưng sau đó lại biến mất sau khoảng thời gian dài.
- Máu âm đạo ra lốm đốm trong khoảng thời gian giữa các thời kỳ
- Không có hành kinh ba tháng sau sinh với các trường hợp sữa mẹ ít hoặc không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ
- Hoặc bạn không bị hành kinh ba tháng sau khi ngừng cho con bú.
Những dấu hiệu nói trên có thể báo hiệu cơ thể bạn đang bị nhiễm trùng, u xơ hoặc polyp đấy. Dù bận chăm con nhưng hãy cố gắng theo dõi sức khoẻ của mình bạn nhé.
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ không có kinh nguyệt
TheAsianParent Việt Nam có tham khảo ý kiến của Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh trong chương trình “Alô bác sĩ” về vấn đề này. Đến 98% bạn không có kinh nguyệt trở lại nếu bạn nuôi con HOÀN TOÀN bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh em bé. Điều này có nghĩa là bạn không cho con uống thêm sữa công thức hay bất cứ thức uống nào khác ngoài sữa mẹ. Hoóc-môn Prolactin kích thích tuyến sữa hoạt động sẽ tạm thời làm chậm lại quá trình rụng trứng của các mẹ đấy. Đây cũng được coi là một trong những cách phòng tránh thai vì buồng trứng của bạn sẽ không hoạt động nếu bạn thực hiện như vậy.
Các mẹ bỉm sữa hiện nay thường có kinh nguyệt trở lại sớm
Với cuộc sống vội vã hiện nay, không phải ai cũng có thể có thời gian cho con bú sữa mẹ thường xuyên được. Nhiều mẹ vừa sinh xong một thời gian ngắn đã phải bước vào guồng quay kiếm tiền; hoặc sức khoẻ mẹ không đủ để cho con bú; bị stress khiến hoóc-môn trong cơ thể thay đổi. Khi hoóc-môn Prolactin không còn hoạt động mạnh nữa, nó sẽ khiến trứng lại tiếp tục rụng, bạn lại có khả năng dính bầu kể cả khi chưa thấy kinh nguyệt đấy.
Những thông tin trên đã nêu lên cơ chế hoạt động của buồng trứng sau sinh, nguyên nhân và cách giải quyết khi bị rối loạn kinh nguyệt. Các mẹ bỉm sữa có thể thấy kinh nguyệt thay đổi sau sinh là điều rất bình thường, trừ một số dấu hiệu nguy hiểm như đã nói. Vì vậy, bạn hãy yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi điều độ và theo dõi các dấu hiệu của cơ thể nhé, chu kỳ kinh nguyệt sẽ sớm trở lại bình thường thôi!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!