Ở cữ bao lâu là phù hợp? Quan niệm ở cữ đã thay đổi, mẹ không cần kiêng khem quá lâu như trước, 6 tuần là khoảng thời gian tốt nhất để cơ thể người phụ nữ sau sinh được hồi phục hoàn toàn.
Quan niệm ở cữ xưa và nay
Người xưa vẫn quan niệm phụ nữ sinh xong rất yếu, như “rắn lột xác” vì vậy cần phải kiêng cữ trăm thứ. Đây cũng là một thông lệ chăm sóc mẹ sau sinh theo phong tục truyền thống, thường kéo dài từ 30,40 – 100 ngày, tùy vào văn hóa của từng vùng miền.
Việc ở cữ thường bắt đầu ngay từ ngày đầu sau sinh cho cả mẹ lẫn con. Vì trẻ sơ sinh mới ra khỏi bụng mẹ nên sẽ cần một khoảng thời gian tương đương với 3 tháng để thích nghi dần với thế giới mới.
Theo truyền thống, cũng trong 3 tháng đầu này, mẹ sẽ phải tập trung toàn bộ sức lực để cố gắng phục hồi sức khỏe, học cách nuôi con bằng sữa mẹ và thích nghi với những thay đổi của cơ thể sau sinh.
Người xưa khi ở cữ thường yêu cầu kiêng khem rất nhiều thứ, chẳng hạn như kiêng tắm rửa, gội đầu, không ra ngoài đường mà chỉ được ở trong nhà, …
Tuy nhiên với cuộc sống hiện đại như ngày nay, nơi ở cũng an toàn và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài như trước thì việc ở cữ không còn quá khắt khe nữa.
Thay vào đó các bác sĩ chỉ khuyên mẹ sau sinh nên ở nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cho đến khi cơ thể hồi phục hoàn toàn mà thôi.
Ở cữ bao lâu – Khoảng thời gian cần thiết để mẹ sau sinh bình phục
Hiện nay, hầu hết các bác sĩ đều cho rằng, phụ nữ cần ít nhất 4-6 tuần để hồi phục cơ thể sau sinh, đặc biệt là tử cung và vùng sinh môn.
Do đó khoảng thời gian ở cữ (được hiểu là thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng) nên ít nhất là 6 tuần lễ đầu sau sinh, đây là thời điểm thích hợp nhất để cho các bà mẹ được tái tạo sức khỏe sau những tháng ngày mang thai và vượt cạn với biết bao điều khó nhọc, mệt mỏi.
Ở cữ bao lâu được tắm gội?
Sau sinh khoảng 2-3 ngày là các bà mẹ đã có thể gội đầu và tắm toàn thân được: Dùng dầu gội đầu hay trái bồ kết nấu nước sôi để tắm gội, nên gội với thời gian nhanh 5-7 phút, không nên ngâm tóc lâu. Sau khi gội xong cần dùng máy sấy tóc, sấy tóc khô ngay.
Ở cữ bao lâu được vận động, đi lại?
Vận động thân thể sau sinh là điều cần thiết, nhằm giúp lấy lại sự co hồi tử cung để tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc mạch.
Ngày đầu có thể ngồi dậy ra khỏi giường sau 8 tiếng và những ngày tiếp theo có thể đi lại trong phòng, có thể ra tắm nắng ngoài trời từ ngày thứ 2 trở đi, vào buổi sáng sớm từ 7-8 giờ.
Sau 1 tuần, mẹ có thể tập thể dục toàn thân với các động tác nhẹ nhàng.
Có cần kiêng khem ăn uống?
Một trong những điều quan trọng mà ở cữ hiện đại chú trọng và khác biệt với truyền thống đó là người mẹ cần ăn cân bằng và đa dạng chất.
Sau khi trải qua một cuộc vượt cạn thì sức khỏe của mẹ sẽ cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Người mẹ cần được ăn các món nấu chín, uống sôi để không gây đau bụng, mệt mỏi.
Việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng sẽ giúp:
- Tăng chất lượng sữa của mẹ đối với bé sơ sinh
- Tiếp thêm nguồn năng lượng để người mẹ có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ, đặc biệt là các mẹ mới sinh mổ
- Giúp mẹ ngăn ngừa được tình trạng táo bón, một trong những tình trạng dễ xảy ra với mẹ sau sinh
Mặc dù các món ăn kiêng kị truyền thống đều là những món có lợi cho sức khỏe mẹ sau sinh nhưng nếu ăn triền miên trong một thời gian dài có thể khiến người mẹ mất đi cảm giác ngon miệng và chán ăn.
Chính vì vậy mà bữa ăn hàng ngày nên chú trọng tới những món ăn khiến mẹ ngon miệng, thoải mái, được chế biến sạch sẽ, tươi ngon, nóng sốt là được.
Cùng với chế độ dinh dưỡng, vận động, mẹ sau sinh khi ở cữ nên lưu ý sắp xếp thời gian ngủ nghỉ phù hợp (tranh thủ bé ngủ mẹ cũng cố gắng ngủ) để cơ thể sớm hồi phục nhất có thể.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!