Phương pháp kích sữa power pumping là phương pháp hoạt động theo nguyên tắc bắt chước cơ chế em bé đòi bú liên tục, thích hợp với những mẹ ít sữa, giảm sữa hoặc bị mất sữa. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Nguyên tắc hoạt động của phương pháp kích sữa power pumping
- Kích sữa bằng phương pháp power pumping thực hiện thế nào?
- Những lưu ý dành cho mẹ bỉm sữa khi hút sữa theo phương pháp power pumping
- Nhược điểm của kích sữa bằng Power pumping
- Những điều mẹ nên tránh khi thực hiện kích sữa
Nguyên tắc hoạt động của phương pháp kích sữa power pumping
Viêm tắc sữa luôn là một nỗi ám ảnh đối với những bà mẹ cho con bú. Việc áp dụng nhiều cách kích sữa nhưng không đem lại kết quả như mong muốn khiến các mẹ không khỏi hoang mang. Trong trường hợp này, bạn nên làm sao? Phương pháp kích sữa mang tên power pumping là câu trả lời dành cho bạn.
Power pumping là phương pháp hỗ trợ các mẹ ít sữa hoặc mất sữa
Đối với các bà mẹ Việt, phương pháp này còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, nó lại khá phổ biến ở nước ngoài. Power pumping thực chất là phương pháp hoạt động theo nguyên tắc bắt chước cơ chế ăn vặt của bé (em bé đòi bú liên tục).
Theo đó, nó sẽ báo với cơ thể mẹ rằng em bé đang cần lượng sữa lớn hơn. Điều này cung cấp cho bạn động lực để sản xuất nhiều sữa hơn. Phương pháp này được cho là thích hợp với những mẹ ít sữa, giảm sữa hoặc bị mất sữa.
Có thể bạn chưa biết
Kích sữa bằng phương pháp power pumping thực hiện thế nào?
Cách 1
Mẹ thực hiện power pumping 70 phút/lần. Sau 10 phút vắt, mẹ nghỉ 10 phút rồi tiếp tục, cứ như vậy lặp lại 4 lần. Theo cách này, các chị em có tổng cộng 40 phút vắt sữa và 30 phút nghỉ ngơi xen kẽ. Mỗi ngày, bạn có thể thực hiện 4 – 5 cữ vắt hoặc bất cứ lúc nào cảm thấy thuận tiện.
Đối với mẹ ít sữa, bạn nên hút sữa theo phương pháp power pumping cho tất cả cữ vắt. Tùy vào sức khỏe, mẹ có thể bỏ cữ vắt ban đêm. Chị em cần lưu ý rằng, khoảng cách giữa mỗi cữ vắt sữa nên đều nhau.
Cách 2
Mỗi ngày, mẹ thực hiện vắt sữa trong vòng 60 phút/lần theo quy trình: vắt 20 phút, nghỉ 10 phút; tiếp tục vắt 10 phút, nghỉ 10 phút và cuối cùng, vắt thêm 10 phút nữa.
Với cách này, tổng thời gian vắt là 60 phút. Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ nên thực hiện cách này vào buổi sáng vì đó là lúc nguồn sữa dồi dào nhất. Vào các khoảng thời gian khác trong ngày, bạn có thể vắt sữa như bình thường.
Những lưu ý dành cho mẹ bỉm sữa khi hút sữa theo phương pháp power pumping
Phương pháp hút sữa power pumping phù hợp với mẹ ở nhà cho con bú hoặc trong giai đoạn thai sản. Trong trường hợp chuẩn bị đi làm lại, bạn nên vắt theo cách này trước đó 1 tháng. Mục đích là để đảm bảo lượng sữa thừa cho con bú từ 200 – 300ml/ngày.
Phương pháp power pumping phù hợp với các mẹ ở nhà cho con bú
Để phát huy công dụng của power pumping, chị em cần nhớ:
- Số lần thực hiện power pumping trong ngày phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi người.
