Justin Baldoni đã xử lý rất khéo léo khi con gái anh quấy khóc ở giữa siêu thị. Hãy xem cách ứng xử này của anh ấy, bạn sẽ hiểu vì sao ba mẹ không nên cảm thấy xấu hổ khi con khóc quấy.
Tại sao ta phải cảm thấy xấu hổ khi con nhỏ quấy khóc?
Dù cho cha mẹ nào có điềm tĩnh đến mấy, thì ắt hẳn cũng sẽ “ngã ngựa” trước cảnh con mình quấy khóc nơi công cộng. Bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy khó xử khi con mình khóc thét lên, và mọi người xung quanh đều hướng mắt về bé.
Bạn bắt đầu cuống cuồng dỗ cho con nín, trong khi biết chắc mọi người đang ngoái lại nhìn. Bạn ngượng chín mặt khi tưởng tượng ra cảnh các ông bố bà mẹ khác dạy con họ không nên “hư hỏng” như con mình, và âm thầm chê trách kĩ năng dạy con của bạn.
Nhưng nghĩ lại thì, tại sao ta phải cảm thấy xấu hổ chứ? Việc gì ta phải cuống cuồng lên khi mà con mình còn quá nhỏ để kiềm chế cảm xúc nơi công cộng?
Đừng bao giờ dạy con mình dựa trên sự đánh giá của người khác
Đó chính là câu hỏi mà Justin Baldoni đã đặt ra trong một bài viết trên Facebook. Diễn viên – đạo diễn người Mỹ chia sẻ một bức ảnh mà vợ anh, Emily, đã chụp trong một lần đến Whole Foods.
Trong hình là con gái của họ, bé Maiya, 4 tuổi, đang quấy khóc và lăn lộn trên sàn nhà.
Baldoni và cha của anh đứng ngay cạnh bé, nhưng họ không hề đỡ bé dậy, và cũng không cảm thấy xấu hổ vì bé.
Họ đứng oai vệ và mắt nhìn thẳng vào Maiya – trông hai người họ như hai bức tường vững chắc bao quanh cô bé – người hiện đang là tâm điểm của mọi sự chú ý.
Trong bài viết, Baldoni chia sẻ một bài học thấm thía từ người bố của mình về việc quản lý cảm xúc.
“Chẳng có bố mẹ nào là hoàn hảo cả, nhưng một điều bố đã dạy tôi chính là đừng bao giờ dạy con mình dựa trên sự đánh giá của người khác. Bố luôn để tôi thể hiện cảm xúc của mình, cho dù việc đó có ở nơi công cộng và thật đáng xấu hổ đi nữa. Bố chẳng bao giờ bảo với tôi rằng ‘Con thôi làm bố mất mặt đi!’ hoặc ‘Nín khóc đi!’”
“Phải mãi đến gần đây tôi mới nhận ra cách dạy đó đã giúp tôi phát triển về mặt cảm xúc tới nhường nào. Trẻ con luôn học hỏi và xử lý rất nhiều thông tin, và đôi lúc các bé không biết cách xử lý những cảm xúc lần đầu xuất hiện trong đời!”
“Tối luôn cố gắng đảm bảo con gái mình hiểu rằng việc bé có những cảm xúc mạnh mẽ là hoàn toàn ổn. Tôi không hề nghĩ việc bé quấy khóc ở tiệm tạp hóa, hay thét lên trên may bay là đáng xấu hổ. Đây là con của chúng tôi, chứ không phải của ai khác. Ba mẹ không nên cảm thấy xấu hổ khi con khóc quấy. Mọi người nên thôi cảm thấy xấu hổ hộ cho chúng tôi.”
Baldoni chỉ ra rằng việc cảm thấy xấu hổ vì con trẻ quấy khóc sẽ tạo nên ý nghĩ trong bé rằng việc thể hiện cảm xúc của mình là chuyện đáng xấu hổ.
Justin Baldoni, Emily,và bé Maiya
Đừng ngần ngại mà dành cho con mình một khoảng không để bộc lộ cảm xúc
Có rất nhiều lí do để ta bắt con nín khóc khi bé bắt đầu lên tiếng: xấu hổ với người khác, ngại đối mặt với tình huống khó xử trên… Và thật dễ dàng để ta quên đi rằng có một thứ quan trọng hơn cả trải nghiệm mua sắm của người khác, hay việc chính bản thân ta sợ bị đánh giá – đó chính là sức khỏe tâm lý của con trẻ.
Nếu nhìn kĩ lại vào bức ảnh trên, ta sẽ nhận ra rằng người khác còn chẳng thèm ngoái lại nhìn con bé đang nằm ăn vạ dưới sàn nhà, huống chi là đánh giá. Các bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng mình đang là tâm điểm của sự chú ý, nhưng thật sự người khác cũng đang bận bịu với cuộc sống của chính họ.
Hoặc cũng có thể người ta đã thấy con bạn gào thét trên sàn nhà – chẳng dễ gì mà bỏ qua tiếng trẻ con quấy khóc. Nhưng mọi người vẫn âm thầm dành cho bạn một sự riêng tư nhất định, cũng như bản thân ta sẽ làm cho người khác trong trường hợp đó.
Bởi thế, các bậc làm cha mẹ hãy đừng ngần ngại mà dành cho con mình một khoảng không để bộc lộ cảm xúc – dù cho đó có là nơi công cộng. Và quan trọng không kém, những bậc phụ huynh cũng đừng lo lắng rằng mọi người sẽ nhìn thấy việc mình đang “vật lộn” với việc nuôi dạy con nhé. Đây cũng là một điều rất bình thường thôi mà – có ai có thể thành công ngay trong bất kì việc gì mà không gặp chút khó khăn nào?
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cập nhật và thảo luận cùng những cha mẹ khác nhé!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!