Mũi tiêm 6 trong 1 là một trong những mũi tiêm chủng quan trọng bảo vệ sức khỏe cho bé. Bố mẹ cần nắm lịch tiêm cũng như nhớ những lưu ý khi tiêm để đảm bảo tốt nhất cho bé nhé!
Tổng quan về mũi tiêm 6 trong 1
Đây là loại vắc xin kết hợp phòng được nhiều bệnh nhất trên thế giới trong cùng 1 mũi tiêm. Mũi tiêm đặc biệt này đang được lưu hành hơn 100 nước trên thế giới.
Mũi tiêm 6 trong 1 có tên biệt dược là Infanrix Hexa®, thuộc phân nhóm: vắc xin, kháng huyết thanh và thuốc miễn dịch.
Phân loại mũi tiêm 6 trong 1
Hiện nay, Việt Nam đang có 2 loại mũi tiêm 6 trong 1 từ 2 nhà sản xuất lớn, bao gồm:
1. Vacxin Infanrix Hexa sản xuất bởi GlaxoSmithKline (GSK)
Chính thức được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2006, vacxin Infanrix Hexa giúp giảm số mũi tiêm từ 9 xuống 3. Hiện nay, đã có 70 quốc gia chọn Infanrix Hexa để bảo vệ sức khỏe.
2. Vacxin Hexaxim được sản xuất bởi Sanofi Pasteur
Hexaxim đã được cấp phép lưu hành trên 113 quốc gia trên thế giới.
Hai loại mũi tiêm 6 trong 1 này đều sử dụng vi khuẩn ho gà vô bào thay cho toàn bào nên có độ an toàn cao. Do đó, bố mẹ Việt Nam nào cũng muốn cho con mình được dùng mũi tiêm đặc biệt này.
Mũi tiêm 6 trong 1 mang đến lợi ích gì?
Thuận lợi cho người được tiêm
Mũi tiêm giúp giảm số mũi tiêm cần thiết từ 9 xuống 3. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đi lại, giảm số lần đau khi tiêm chủng. Đồng thời, mũi tiêm 6 trong 1 cũng đảm bảo mang lại hiệu quả miễn dịch tối đa cho bé.
Phòng cùng lúc 6 bệnh
Mũi tiêm 6in1 giúp bảo vệ trẻ chống lại 6 căn bệnh. Đó là: bạch hầu, viêm gan B, Haemophilus influenzae loại b (Hib), ho gà, bại liệt và uốn ván.
Có thể tiêm mũi tiêm 6 trong 1 ở đâu?
Bé có thể được tiêm tại các Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện lớn hoặc Trung tâm tiêm chủng uy tín. Bố mẹ nên liên hệ những nơi này trước để biết về tình trạng của mũi tiêm còn hay hết.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng chú ý chọn các cơ sở tiêm chủng thường xuyên cập nhật vacxin, có dây chuyền bảo quản vacxin tốt để đảm bảo chất lượng vacxin tối ưu cho bé nhé!.
Bố mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chi tiết cho bé như sau:
- 3 mũi chính: khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi.
- Mũi 4 nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
Khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 1 tháng.
Bí quyết chăm sóc trẻ sau mũi tiêm 6 trong 1
Tác dụng phụ của mũi tiêm
Xét về bản chất, 6in1 cũng là một loại vacxin. Khi xâm nhập vào cơ thể bé, xảy ra phản ứng cơ thể như những loại vacxin khác.
Sưng nhẹ, nổi mẩn đỏ hoặc đau ngay tại vị trí tiêm là tác dụng phụ thường thấy. Trong trường hợp phản ứng mạnh hơn, bé sẽ bị sốt, tâm lý cáu kỉnh, khóc to và la hét.
Nếu bố mẹ biết cách chăm sóc, bé sẽ không bị những “tác dụng phụ” này làm khó nữa.
5 cách giúp giảm các phản ứng sau tiêm
- Sau khi tiêm xong, bố mẹ đừng vội đưa bé về nhà ngay. Hãy dành 30 phút cho bé ở lại cơ sở y tế tiêm chủng để theo dõi. Nếu có bất kỳ biến chứng nào, bé sẽ được hỗ trợ xử lý kịp thời. Sau đó, bố mẹ lại tiếp tục theo dõi bé tại nhà ít nhất 24 giờ: ăn, ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, phát ban…
- Không chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm nóng, lạnh, khoai tây lên vị trí tiêm.
- Nếu bé còn đang bú ti mẹ, hãy cho bé bú nhiều hơn để tạo cảm giác thoải mái, quên đi cơn sốt.
- Cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi. Quần áo bó sát vào những ngày nóng bức khiến bé càng thêm khó chịu.
- Khi bé có các biểu hiện bất thường như sốt cao trên 39 độ C, co giật, tím tái, khó thở,.., bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!