Từ khi có con, những biểu hiện hay hành động ngây thơ đều mang ý nghĩa đặc biệt với cha mẹ, trong số đó có những kỷ niệm thực sự ngọt ngào và dễ thương. Khi nhắc đến cột mốc phát triển của bé, mọi người thường nghĩ đến chỉ số sức khỏe hay vận động như bước đi đầu tiên, từ đầu tiên con biết nói… nhưng mẹ cũng nên nhớ rằng mỗi hành động hay biểu hiện đều là bằng chứng chứng tỏ bé đang phát triển tốt cả thể chất và tinh thần. Hãy cùng tìm hiểu những cột mốc phát triển quan trọng của bé trong bài viết dưới đây nhé.
Giai đoạn từ 1 đến 8 tháng tuổi
Bé bắt đầu cười khi được từ 15 ngày đến 2 tháng tuổi
Có cha mẹ nào quên được nụ cười toe toét lần đầu tiên của con từ khi mới sinh? Những nụ cười “xã giao” kiểu này thật sự làm tim bạn tan chảy, và đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy não bộ của con bạn đang phát triển khi đã bắt đầu có khả năng điều khiển ánh mắt và cơ mặt.
Nụ cười cũng thể hiện mức độ nhận biết mới của bé. Con bạn đã bắt đầu biết cách thể hiện những cảm xúc tích cực để thu hút sự chú ý của người lớn. Hãy tiếp tục khuyến khích bé bằng cách cười với con mỗi khi có thể và thể hiện cảm xúc ngạc nhiên và hào hứng mỗi khi con cười lại với cha mẹ.
Con cười lớn thành tiếng khi được 4 – 6 tháng
Mặc dù cười là bản năng nhưng bé cũng học được một số kỹ năng khác. Khi được 4 – 6 tháng tuổi, bé đã nghe những người xung quanh cười nhiều và đã có khả năng kiểm soát dây thanh âm để biết rằng mình cũng có thể làm điều tương tự.
Cha mẹ chớ vội ngạc nhiên khi mới đầu điệu cười của bé nghe có vẻ hơi lạ lùng và giống tiếng kêu của một chú cá heo vì lúc này thanh quản của con vẫn còn nhỏ và mềm, con chưa kiểm soát tốt được. Lúc này con cười thực sự dễ thương, hãy tận hưởng nhé. Khi con được 1 tuổi thì tiếng cười đã gần như giống của người lớn rồi.
Con thổi phì phì khi được 4 – 6 tháng là một trong những cột mốc phát triển quan trọng của bé
Như hầu hết các bậc cha mẹ khác, cảm giác trông ngóng ngày bé bập bẹ từ đầu tiên cũng sốt ruột như khi chờ đến ngày sinh con vậy. Tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý rằng con thực sự đã giao tiếp theo cách của con từ rất lâu về trước rồi.
Một trong những cách các em bé hay dùng để giao tiếp với mọi người xung quanh là thổi bong bóng. Bằng cách này bé luyện tập phản ứng của miệng bên cạnh phát triển ngôn ngữ.
Mẹ cũng nên biết không phải em bé nào cũng thổi phì hay chu môi đâu nhé. Có khoảng 25 – 33% em bé bỏ qua hành động này mà sẽ bập bẹ luôn. Tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy những em bé thổi phì phì và có những hành động bằng miệng phức tạp khác như liếm môi có xu hướng tiếp nhận ngôn ngữ nhanh hơn.
Bởi thế mẹ hãy khuyến khích bé bằng cách tiến sát gần mặt bé và mô phỏng hành động chu môi thổi để con bắt chước. Cách này cũng khuyến khích con thử tạo ra các âm thanh khác. Đây là cơ hội tuyệt vời để con hình thành phụ âm, nguyên âm và cuối cùng là các từ.
Từ 4 – 8 tháng con bắt đầu gặm chân
Sớm hay muộn ba mẹ cũng sẽ bắt gặp em bé đáng yêu của mình đang gặm chân một cách thích thú. Nghe có vẻ hơi kỳ quặc nhưng đây là một cột mốc phát triển quan trọng của bé. Lúc này hai tay bé có vẻ chưa thực sự phối hợp nhuần nhuyễn nhưng bé đang cố gắng tìm hiểu mọi thứ xung quanh và khám phá đồ vật bằng cách cho tất cả vào miệng, kể cả chân bé.
Bên cạnh thúc đẩy nhận thức về cơ thể, gặm ngón chân còn mang lại cảm giác thích thú và xoa dịu trẻ nên nếu có thấy con bạn gặm chân thì đừng bỏ chân bé ra nhé, đến một giai đoạn nào đó bé sẽ tự bỏ hành động này thôi. Mẹ cũng đừng lo ngại nếu con mình không thử động tác này vì không phải em bé nào cũng làm điều đó cả.
Khi con được 8 – 12 tháng
Con đã biết chải tóc hay đánh răng khi được 8 – 10 tháng
Hành động bắt chước ở trẻ em là một trong những cách học hỏi thế giới xung quanh hiệu quả nhất. Khi đã biết cầm nắm, bé sẽ thử làm việc đó với tất cả đồ đạc của bạn. Mặc dù động tác chưa thực sự khéo léo nhưng con đã có thể cầm lược đưa qua đưa lại trên đầu hoặc chải tóc lên xuống.
