Kĩ năng STEM, sự tổng hợp của 4 ngành khoa học cần thiết trong thế kỷ hiện đại 21 đối với mọi trẻ em. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển toàn diện kĩ năng này với 5 điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài việc dạy con biết đọc, biết viết khi bước vào lứa tuổi mầm non, một kĩ năng nữa mà cha mẹ nên nuôi dưỡng cho con ngay từ khi con nhỏ để giúp con thành công trong việc học tập cũng như cuộc sống sau này. Đó chính là kĩ năng STEM.
STEM là từ viết tắt đầu tiên của 4 ngành khoa học Sciences (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kĩ thuật) và Mathematics (toán học). Với hiểu biết, tri thức và kĩ năng trong 4 lĩnh vực này, nghe có vẻ như nó chỉ dành cho trẻ lớn tuổi nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể xây dựng nền tảng cho con ngay từ tuổi chập chững. Con còn nhỏ nhưng khả năng học hỏi của con là vô cùng nhanh nhạy. Thêm vào đó, ở lứa tuổi này con thực sự hứng thú với việc khám phá, tìm hiểu thế giới quanh con. Do đó, không có gì là quá khó khi cha mẹ bắt tay ngay vào việc xây dựng kĩ năng STEM cho con ngay từ độ tuổi biết đi này.
Mỗi ngày hãy khuyến khích khả năng quan sát của con
Đây là cách rất đơn giản và lúc nào cha mẹ cũng có thể thực hiện được. Chỉ cần khuyến khích con quan sát những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cũng đủ để con thấy được thế giới quanh con kỳ diệu như thế nào.
Hãy chỉ cho con thấy sự thay đổi nhiệt độ trong ngày, bông hoa đang nở tưng bừng khi hôm qua mới he hé nụ, sự chuyển động của gió, … Cho con tự mình được quan sát những điều đó thông qua mọi giác quan của con.
Và cha mẹ cũng đừng quên chia sẻ những gì mình quan sát, cảm nhận được về cuộc sống với con. Khi kể cho con hãy thêm vào các từ như “quan sát”, “xem”, “tìm hiểu”, … để con hiểu rõ hơn về quá trình này. Đây chính là nền tảng đầu tiên cho sở thích và thói quen tìm hiểu về khoa học tự nhiên đối với trẻ nhỏ.
Nếu cha mẹ thực hiện thường điều này, rất tự nhiên con sẽ dần dần hình thành thói quen biết quan sát và đến một lúc nào đó quá trình này sẽ biến đổi lên một cấp độ cao hơn. Biết đâu bé rất có thể sẽ trở thành một nhà khoa học trong tương lai.
Khuyến khích con giải thích về những điều con thấy và con làm
Với các câu hỏi khéo léo, cha mẹ hãy thử hỏi han để con giải thích, kể tường tận về những gì con đã quan sát thấy hoặc làm được mỗi ngày.
Chẳng hạn nếu con thấy một chú bướm. Hãy hỏi con xem bướm màu gì, hình dạng thế nào, kích cỡ to nhỏ ra sao. Hay khi con chơi xếp hình, nặn đất sét, cha mẹ đừng quên hỏi xem con đang làm gì, con nghĩ gì, cái này có nghĩa như thế nào.
Những lúc như vậy, cha mẹ hãy nhắc lại những điều con nói và thêm vào các từ vựng phong phú. Điều này vừa giúp con có thêm vốn từ “phức tạp” hơn, đồng thời lại tạo cho con sự tự tin vào những gì con đang làm.
Hỏi con “đây là gì” thay vì “tại sao”
Một số cha mẹ nghĩ rằng cách hỏi “tại sao” sẽ giúp trẻ tư duy tốt hơn. Nhưng với trẻ ở lứa tuổi này, đôi khi điều đó có thể khiến con mất tự tin.
Vì vậy cha mẹ có thể hướng đến các câu hỏi như “con đang làm gì”, “con đã thấy điều gì” hơn là hỏi con “tại sao lại như vậy”. Cách này sẽ giúp con tự tin vào câu trả lời và cảm nhận được “thành công” trong việc mình làm.
Chẳng hạn nếu hỏi con “có điều gì xảy ra với những cái bong bóng xà phòng này vậy con?”. Chắc chắn trẻ sẽ trả lời dễ dàng hơn là “tại sao những bong bóng xà phòng này lại dính vào nhau?”. Cách hỏi này cũng sẽ giúp cha mẹ có thêm những câu hỏi mở tiếp theo cho cuộc nói chuyện với con. Trẻ sẽ tiếp tục kể về những điều mình đang khám phá. Điều này thực sự rất có ích trong việc khuyến khích tính tìm tòi, sáng tạo của con.
Chỉ dạy con biết đếm số thôi thì không đủ
Nếu con đã đếm số được thành thạo nhưng vẫn chưa hiểu về cách hoạt động của con số đấy thì cha mẹ nên bồi dưỡng thêm cho con. Hãy để con thấy con số mà trẻ đã học được hoàn toàn có ích trong cuộc sống hàng ngày của con.
Học toán qua thực tế là điều dễ dàng với mọi đứa trẻ. Hãy chỉ cho con giá tiền đồ vừa mua. Cho con xem cách nhân viên siêu thị cân rau, thịt như thế nào. Để con tự lấy đúng số lượng đồ cần mua bỏ vào giỏ. Trên đường đi cha mẹ có thể chỉ cho con có bao nhiêu bậc cầu thang lên lớp học của con. Xích đu trong sân chơi con có mấy chiếc?
Chắc chắn những điều này sẽ khiến con cảm thấy thú vị với các con số hơn hẳn việc chỉ nhìn vào những thẻ nhớ hay một quyển sách mà thôi.
Tư duy về “không gian” từ những điều đơn giản nhất
Nghe có vẻ to tát, nhưng tư duy về không gian hoàn toàn có thể thực hiện từ các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.
Trên đường đi dạo hay đến nhà trẻ, trường mẫu giáo, cha mẹ hãy chỉ cho con lối đi như thế nào để đến được đích. Hãy nói cho con biết trẻ đang ở vị trí nào của đường đi. Hay đơn giản như thử hỏi con xem phòng ngủ con con ở vị trí nào trong nhà. Những khối hình như đồ chơi gỗ, lego, … sẽ rất có ích cho việc hình thành tư duy không gian của trẻ.
Với 5 cách đơn giản và dễ thực hiện như trên, các em bé trong độ tuổi chập chững của cha mẹ chắc chắn sẽ có những nền tảng vững chắc về kĩ năng STEM ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố quyết định giúp các bé có được tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm trong tương lai sau này.
Theo Hello
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!