Hướng dẫn tuổi dậy thì trong việc xây dựng tình bạn đẹp và những mối quan hệ lành mạnh khác là một trong những thử thách nhất đối với các vị phụ huynh. Cha mẹ hãy theo dõi nhé!
Lựa chọn bạn bè và kinh nghiệm sống của con trong những năm dậy thì bỡ ngỡ sẽ định hình quá trình trưởng thành của trẻ, và sự hướng dẫn tận tình, nhẹ nhàng của bạn là mấu chốt giúp con đưa ra những quyết định đúng đắn. Điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra rằng việc hướng dẫn con bạn trong quá trình kết bạn và làm bạn bắt đầu ngay cả trước khi con bước vào độ tuổi teen.
Tinh thần ổn định và sự bền bỉ là nền móng cơ bản cho những mối quan hệ lành mạnh. Trên cương vị làm cha mẹ, bạn sẽ phải tập trung đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của con mình. Dưới đây là một số “quy luật” đơn giản nhưng hiệu quả để giúp bạn đạt được điều này, ngay cả trong lối sống hối hả và bận rộn thường ngày.
# Xây dựng một mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái bằng cách dành thời gian cho con
Các chuyên gia khẳng định rằng các bậc cha mẹ thường xuyên tương tác với con cái của họ ngay từ khi mới sinh thường có mối quan hệ thân thiết hơn với con của họ. Hãy học cách lập kế hoạch đi chơi riêng với con; Bạn có thể chọn cách giết thời gian bằng một thú vui mà cả hai mẹ con/cha con cùng yêu thích, hoặc thậm chí học thêm một kỹ năng mới hoặc bắt đầu một sở thích mới cùng nhau. Đây là khoảng thời gian giúp bạn đến gần con hơn, và giúp con cởi mở hơn trong việc chia sẻ những ước mơ, nỗi sợ và suy nghĩ của chúng với bạn.
# Xây dựng sự đồng điệu về cảm xúc, và hiểu rõ tâm lý tình cảm của con
Cố gắng nắm bắt và thấu hiểu những cảm xúc của trẻ vị thành niên. Khi trẻ hạnh phúc, hãy chia sẻ niềm vui với con; Khi trẻ buồn, hãy biết cách khóc cùng con. Con của bạn sẽ cảm nhận được sự đồng cảm của bạn, và đáp lại bằng cách cởi mở chia sẻ tâm tình, cuộc sống của chúng với bạn.
# Trở thành tấm gương trong việc quản lý cảm xúc
Trẻ em học từ hành vi hơn là lời nói của cha mẹ, và con sẽ bắt chước cách bạn xử lý cảm xúc và quan tâmđến người khác. Khi bạn biết quản lý cảm xúc cá nhân một cách hiệu quả, con của bạn cũng sẽ noi theo gương bạn và xây dựng những cảm xúc tích cực.
# Dạy con cách xử lý những cảm xúc tiêu cực
Thành công không tự nhiên mà đến – Trẻ cần được dạy cách đối đầu với thất bại và giải quyết các xung đột một cách lành mạnh. Không có gì ngạc nhiên khi một đứa trẻ được dạy kỹ năng này sớm có thể xử lý tốt những cảm xúc tiêu cực khi lớn lên. Ngay cả với nền tảng của một mối quan hệ mẹ-con bền chặt, con của bạn sẽ luôn có những câu hỏi, nghi ngờ và phải đối mặt với rất nhiều thử thách khi xây dựng tình bạn. Thay vì sử dụng các biện pháp khắc nghiệt hoặc hoàn toàn phó mặc con bạn trong tình huống này, cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo con và sử dụng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn con vượt qua thử thách.
# Giúp trẻ nhận dạng và đối phó với áp lực từ các bạn đồng trang lứa
Áp lực từ bạn bè không phải là một hiện tượng mới, và đây không hẳn nhất thiết là một điều xấu; những người bạn có thói quen tích cực sẽ ảnh hưởng đến con tuổi dậy thì của bạn một cách lành mạnh. Tuy nhiên, nếu con của bạn cảm thấy bị coi thường hoặc bị đe dọa bởi bạn của chúng, trẻ phải biết đứng lên bảo vệ lập trường của mình. Khi có cơ hội, hãy đặt những tình huống giả định về áp lực từ các bạn đồng trang lứa và hỏi con bạn chúng sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó. Hãy thẳng thắn chia sẻ với con của bạn một số ví dụ tích cực về cách bạn vượt qua áp lực bạn bè trong giai đoạn tuổi teen.
# Dành thời gian với bạn bè của con bạn.
Mời bạn bè của con đến nhà chơi, hoặc rủ chúng đến cùng ăn tối với gia đình. Đây là một cách hay để tìm hiểu bạn bè của con bạn ngay cả khi con bước vào giai đoạn mà chúng yêu cầu bạn tôn trọng riêng tư của chúng hơn. Với tư cách là cha mẹ, việc làm này giúp bạn có thêm ưu thế trong việc khuyến khích con xây dựng những tình bạn lành mạnh.
# Đối thoại chứ không độc thoại
Khi bạn là người độc thoại trong cuộc nói chuyện với con tuổi dậy thì, thì kể cả khi bạn có ý định tốt, bạn sẽ vẫn trở thành một người rao giảng giáo điều khó chịu. Thay vào đó, hãy hỏi con những câu hỏi cởi mở và bắt đầu một cuộc trò chuyện hai chiều để con có quyền tự do diễn đạt suy nghĩ, làm rõ những điều thắc mắc và thảo luận các lựa chọn trong đầu chúng.
Chia sẻ hiểu biết của bạn nhưng đừng áp đặt chúng lên suy nghĩ của con. “Lời mẹ/cha luôn đúng” không phải là một câu trả lời hiệu quả cho trẻ ở tuổi vị thành niên. Thay vào đó, hãy cho con những lời giải thích hợp lý và lý do thuyết phục. Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và sẵn sàng tìm đến bạn để tâm sự những mối quan tâm của chúng và lắng nghe lời khuyên từ bạn.
# Thiết lập các quy tắc cơ bản và những kỳ vọng của bạn về con
Khi nói đến việc hẹn hò, mỗi gia đình sẽ có những quy tắc và kỷ luật khác nhau , tuỳ thuộc vào độ chín chắn và tuổi của con. Hãy cho con biết trước hậu quả của việc phạm luật sẽ như thế nào. Một khi kỷ luật được thiết lập rõ ràng, con của bạn sẽ có thể hiểu rõ kỳ vọng của bạn về con. Ngoài ra, điều quan trọng là bạn phải nhất quán với hành vi và quy tắc của bạn.
Mỗi phụ huynh đều biết rằng kỹ năng xây dựng và duy trì mối quan hệ lành mạnh sẽ tiếp sức cho trẻ đứng vững khi chúng bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành và cuộc sống độc lập. Hãy đảm bảo rằng con có những tình bạn ý nghĩa và lành mạnh trong cuộc sống với những cách cơ bản nêu trên, và bắt đầu đúng cách trong cuộc hành trình xây dựng các mối quan hệ xã hội với con !
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!