Nếu có bàn chải trong tay, con sẽ thử đưa vào miệng và đưa lên đưa xuống như người lớn. Thực tế là các em bé có thể dùng bàn chải cọ sát nướu răng hàng giờ khi nhận ra lông bàn chải làm nướu của con cảm thấy dễ chịu. Tuy vậy cha mẹ cũng phải cẩn thận vì cuối cùng sau một hồi hì hục cọ chải, em bé của bạn sẽ ném thẳng bàn chải vào bồn cầu mất đấy nhé.
Bé quen với việc có một vật thân thuộc bên cạnh khi được 10 – 12 tháng
Mặc dù không phải em bé nào cũng vậy nhưng trong giai đoạn này rất nhiều bé trở nên gắn bó với một vật gì đó như một con gấu bông hay chiếc chăn nhỏ bé hay đắp hằng ngày chẳng hạn. Vì vậy nếu có đi đâu cùng bé, ba mẹ đừng quên mang theo người bạn nhỏ này nhé.
Đây là lúc bé sẽ học được một vài thay đổi lớn như lần đầu đi tàu hay bước đi những bước đầu tiên từ vòng tay cha mẹ. Đôi lúc con sẽ không tránh khỏi cảm giác thiếu an toàn nên sẽ cần một người bạn nhỏ để xoa dịu và làm con yên tâm hơn.
10 – 12 tháng: Con đã biết hôn gió
Khi bạn đã cười đủ nhiều với con, rất có thể bé sẽ đáp lại tình cảm của bạn bằng một nụ hôn gió. Mới đầu có khi con chỉ đưa tay lên miệng nhưng như thế cũng đã là một bước phát triển mới của não bộ và đôi tay. Hôn gió là cách con biểu lộ tình cảm – dấu hiệu của sự phát triển tinh thần lành mạnh. Mẹ hãy thử nói với con: “Hãy hôn gió mẹ đi nào” để xem con có thực hiện không nhé. Nếu có thì con đã hiểu được kha khá ngôn ngữ nói của người lớn rồi.
Những cột mốc phát triển quan trọng của bé 12 – 18 tháng
Bé đã biết chơi trốn tìm lúc được 12 – 18 tháng tuổi
Có lẽ bạn đã thử chơi trò này với con từ nhiều tháng trước, từ khi con còn ngơ ngác nhìn ba mẹ diễn trò hay cười ngốc nghếch. Mẹ hãy chuẩn bị đi nhé, con sắp bắt đầu chơi cùng hay thậm chí tự chơi trước rồi đấy.
Trò chơi này không chỉ đơn thuần là bắt chước. Con đã học được cái gọi là “sự tồn tại của đối tượng”. Nếu trước đây vật gì con không thấy thì cũng sẽ không có ấn tượng trong tâm trí, con chỉ nghĩ đơn giản là nó không còn tồn tại thì bây giờ nếu có vật gì đó đột ngột biến mất khỏi tầm mắt – như việc mẹ trốn sau ghế chẳng hạn, con đã bắt đầu băn khoăn liệu mẹ có đi mất không và sẽ cố tìm kiếm. Mẹ nhảy ra và nói to “ú òa” sẽ làm con bất ngờ đấy.
Con thích chổng mông lên trời khi đã biết đi (13 – 15 tháng tuổi)
Tại sao nhiều em bé lại hay chống tay xuống đất rồi nhìn lộn ngược qua 2 chân vậy? Khi bắt đầu học được kỹ năng đi lại, khả năng cân bằng của trẻ có tiến bộ hơn nhiều. Đây là cách trẻ thử thách bản thân bằng những hành động mới thú vị. Nhìn thế giới xung quanh từ một góc độ khác cũng kích thích phát triển thị giác của trẻ. Và quan trọng hơn tất cả là bé cảm thấy vui khi làm việc đó.
Từ 14 – 16 tháng con biết nhún nhảy theo nhạc
Khi con được 14 – 16 tháng, bạn đừng kỳ vọng sẽ thấy con nhảy điệu moonwalk huyền thoại hay điều gì đó tương tự; tất cả con có thể làm có khi chỉ đơn giản là đứng lên ngồi xuống mà vẫn giữ được 2 chân trên mặt đất. Con có thể dựa vào một chiếc ghế hay chân bạn để giữ thăng bằng. Nhưng một khi đã vào nhịp rồi bé sẽ thể hiện hết cỡ kỹ năng vận động và khả năng nắm bắt nhịp điệu âm nhạc. Hãy nhảy cùng để khuyến khích con nhé, cả nhà sẽ có những giây phút vui vẻ bên nhau.
Tim mẹ tan chảy khi con biết ôm hôn lúc được 16 – 18 tháng
Bạn sẽ thấy con mình vòng tay xung quanh cổ bạn trước khi bạn kịp ôm con hay hôn bạn khi bảo con làm vậy. Đừng vội cho rằng con làm thế là không có lý do nhé. Thực tế là khi con bạn bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, có đôi lúc con sẽ cảm thấy chới với.
Một phần của con muốn trở nên độc lập trong khi phần khác lại luôn muốn đảm bảo rằng ba mẹ luôn ở bên cạnh. Điều tốt nhất ba mẹ có thể làm lúc này chính là ôm lại bé và dành cho con những lời yêu thương.
Con trẻ lớn lên rất nhanh và chẳng mấy chốc sẽ rời xa bạn để đi ra thế giới. Hãy lưu lại những khoảnh khắc đáng yêu, những cột mốc phát triển của con để chúng mãi là kỷ niệm đẹp của cả gia đình nhé.
Theo parents
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!