Nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh là một bệnh không quá hiếm gặp. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nó là nguyên nhân khiến bé khó chịu, quấy khóc và bỏ bú. Để tránh tình trạng này, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp phòng tránh.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bệnh nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh là gì?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Bệnh nấm lưỡi hay còn gọi là tưa lưỡi là một bệnh lý thường gặp ở trẻ. Bệnh do nấm Candida Albicans gây nên. Khi trẻ giữ gìn vệ sinh răng miệng không tốt, sẽ tạo điều kiện loại nấm này sinh sôi phát triển và gây bệnh.
Bệnh nấm lưỡi thường biểu hiện bằng những chấm trắng xuất hiện ở đầu lưỡi, dần dần sẽ tạo thành các mảng trắng trên mặt lưỡi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ loang khắp lưỡi, làm trẻ mất vị giác, quấy khóc, chán ăn, bỏ bú.
Nấm candida albicans là nguyên nhân gây ra nấm lưỡi
Bệnh gây đau khó chịu, khó bóc, bóc dễ chảy máu. Bệnh nấm lưỡi thường xảy ra ở trẻ từ sơ sinh đến 9 – 10 tuổi. Một số trường hợp 14 – 15 tuổi cũng mắc bệnh này.
Bên cạnh những tổn thương miệng, bệnh nấm lưỡi khiến trẻ sơ sinh gặp khó khăn khi ăn. Bé khó chịu, dễ kích động, cáu kỉnh và thường quấy khóc. Ngoài ra, bé có thể truyền cho mẹ trong quá trình bú. Sau đó, tình trạng nhiễm nấm có thể lây nhiễm qua lại giữa ngực của mẹ và miệng của bé.
Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nấm lưỡi
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ít tiết nước bọt hơn so với người lớn. Bên cạnh đó, phần niêm mạc miệng ở môi trường acid có chỉ số pH thấp. Khi trẻ không vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ tạo điều kiện cho nấm sinh sôi và phát triển.
Dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh:
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nấm lưỡi
- Không thường xuyên vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách.
- Lây qua đường sinh dục của mẹ trong lúc sinh thường hoặc lây do những đốm trắng trên ngực, núm vú của mẹ.
- Bệnh chàm hay hội chứng Raynaud.
- Tế bào ung thư, HIV hoặc những bệnh lý miễn dịch làm suy giảm sức đề kháng.
- Sử dụng liều lớn corticoid đường hít để hỗ trợ hen suyễn.
- Dùng thuốc điều trị ung thư hoặc sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh bị bệnh nấm lưỡi
Để nhận biết trẻ có bị bệnh nấm lưỡi hay không, mẹ có thể chú ý quan sát con. Ban đầu là sự xuất hiện của những chấm trắng nhỏ ở trên đầu lưỡi hình tròn, sắp xếp tạo thành sợi dây trên lưỡi. Những chấm trắng này có thể lan rộng thành mảng. Để lâu, chúng sẽ lan ra toàn bộ lưỡi gây mất vị giác. Điều này gây đau đớn khiến trẻ biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc.
Bệnh nấm lưỡi nếu không được điều trị đúng cách sẽ phát triển dày lên. Nó lây lan vào đường thở gây ho, viêm phổi, viêm phế quản… Đặc biệt, nếu để lan xuống dạ dày sẽ gây tiêu chảy, rất nguy hiểm cho bé.
Bệnh nấm lưỡi có nguy hiểm không? Xử lý thế nào?
Nấm lưỡi là một căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của trẻ. Nếu để lâu, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng do không ăn đủ chất. Vì lẽ đó, mẹ cần theo dõi, quan sát để phát hiện kịp thời. Khi bé có dấu hiệu bệnh, mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Bệnh nấm lưỡi không quá nguy hiểm nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ không chỉ có thể bị nấm lưỡi mà còn nhiều bệnh lý khác. Nguyên nhân vì hệ miễn dịch của trẻ khá non nớt. Đây là thời điểm vàng để xét nghiệm, sàng lọc nhằm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm.
Theo bác sĩ Nam, khi bị nấm lưỡi ở mức độ nhẹ, cha mẹ có thể dùng nước muối súc miệng hàng ngày, hoặc dùng gạc tẩm dung dịch rồi lau miệng và lưỡi cho trẻ. Cha mẹ cũng có thể dùng các thuốc kháng nấm như nystatin. Loại thuốc này có tác dụng kháng nấm rất tốt và tương đối an toàn với mọi lứa tuổi.
Cha mẹ cần lưu ý không cạy những chấm trắng trên lưỡi bé, dễ gây chảy máu, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Đồng thời, cha mẹ cũng không sử dụng mật ong, nước chanh để bôi lên lưỡi trẻ. Nếu tình trạng nấm lưỡi nặng hơn, cần đến thuốc kháng nấm đường toàn thân, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn của bác sĩ.
Phương pháp phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh
Theo bác sĩ Nam, nhằm phòng ngừa nấm lưỡi, các bậc cha mẹ cần vệ sinh khoang miệng và lưỡi của trẻ đúng cách sau khi cho trẻ ăn. Với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên dùng gạc mềm và sạch, thấm nước muối sinh lý để lau lưỡi cho bé. Không nên cho trẻ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.
Đối với bé
- Vệ sinh sạch sẽ khoang miệng của trẻ, nhất là sau khi bú, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0.9%.
- Sử dụng khăn tắm riêng cho các thành viên trong gia đình.
- Vệ sinh kĩ lưỡng đồ dùng, vật dụng và đồ chơi của bé bằng nước nóng.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Đối với mẹ
- Vệ sinh đầu vú trước và sau mỗi khi cho con bú.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Khi mang thai, nếu mẹ phát hiện bị nấm âm đạo thì cần nhanh chóng gặp bác sĩ. Việc điều trị kịp thời sẽ tránh lây nhiễm cho trẻ.
- Lúc trong quá trình nuôi con và cho con bú, nếu mẹ phát hiện bị nấm núm vú cũng cần khám và điều trị ngay để tránh lây cho con.
- Hạn chế việc hôn trẻ con, tuyệt đối không để người lạ hôn môi hay hôn má trẻ để tránh lây nhiễm nấm.
Kết
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh nấm lưỡi. Để bảo vệ an toàn cho sức khỏe của trẻ nhỏ, mẹ bầu cần chăm sóc cẩn thận cũng như chú ý quan sát những dấu hiệu lạ ở bé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!