Rã đông và hâm sữa mẹ đúng cách sẽ giúp bé được thưởng thức toàn bộ chất dinh dưỡng thơm ngon.
Công việc chăm bé sơ sinh có thể khá vất vả nếu mẹ lần đầu bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Để người thân cùng san sẻ việc nuôi nấng bé sơ sinh, nhiều mẹ đã lựa chọn hút sữa ra và cho bé bú bình song song với bú mẹ.
Rã đông và hâm sữa mẹ cho bé là khâu quan trọng mà mẹ cũng như người thân nên tìm hiểu để đảm bảo bé có thể ăn sữa vừa được bảo toàn dinh dưỡng mà lại vẫn thơm ngon.
Trong bài viết này, The Asianparent Việt Nam sẽ hướng dẫn mẹ các bước rã đông và hâm sữa mẹ một cách khoa học cũng như vẫn giúp sữa giữ nguyên các chất dinh dưỡng tuyệt vời cho bé yêu.
Rã đông và hâm sữa mẹ về cơ bản gồm các bước như sau
1. Lấy túi sữa mẹ từ trong ngăn đá để vào trong ngăn làm mát trước khi cho bé ăn từ 10-12 tiếng (nếu mẹ định cho bé ăn vào hôm sau thì đêm trước khi đi ngủ mẹ lấy ra làm mát là tiện nhất).
2. Trước khi cho con ăn khoảng 15 phút thì mẹ để ra ngoài tủ lạnh nhằm giảm bớt độ lạnh của sữa.
3. Trong khi chờ sữa bớt lạnh, mẹ hãy chuẩn bị vật dụng để hâm lại sữa. Thông thường mẹ có thể hâm sữa bằng 2 cách chủ yếu như sau:
Cách 1: Hâm sữa bằng nước ấm
- Cho sữa vào bình ti của bé rồi đặt vào một bát nước ấm.
- Nước hâm sữa nên ở nhiệt độ tối thiểu 37 độ và tối đa là 50-55 độ.
- Trong khi hâm nếu nước lạnh thì mẹ nên đổ thêm nước ấm vào bát.
Cách 2: Làm ấm sữa bằng máy hâm sữa
Rất đơn giản, mẹ chỉ cần chọn nhiệt độ và đặt bình sữa vào là một lát sau sẽ có sữa ấm theo đúng yêu cầu cho bé ăn.
Lưu ý: Nếu sữa tách thành một lớp kem ở bên trên thì trước khi hâm sữa mẹ nên lắc nhẹ để chất béo trên bề mặt được hòa đều.
4. Kiểm tra bình sữa trước khi cho bé bú
– Nhỏ một vài giọt sữa lên phần cổ tay để kiểm tra độ ấm, nóng của sữa, tránh tình trạng bé bị bỏng sữa.
– Kiểm tra mùi sữa xem có bình thường không. Nếu có mùi chua thì tuyệt đối không nên cho bé ăn.
5. Từ từ cho bé mút bình ăn sữa mẹ đã được hâm ấm.
Một số điều mẹ cần lưu ý trong việc ra đông và hâm sữa mẹ cho bé
Không hâm sữa bằng lò vi sóng
Các tài liệu khoa học đều khuyên mẹ tuyệt đối không nên hâm lại sữa cho con bằng cách sử dụng lò vi sóng do 2 lý do sau:
– Độ nóng quá mức do lò vi sóng sẽ khiến một số vitamin và kháng thể trong sữa mẹ bị phá hủy.
– Sữa bị hâm nóng ở nhiệt độ cao dễ khiến trẻ bị bỏng.
Sữa mẹ sau khi rã đông có mùi tanh hơn bình thường
Bé bú mẹ trực tiếp sẽ cảm thấy sữa có mùi thơm ngon. Trong khi đó sữa đem đi trữ đông thường có mùi lạ, tanh hơn, khiến cho một số bé không chịu bú sữa mẹ đã rã đông.
Đây là cách mẹ có thể tham khảo để khử mùi lạ của sữa.
Chọn rã đông và hâm sữa mẹ theo thứ tự
Trữ đông sữa mẹ là một ý tưởng tuyệt vời và thuận tiện cho nhiều mẹ. Tuy vậy nếu để sữa quá lâu trong tủ cũng không phải là điều tốt. Do đó, mẹ cần ghi chú ngày tháng lên sữa cẩn thận. Sau đó, mỗi lần rã đông thì mẹ lấy theo thứ tự từ cũ đến mới.
Sữa mẹ chỉ có thể bảo quản được trong một thời gian nhất định
– Thông thường, nếu mẹ hút sữa và để ở nhiệt độ phòng (27-32 độ) thì các chất dinh dưỡng sẽ được giữ nguyên trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ. Sau khoảng thời gian đó, coi như sữa mẹ hoàn toàn không còn giá trị dinh dưỡng nữa.
– Sữa mẹ sau khi rã đông và làm ấm thì nên cho bé ăn ngay. Nếu bé ăn không hết thì có thể để thêm 30 phút. Sau đó nếu con vẫn không ăn thì mẹ nên bỏ đi chứ không được cất vào tủ lạnh để cho con ăn tiếp vào lúc khác.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!