Nguyên nhân tim thai đập nhanh là gì? Nhịp đập nhanh như thế thì em bé trong bụng có khỏe mạnh không? Mẹ cần phải làm gì để điều chỉnh tốc độ tim thai trở nên ổn định?
Tại sao nên quan tâm đến tim thai?
Nhịp tim của thai nhi là một trong những dấu hiệu quan trọng mách bảo với mẹ về sức khỏe thai nhi. Thông qua nhịp tim, mẹ sẽ biết con có đang khỏe mạnh và phát triển bình thường hay không. Lắng nghe nhịp tim của con giúp mẹ cảm nhận được sự tồn tại của sinh linh bé nhỏ. Tiếng tim đập nhẹ nhàng trong bụng cũng là một âm thanh tuyệt diệu, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng.
Chính vì lẽ đó, khi nhận thấy tim thai đập nhanh hơn bình thường, mẹ bầu sẽ vô cùng lo lắng. Các mẹ thường đưa ra hàng loạt câu hỏi:
- Tim thai đập nhanh như thế có bình thường hay không?
- Vì sao tim con lại đột ngột đập nhanh như vậy?
- Làm cách nào để tim thai ổn định lại?
Con còn quá nhỏ và đang “trốn” trong bụng mẹ. Vì thế, mẹ bầu không thể nào tự kiểm tra để xác nhận bé có khỏe mạnh hay không.
Nhịp tim thai như thế nào là bình thường?
Tim thai nhi hình thành rất sớm, thường vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. Đến tuần thứ 7, nhịp tim thai nhi lớn dần lên và bắt đầu phân chia thành buồng trái và buồng phải. Tim thai bắt đầu đập nhẹ ở tuần thai thứ 11. Đến khoảng tuần 12, tim thai gần như đã hoàn thiện.
Ở các tuần tiếp theo, tim thai đập đều hơn, bơm khoảng 24 lít máu/ngày. Trung bình tim thai có thể giao động từ 120-160 lần/phút. Nhịp tim có thể tăng nhanh đến 180 lần/phút nếu em bé cựa quậy nhiều.
Điều thú vị là, từ tuần thai thứ 20, các mẹ đã có thể nhận biết nhịp tim thai bằng các loại ống nghe thông dụng. Nhịp đập càng to và dễ dàng chứng tỏ thai nhi đang rất khỏe mạnh.
Nguyên nhân tim thai đập nhanh – Tình trạng này có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, nhịp đập của tim thai luôn thay đổi thất thường tùy theo từng thời điểm và sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
Tim thai đập nhanh có thể là do thai nhi bị thiếu oxy. Nếu các chỉ số siêu âm khác vẫn ổn thì mẹ cũng không nên lo lắng.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu xấu về tim của thai nhi, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn và có hướng điều trị sớm nhất.
Một nguyên nhân khác khi tim thai đập nhanh có thể do thai nhi máy nhiều. Mẹ mới ăn xong và nhịp tim nhanh hơn cũng là chuyện bình thường.
Nếu nhịp tim bé đập hơn 180 lần/phút (quá nhanh) thì các mẹ bầu nên đến các phòng khám tim mạch dành cho thai nhi ngay. Đây có thể là dấu hiệu báo động về sức khỏe mẹ hoặc thai nhi.
Bên cạnh việc theo dõi tim thai đập nhanh, mẹ cũng nên lưu ý tới những trường hợp tim thai yếu.
Ở tuần thứ 6 tới tuần thứ 8, nhịp tim thai dưới 70 nhịp/phút thì bạn có nguy cơ sảy thai lên đến 90%. Dưới 90 nhịp/phút thì tỷ lệ sảy thai là 86% và 50% đối với nhịp tim dưới 120 nhịp/phút. Nhịp tim thai dưới 110 nhịp/phút được xem là nhịp tim chậm.
Nguyên nhân là do khả năng lưu thông máu kém, mẹ bầu bị huyết áp thấp, nhau thai bất thường hoặc do dị tật thai nhi.
Triệu chứng tim thai đập nhanh là dấu hiệu của bệnh gì?
Rối loạn nhịp tim ở thai nhi chiếm khoảng 2%, đa số trường hợp là lành tính. Nhịp tim thay đổi bất thường, lúc quá nhanh, khi quá chậm cũng có thể là chỉ báo của tình trạng suy thai.
Tình trạng thiếu oxy khi bị suy thai sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đập của tim thai. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng tim thai có lúc đập nhanh (trên 160 lần/phút), có lúc đập chậm (xuống dưới 120 lần/phút).
Suy thai là tình trạng thai nhi bị thiếu oxy trong thai kỳ hoặc trong quá trình chuyển dạ. Đây là một trong những vấn đề nguy hiểm, cho thấy thai nhi đang phát triển không bình thường. Suy thai được chia thành hai loại, gồm suy thai mãn tính và cấp tính. Nếu không cấp cứu kịp thời, thai nhi sẽ gặp phải những biến chứng về trí não. Thậm chí, thai nhi có thể tử vong.
Cần làm gì để tránh nguy cơ suy thai?
Trước khi có thai, mẹ bầu nên đi khám tiền sản. Mẹ cần điều trị dứt điểm hoặc kiểm soát các bệnh có khả năng gây ra suy thai. Phổ biến là bệnh thiếu máu, bệnh huyết áp, suy hô hấp, tiểu đường,…
Nếu trong thời gian mang thai, mẹ bầu bị các biến chứng như nhau bong non, nhau tiền đạo,.. thì cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ an toàn.
Khi nằm ngủ, mẹ cũng cần lưu ý là nằm nghiêng bên trái. Tư thế nằm ngửa có thể làm tử cung đè ép vào động mạch chủ. Từ đó, dòng chảy của máu mẹ đến tử cung sẽ bị giảm.
Mẹ bầu cũng tránh các tư thế có thể khiến tử cung chèn ép lên mạch chủ. Hạn chế cúi thấp người nhặt đồ, nằm sấp, khuân đồ nặng,…
Không được tự ý sử dụng các loại thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ.
Trong quá trình chuyển dạ, mẹ nên giữ tâm lý thoải mái, giảm căng thẳng. Mẹ có thể nói chuyện với chồng để cuộc sinh nở không kéo dài. Cố gắng tránh để tình trạng nằm ngửa suốt một tiếng hoặc thời gian sinh quá 24h. Tình trạng này dễ dẫn đến suy thai cấp tính.
Ngoài ra, mẹ cần luôn theo dõi thai kỳ của mình. Mẹ cũng nên lắng nghe những biểu hiện cơ thể, đi khám thai theo đúng định kỳ. Điều này sẽ giúp mẹ phát hiện sớm những dấu hiệu suy thai.
Theo dõi tim thai là việc làm rất quan trọng, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của em bé trong bụng mẹ. Nếu đột nhiên nhận thấy tim thai đập nhanh, mẹ bầu cần nằm nghỉ và theo dõi thêm cử động của bé. Hoặc trong 60 phút bé cử động 4 lần và mẹ cảm thấy nhịp tim dần ổn định, có lẽ em bé của mẹ chỉ đang “tập thể dục” nên tăng nhịp tim chút thôi.
Nếu mẹ vẫn còn lo lắng, hay có những biểu hiện khác thường nào nữa, mẹ đừng ngần ngại đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Chúc mẹ sẽ đảm bảo cho con yêu an toàn, khỏe mạnh để sẵn sàng chào đời!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!