Gia đình là nơi gắn bó, nâng đỡ và có ảnh hưởng quan trọng nhất với con trẻ trong những năm tháng đầu đời, đồng thời cũng là nơi chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất, an toàn nhất. Ngược đãi con cái là hành vi khó chấp nhận trong xã hội nhưng nó lại tồn tại như một điều không còn xa lạ. Hãy cùng đọc bài viết này của chúng tôi nhé các mẹ!
Ngược đãi con cái – Khi hành động này không còn là chuyện lạ nữa…
ngược đãi con cái
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà những người gây ra vụ bạo hành lại chính là bố, mẹ của các em.
Sự việc ở Quảng Ngãi
Người dân sống ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi ngỡ ngàng trước hành vi tàn ác của cặp vợ chồng Nguyễn Mùi – Đoàn Thị Hồng Yến.
Nạn nhân của vụ bạo hành là cháu bé 10 tuổi Nguyễn Thục Phi. Từ nhỏ, Phi đã bị cha mẹ bỏ rơi và được vợ chồng bà Yến nhận làm con nuôi. Hàng ngày, cháu bé vừa đi học, vừa ở nhà phụ giúp ông bà rửa chén, bát ở quán bún tại nhà.
Nhiều lần, hàng xóm đã chứng kiến cảnh cháu bé do sơ sẩy bưng bún, phở cho thực khách bị rơi vãi và bị vợ chồng bà Yến, ông Mùi dọa nạt, đánh đập.
Đỉnh điểm của vụ việc là khi người cha nuôi phát hiện mất 500.000 đồng để trong tủ và nghi ngờ bé Phi ăn cắp. Khi nghe Phi trả lời chỉ lấy 20.000 đồng và đã mua mỳ ăn, vợ chồng ông Mùi đã đóng cửa thay phiên nhau đánh, đạp bé Phi dã man khiến bé bị biến dạng cả khuôn mặt, tinh thần hoảng loạn.
Hay như vụ việc ở Kiên Giang..
Vụ việc bé gái 7 tuổi bị nhiều vết bỏng sâu do cha ruột dí sắt nóng vào người tại Kiên Giang là một trong những vụ việc đáng lên án. Khi đến lớp học, bé gái Nguyễn Huỳnh Ngọc T. (7 tuổi ở Kiên Giang) được thầy cô ở trường tiểu học Vĩnh Thành phát hiện hai tay và mặt có vết bỏng.
Cô bé cho biết vết thương trên người là do cha ruột và mẹ kế gây ra ba hôm trước.
Trong đó, vết bỏng do bị cha dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người. Trên đỉnh đầu bé T. cũng có vết thương lõm khiến vùng xương sọ tại đây mềm bất thường. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hòa – cha ruột cô bé một mực khẳng định thương yêu T. và các vết thương trên người cháu là do ngã vào bếp điện.
Kết quả giám định cho thấy cháu T. bị thương tích 12%. Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án hành hạ trẻ em sau khi thu thập đủ chứng cứ và những người có liên quan.
Dưới góc độ pháp luật, hành động ngược đãi con cái sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực. Con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam.
Liên quan đến việc cha mẹ ngược đãi con cái, luật sư (LS) Phạm Thanh Bình và LS Trương Thị Hòa cho biết, việc ngược đãi, gây hại đến danh dự, tính mạng của trẻ, ngoài việc bị truy tố trách nhiệm hình sự, những người bạo hành còn thể bị tòa án tước quyền làm cha mẹ.
Tùy theo tính chất, mức độ và hoàn cảnh phạm tội, tòa án sẽ quyết định tước quyền nuôi con của người gây ra hành vi thương tổn cho con cái trong thời gian nhất định.Việc chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ được trao cho người còn lại trong gia đình (nếu mẹ gây thương tổn cho con thì giao quyền cho cha và ngược lại).
Trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị tước quyền nuôi con thì việc chăm sóc, dạy dỗ đứa trẻ sẽ được giao cho Trung tâm bảo trợ trẻ em ở địa phương đảm trách.
ngược đãi con cái
Tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Khoản 2, 3 Điều 49 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình như sau: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời
- Không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Có thể thấy, ngoài việc pháp luật cần có những chế tài xử lý những hành vi bạo lực nghiêm khắc hơn nữa, các cấp các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến người dân.
Đặc biệt cần tăng cường vai trò của các cơ quan Nhà nước chuyên trách trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo hành trẻ em đến mọi vùng miền đất nước, đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư.
Kết luận:
ngược đãi con cái
Vì tương lai của con, cha mẹ hãy kiểm soát và cân bằng những cảm xúc, hành vi tiêu cực của bản thân. Mỗi khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực, hãy tránh xa trẻ, uống một ly nước càng chậm càng tốt, hít thở sâu, hoặc trước khi định có hành động gì, hãy nghĩ đến hậu quả.
Mỗi hành động trừng phạt trẻ về thể xác và tinh thần bao giờ cũng để lại hậu quả khôn lường. Do vậy, các bậc cha mẹ hãy luôn cố gắng vượt qua được những khó khăn, trở ngại, hãy có những hành động thiết thực để cải thiện cuộc sống gia đình, giúp các con của mình trưởng thành bằng điểm tựa tinh thần vững chắc của cha mẹ.
-Ele Luong-
Các bài viết liên quan:
Tâm sự tình yêu hạnh phúc gia đình. 10 mẹo nhỏ giúp gia đình bạn hạnh phúc hơn.
BẠO LỰC GIA ĐÌNH: bố đánh đập và nhốt con- chỉ khi hàng xóm phát hiện mới ngã ngửa!
7 bí mật của một gia đình vui vẻ và hạnh phúc!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!