Để không ngộ nhận về trầm cảm sau sinh, mẹ cần tìm hiểu rõ bệnh lý này. Bài viết sau sẽ tóm lược những gì mẹ cần để phòng tránh và hiểu đúng về bệnh.
Triệu chứng cần biết để không ngộ nhận về trầm cảm sau sinh
Khi mắc bệnh, biểu hiện của các mẹ thường là:
- Buồn không cần lý do, cảm thấy chán nản trong mọi chuyện
- Khóc nhiều hơn mà không rõ nguyên nhân
- Luôn trong trạng thái bất an, khó ở vô cùng
- Ăn không ngon, ngủ không yên
- Không thể tập trung vào bất kỳ chuyện gì
- Dễ bị kích động, mất kiểm soát
- Không muốn giao thiệp với mọi người xung quanh
- Mất tự tin bản thân có khả năng nuôi con
7 ngộ nhận về trầm cảm sau sinh
Nghĩ rằng trầm cảm nào cũng như nhau
Khác với trầm cảm thông thường, trầm cảm sau khi sinh nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu mắc phải căn bệnh này, mẹ sẽ “biến hình” từ người mẹ hiền lành dễ tính sang một con người lạnh lùng, hung dữ, chỉ muốn quay lưng với thực tại.
Ai cũng có thể bắt bệnh
Đa phần những ai chưa mắc bệnh đều nghĩ rằng, khi mắc trầm cảm sau sinh, người mẹ trông rất rũ rượi, muộn phiền, đau khổ đến mức không thể bước ra khỏi phòng. Thế nhưng sự thật không phải lúc nào cũng được phơi bày ra trước mắt.
Một số bệnh nhân sẽ luôn tươi cười, ăn mặc đẹp, dọn dẹp nhà cửa nhưng trong thâm tâm lại diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng. Họ đang phải đè nén những cảm xúc tiêu cực, cố gắng tìm lại chính mình, điều mà những người xung quanh không thể nhận thấy.
Đánh đồng loạn thần với trầm cảm
Ở mức độ nhẹ, người mẹ chỉ cảm thấy buồn bực, ũ rũ sau thời gian sinh nở. Nếu bệnh nghiêm trọng hơn sẽ có các dấu hiệu nêu trên. Tuy nhiên, lúc này họ chưa thật sự có ý định làm tổn thương bản thân và em bé, cho đến khi bệnh diễn tiến nặng hơn, trở thành loạn thần sau sinh.
Theo Tổ chức Quốc tế về hỗ trợ trầm cảm sau sinh, rối loạn này hiếm gặp hơn so với trầm cảm hay baby blues. Loạn thần có tỷ lệ từ 1 đến 2/1.000 phụ nữ, trong khi trầm cảm sau sinh xảy ra với 15-20% tổng số mẹ mới sinh.
Mẹ cần phân biệt rõ hai tình trạng bệnh. Trầm cảm sau sinh sẽ khiến người mẹ có xu hướng tự tổn thương chính mình, trong khi đó loạn thần có thể khiến người mẹ mất tự chủ, làm hại cả bản thân và em bé.
Trầm cảm sau khi sinh chỉ là thoáng qua
Khác với baby blues – trạng thái buồn ủ rũ sau thời gian lâm bồn từ 3 ngày đến 1 tuần, trầm cảm sau sinh cần nhiều thời gian phục hồi hơn. Nếu được chữa trị kịp thời, bệnh nhẹ có thể hết sau vài tháng, bệnh nặng kéo dài đến 1 năm.
Đừng chủ quan trước các dấu hiệu bệnh, mẹ sẽ không mường tượng được mức độ nguy hiểm cho đến khi nó tìm đến.
Trầm cảm là mối lo duy nhất trong sức khỏe tinh thần hậu sản
Ngoài trầm cảm, lo âu sau sinh cũng cần được điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và cả thể chất. Tuy nhiên, hầu như hội chứng này ít khi được nhận ra hoặc chẩn đoán từ các bác sĩ. Một số biểu hiện lo âu cũng tương tự trầm cảm nhưng lo âu sau sinh còn kèm theo cảm giác buồn nôn, nhức đầu, nhức mỏi.
Nếu mắc chứng lo âu sau sinh, người mẹ sẽ luôn trong trạng thái mất bình tĩnh, lo lắng thái quá về đứa con của mình. Dù có thư giãn, cố làm dịu tâm trí bằng cách nào đi nữa, họ hầu như đứng ngồi không yên, thậm chí mất ngủ.
Lấy vấn đề gửi con cho bà làm ví dụ. Dù biết rằng bà rất thương cháu, biết cách chăm sóc tận tình nhưng người mẹ vẫn cảm thấy bứt rứt, nhất định phải quay về để xem con mình có ổn không.
Không yêu con mới dễ bị bệnh
Đây có lẽ là một sự ngộ nhận về trầm cảm sau sinh tai hại nhất. Nếu nghe được điều này từ một ai đó, người mẹ sẽ bị kích động, thêm muộn phiền và càng tự ti hơn về khả năng nuôi con. Hay nói cách khác, sự hiểu lầm này khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn.
Thực tế, người mắc bệnh rất đáng thương. Họ vừa phải đấu tranh với những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực đang tấn công tinh thần, vừa không biết làm sao để chăm sóc con tốt hơn (do họ mất khả năng tập trung và đưa ra quyết định).
Tuy vẫn yêu con nhưng sự thật phũ phàng không thể chối bỏ đó là người bệnh mất khả năng kết nối với em bé.
Trầm cảm sau sinh có thể tự hết
Một khi đã rơi vào vòng xoáy trầm cảm, các mẹ sau sinh sẽ rất khó để thoát ra được. Lúc này, các bác sĩ tâm lý sẽ giúp mẹ tháo gỡ từng cảm xúc tiêu cực trong đầu, kết hợp cùng thuốc và liệu trình điều trị mới có thể hết bệnh.
Việc tự điều trị có thể sẽ không hiệu quả, thậm chí còn tăng nguy cơ bị rối loạn tâm thần sau sinh. Lúc đó, không chỉ bản thân mẹ mà các bé cũng gặp nguy hiểm.
Hãy liên lạc với bác sĩ nhanh nhất có thể khi mẹ phát hiện mình có một trong các triệu chứng của trầm cảm sau sinh hoặc nung nấu ý nghĩ tự tử trong đầu.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!