Rèn luyện tư duy phản biện ngay ở tuổi chập chững sẽ là nền tảng để trẻ biết tự mình suy nghĩ, giải quyết bất kỳ một vấn đề nào đó theo cách của riêng mình. Nhờ đó con sẽ có cái tôi và chính kiến để có thể học hỏi và đối mặt với mọi hoàn cảnh vững vàng trong thế giới hiện đại đang thay đổi với tốc độ vũ bão này.
Trên thực tế, với cách giáo dục chưa có nhiều đổi mới của Việt Nam vào hơn 10 năm đổ lại trước, thế hệ cha mẹ 7x, 8x và 9x vẫn “bị” băn khoăn và cảm thấy khá lạ lẫm với kĩ năng tư duy phản biện. Tuy nhiên, ở phương Tây đây là một kĩ năng phổ biến mà trẻ được giáo dục ngay từ thuở chập chững. Chính điều này khiến trẻ em phương Tây luôn có thói quen biết tự mình “lên tiếng” trong lớp học, “dám” lật lại các vấn đề thầy cô đưa ra và luôn hỏi “tại sao” trước một hành động phải thực hiện.
Ngày nay, khi các phương pháp nuôi con hiện đại đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, cha mẹ có thể thay đổi chính bản thân để cho trẻ thấy tư duy phản biện là thế nào và giúp con nuôi dưỡng kĩ năng này càng sớm sẽ càng có ích cho thành công trong học tập và cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
Rèn luyện tư duy phản biện thông qua học hỏi và quan sát
Rèn luyện tư duy phản biện và những lợi ích cho cuộc sống của trẻ sau này
Một đứa trẻ có tư duy phản biện sẽ:
- Luôn tỉnh táo trước mọi vấn đề.
- Biết đưa ra cách giải quyết và chịu trách nhiệm với cách đó.
- Con sẽ thấy việc học tập thú vị hơn thông qua việc tự mình khám phá, tìm tòi mà không cần cha mẹ phải giục giã “học bài đi con!”.
- Trẻ có thể trở thành người lãnh đạo khi luôn có chính kiến của mình.
- Con thành công trong lĩnh vực yêu thích bởi con có góc nhìn khác biệt, mới mẻ, sáng tạo so với người khác.
Não bộ của trẻ phát triển mạnh mẽ và dần hoàn thiện trong lứa tuổi từ 6-17. Do đó, cha mẹ cần tập cho bé tư duy phản biện thông qua 5 điều cơ bản này ngay từ những năm đầu đời để giúp con đạt được những thành công như trên.
-
Tập cho con khả năng quan sát
Đây là cách rất đơn giản và lúc nào cha mẹ cũng có thể thực hiện được. Chỉ cần khuyến khích con quan sát những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cũng đủ để con thấy được thế giới quanh con kỳ diệu như thế nào.
Hãy chỉ cho con thấy sự thay đổi nhiệt độ trong ngày, bông hoa đang nở tưng bừng khi hôm qua mới he hé nụ, sự chuyển động của gió, … Cho con tự mình được quan sát những điều đó thông qua mọi giác quan của con.
Hoạt động tập cho con quan sát:
Bé 0-12 tháng tuổi: Cho bé ra ngoài đi dạo ở những nơi không khí trong lành, chơi các món đồ chơi an toàn như sách vải, tranh, ảnh, những khối gỗ, …
Bé 1-2 tuổi: Để con được trải nghiệm thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Khuyến khích các hoạt động thể chất như đi, chạy nhảy và các khám phá theo sở thích của trẻ.
Rèn luyện tư duy phản biện thông qua các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên
-
Luôn luôn trả lời các câu hỏi tại sao của con
Từ tầm 2-3 tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ đang dần bước sang mốc mới. Từ chỉ nói được từ đơn, giờ đây con có thể nói cả câu. Trẻ sẽ rất tò mò về mọi thứ xung quanh và bắt đầu biết đặt câu hỏi tại sao. Đây chính là lúc khả năng tư duy phản biện đang hình thành trong bé và cha mẹ cần khuyến khích thật nhiều.
Hãy dừng ra đôi phút, trả lời tường tận các câu hỏi của trẻ về bất kỳ vấn đề gì một cách nghiêm túc. Không khó chịu, bực dọc và cũng không qua loa kiểu “Vì nó phải là như thế”. Giải thích tường tận để con hiểu rõ vấn đề dù đôi khi chúng hơi vượt tầm hiểu biết của con một chút. Nhưng một khi con biết rằng mình đang được lắng nghe, khả năng biết hỏi tại sao của trẻ sẽ được nuôi dưỡng. Đây cũng là nền tảng để con hình thành tính cách tự mình biết đào sâu, suy nghĩ trước mọi vấn đề.
-
Hãy để con được lựa chọn
Khi con bước vào tuổi lên 2, cha mẹ sẽ thấy bé có những thay đổi bất ngờ. Con chỉ muốn mặc duy nhất chiếc áo mà con yêu thích, đi đúng một đôi giày màu này vào mỗi sáng hay chơi liên tục một món đồ chơi “ruột” của con trong nhiều ngày liền. Trẻ sẽ khóc và phản đối nếu bị tước đi những thứ đó.
Đây chính là lúc cái tôi, chính kiến đầu tiên của trẻ đang được hình thành. Cha mẹ nên tận dụng cơ hội này để bé tự quyết định và lựa chọn điều con mong muốn. Hãy hỏi con, giữa hai cái này, con muốn cái nào? Con muốn ăn súp lơ hay cà rốt? Con muốn đọc sách nào? Càng cho con có cơ hội lựa chọn nhiều bao nhiêu, tư duy phản biện của con sẽ được hình thành vững chắc nhiều bấy nhiêu.
Rèn luyện tư duy phản biện thông qua các trò chơi giúp tư duy logic
-
Tập cho trẻ tư duy logic
Có rất nhiều hoạt động giúp trẻ tư duy logic ngay từ tuổi chập chững. Điều cha mẹ cần chú trọng là phải giúp con có được các khái niệm cơ bản về so sánh, sắp xếp, phân loại kích cỡ và hình dạng, v.v. Những điều này hoàn toàn có thể thực hiện thông qua các trò chơi từ đơn giản đến phức tạp sao cho phù hợp với lứa tuổi của con. Một số hoạt động để bé rèn tư duy logic mà cha mẹ có thể tham khảo như:
– Ghép hình
– Lego
– Tìm điểm giống và khác nhau trong các bức tranh
– Xếp đồ chơi theo nhóm
– Các trò chơi như cờ vua, giải ô chữ, v.v.
Chỉ cần dành ra chút thời gian và tạo một hoạt động cho bé được thực hành thường xuyên sẽ giúp con sớm có được một tư duy logic nhanh nhẹn.
-
Tạo tình huống cho trẻ được thử sức
Sẽ có lúc con mè nheo, khóc lóc vì không làm được một việc gì đó. Lúc này cha mẹ đừng vội can thiệp mà ra tay làm hộ con. Nếu thay con nghĩ mọi điều, con sẽ thiếu đi kĩ năng và sự tự tin vào bản thân mình. Đôi khi chỉ cần cho con thời gian và hướng dẫn, khuyến khích, con sẽ biết cách tự giải quyết khó khăn. Nhờ đó con không những biết cách tư duy, bộc lộ khả năng sáng tạo mà còn có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh khi lớn lên.
Theo The Asianparent Thái Lan
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!