- Số lần bạn thực hiện quan trọng hơn thời gian vắt.
- Áp dụng trong khoảng 1,5 tháng. Mẹ hãy chia thành 3 đợt: đợt 1 – 10 ngày và nghỉ 2, 3 ngày, đợt 2 – 10 ngày và tiếp tục nghỉ 2, 3 ngày, đợt cuối cùng – 10 ngày.
- Sau khi đạt được lượng sữa như mong muốn, duy trì thực hiện kích sữa power pumping 2 lần/ngày.
- Nạp đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước mỗi ngày. Nếu không đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, khả năng thành công sẽ giảm 50%.
- Thư giãn, tránh tình trạng căng thẳng.
- Nếu bạn sử dụng tay để vắt thì bạn có thể thay đổi bên sau mỗi lần vắt chứ không cần nghỉ hẳn.
Có thể bạn chưa biết
Nhược điểm của kích sữa bằng Power pumping
- Tốn thời gian: Mẹ cần dành nhiều thời gian vắt hút sữa, bên cạnh đó còn cần thêm thời gian vệ sinh bình sữa, hâm sữa và cho bé ăn. Việc này khiến mẹ không đủ thời gian để nghỉ ngơi, từ đó dẫn đến kích sữa kém hiệu quả hơn
- Dễ tổn thương đầu ti và bầu ngực: Khi kích sữa bằng máy hút sữa, sẽ có rất nhiều lực cơ học tác động lên bầu ngực và núm ti để rút sữa. Thường xuyên vắt sữa và vắt liên tục trong thời gian dài sẽ khiến ngực mẹ chảy xệ, mất dáng ngực, đồng thời làm mẹ tổn thương đầu ti, đau đầu ti và nứt đầu ti. Hậu quả là vắt sữa kém hiệu quả hơn.
Những điều mẹ nên tránh khi thực hiện kích sữa
Kích sữa bằng phương pháp Power pumping được đánh giá là hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ phát huy tác dụng giống nhau ở từng người. Tùy vào cơ địa và sức khỏe mà lượng sữa bạn có được sẽ khác nhau. Do đó, bạn không nên nản chí nếu thời gian đầu chưa đạt được kết quả mong muốn.
Bạn tránh lạm dụng phương pháp này để không làm ảnh hưởng sức khỏe
Bên cạnh đó, mẹ không được lạm dụng phương pháp này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp không có sự hỗ trợ của người thân, chị em cũng nên cân nhắc về việc thực hiện power pumping.
Mẹ cần đều đặn theo dõi sức khỏe, đầu ti, lượng sữa cũng như hiện tượng tắc tia. Bạn đừng cố vắt quá nhiều sẽ làm cho đầu ti bị phù nề, chảy máu và thậm chí rối loạn tiết sữa.
Đừng tiếc thời gian nghỉ ngơi: Nói về chế độ nghỉ ngơi của mẹ sau sinh, thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết mẹ cần ngủ đủ giấc. Sau cuộc chuyển dạ đầy gian nan, cơ thể mẹ sẽ rất mỏi mệt, cộng thêm việc chăm sóc trẻ sơ sinh thì sức khỏe mẹ sẽ càng bị ảnh hưởng hơn. Mẹ nên nhờ sự giúp đỡ của người thân để được ngủ nhiều hơn. Mỗi ngày mẹ bỉm cần có 8-9 tiếng cho giấc ngủ. Thời gian ngủ sẽ là lúc mẹ hồi phục năng lượng, hỗ trợ tiết sữa cho con bú và giảm được nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Kết
Kích sữa bằng phương pháp power pumping là một giải pháp dành cho các mẹ thiếu sữa. 1 lợi thế của phương pháp này là mẹ không cần uống thêm bất kỳ chất bổ sung hay thuốc nào. Để đạt được hiệu quả tốt cũng như bảo vệ sức khỏe, chị em cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn.
Nguồn thông tin: Những vấn đề sản phụ thường băn khoăn sau sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!