Tương tự như nhau bám thấp hay nhau tiền đạo, nhau cài răng lược (rau cài răng lược) là bất thường về bánh nhau mà chị em phụ nữ có nguy cơ gặp phải trong thời gian mang thai. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về tình trạng này, nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa….
Thế nào là nhau cài răng lược?
Nhau cài răng lược là hiện tượng bánh nhau bám bất thường hoặc xâm lấn 1 phần hay toàn bộ vào lớp cơ tử cung, vượt qua lớp niêm mạc bám chắc và sâu vào tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang, ruột….
Dựa trên mức độ xâm lấn của bánh nhau, có thể chia nhau cài răng lược thành 3 thể chính:
- Accreta: thể nhẹ, bánh nhau bám trực tiếp lên bề mặt tử cung (chiếm 79% các trường hợp)
- Increta: thể trung bình, bánh nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung (chiếm 14%)
- Percreta: thể nặng, bánh nhau xâm lấn xuyên qua lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như ruột hay bàng quang (chiếm 7% các trường hợp).
Nguyên nhân gây ra tình trạng rau cài răng lược đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tai biến này liên quan đến những biến đổi bất thường ở thành niêm mạc tử cung của người mẹ, thường là hậu quả của việc đẻ mổ hoặc các phẫu thuật tử cung khác trước đó.
Nhau cài răng lược thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì cụ thể, trong 1 vài trường hợp có thể có xuất huyết âm đạo ở 3 tháng cuối thai kỳ (tuần thai từ 28 – 40).
Rau cài răng lược nguy hiểm thế nào đối với sản phụ và thai nhi?
Nhau cài răng lược để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời:
- Xuất huyết cấp, nặng trước, trong và sau sinh. Khoảng 90% sản phụ bị nhau cài răng lược phải truyền máu và 7% thai phụ tử vong dù đã có sự chuẩn bị kỹ, truyền máu, chăm sóc trước, trong và sau phẫu thuật
- Sinh non: Mẹ bầu bị rau cài răng lược có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra. Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe: suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi thậm chí tử vong.
Ai có nguy cơ bị nhau cài răng lược?
- Phụ nữ nạo thai nhiều lần
- Người có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung
- Bà bầu bị nhau thai tiền đạo (nhau phát triển từ phần dưới, phần thấp nhất của tử cung)
- Chị em có tiền căn sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung…
- Phụ nữ mang thai khi trên 35 tuổi
- Nhóm chị em có số lần sinh con nhiều cũng có nguy cơ cao mắc nhau cài răng lược.
Làm thế nào để phát hiện tình trạng này?
Nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, rau cài răng lược có thể được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai dựa trên 1 số phương pháp như:
- Siêu âm thai: Siêu âm giúp phát hiện sớm nhau cài răng lược cũng như xác định mức độ nhau cài. Trong tam cá nguyệt cuối cùng, thường bác sĩ sẽ siêu âm để kiểm tra kỹ hơn tình trạng nhau thai, xem bánh nhau có bám sâu vào thanh mạc tử cung không để đưa ra phương án xử lý phù hợp
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Trong trường hợp siêu âm chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn hoặc không phù hợp với lâm sàng thì bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI.
Mẹ bầu phải làm gì khi bị rau cài răng lược?
Sau khi đã được chẩn đoán và kết luận chính xác về tình trạng nhau cài răng lược, chuyên gia y tế sẽ đưa ra phương án xử lý dựa trên tình hình sức khỏe của mẹ bầu, tuổi thai, vị trí và diện tích nhau bám và mức độ xâm lấn vào tử cung.
- Nhau bám mức độ nhẹ: bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi thai kỳ và đưa thai nhi ra vào thời điểm thích hợp. Có thể chị em chỉ cần sinh mổ và lấy phần nhau bong ra được, phần không lấy được sẽ dùng thuốc để diệt.
- Trường hợp nhau bám quá chặt, xâm lấn các cơ quan lân cận: bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai, để nguyên nhau vì nếu bóc nhau sẽ làm mất máu trầm trọng khiến tử cung và các cơ quan xung quanh bị tổn thương.
- Nếu sau sinh nhau không bong ra tự nhiên, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị cụ thể. Nhiều trường hợp phải tiến hành cắt bỏ tử cung; nếu nhau đã xâm lấn bàng quang hay trực tràng thì phải cắt bỏ 1 phần các bộ phận này. Nhẹ hơn thì chỉ cần bồi hoàn máu cho sản phụ và tử cung tự cầm máu.
Nếu sản phụ lớn tuổi đủ con, khi đã quyết định cắt tử cung thì bác sĩ thường cắt tử cung nguyên khối (không bóc nhau). Đối với sản phụ còn trẻ, chưa đủ con bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn tử cung. Mẹ bầu cần hết sức bình tĩnh và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để sẵn sàng chấp nhận các phương pháp điều trị để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng sản khoa nguy hiểm này?
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tránh nạo phá thai hoặc phẫu thuật trên tử cung nhiều lần
- Không nên sinh con khi tuổi đã cao để phòng ngừa biến chứng, có kế hoạch dự định sinh nở phù hợp
- Hạn chế sinh mổ, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ
- Khám thai định kỳ và theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn cao.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!