Tổng hợp 10 mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh mà các bố mẹ nên biết để có 3 tháng đầu nuôi con vui vẻ và suôn sẻ nhất có thể.
1. Con sẽ không giống như trong tưởng tượng của mẹ
Các đường nét của bé đều chưa rõ ràng để có thể nói được chính xác rằng con giống bố hay giống mẹ. Làn da của bé lúc thì rất đen, lúc lại rất đỏ. Mắt mũi thì kèm nhèm. Nhưng các mẹ đừng lo.
Tất cả những điều này chỉ là dấu hiệu đầu tiên trong thời kỳ bé sơ sinh mới chào đời mà thôi. Đến tầm 3-4 tháng là con sẽ bắt đầu lớn vụt lên với các đường nét ngày càng rõ rệt và đặc biệt là trắng hơn, xinh hơn. Khi đó chính là lúc bố mẹ sẽ cảm thấy “con mình dậy thì thành công như thế nào!”.
2. Không có động lực nuôi con?
Một phần làm cho việc nuôi con trong 3 tháng đầu hết sức vất vả đấy chính là cảm tưởng việc nuôi con không có động lực gì rõ ràng. Bởi con còn bé và không thể nói cho mẹ biết những gì con cảm thấy nên đôi khi với những ai lần đầu làm mẹ thường cảm giác đây quả là khoảng thời gian dài đằng đẵng khi nuôi con mọn.
Tuy nhiên, các mẹ hãy vững tâm vì chỉ sau 3 tháng mẹ sẽ thấy được thành quả tuyệt vời trong việc nuôi nấng một em bé sơ sinh. Con bắt đầu biết cười, biết ọ ẹ khi mẹ ở bên, muốn mẹ âu yếm bế ẵm và nhất là khi thấy cân nặng và chiều dài con phát triển một cách rõ rệt.
10 mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho bố mẹ
3. Mẹ hãy lưu ý những phần nhạy cảm nhất trên người trẻ sơ sinh
Đó chính là mẹ cần nhẹ nhàng với phần cuống rốn và thóp của bé. Với phần cuống rốn bé sẽ cần từ 7-10 ngày để rụng rốn và khô ráo hoàn toàn phần cuống rốn.
Còn với phần thóp, nếu gội đầu cho mát xa phần da đầu cho bé thì mẹ cũng nên hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn cho vùng thóp này của bé.
Một mẹo hay dành cho mẹ nếu bé có cứt trâu trên đầu là dùng dầu dừa bôi lên để tầm 10-15 phút rồi khi tắm lau đi nhẹ nhàng, qua vài lần là phần cứt trâu này sẽ sạch.
Ngoài ra mẹ cần lưu ý sử dụng dầu dừa organic có nhãn hiệu uy tín. Khi tắm xong thường vẫn còn nhớt dầu,mẹ chỉ cần lấy giấy thấm dầu mà mình dùng để thấm cho sạch là được.
4. Da của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm
Có một sự thật đấy là sau khi sinh, vì nằm trong khối nước ối tới tận 9 tháng nên khi ra đến môi trường bên ngoài, da của em bé trở nên vô cùng nhạy cảm.
Mẹ nên giữ cho làn da của bé luôn được khô thoáng để phòng tránh các trường hợp hăm, rôm sẩn, nổi mẩn đỏ khiến bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến ăn kém, khó ngủ.
Trong trường hợp này, để bảo vệ làn da của bé mẹ có thể:
- Chọn quần áo thoáng, mềm.
- Vệ sinh kĩ càng tất cả mọi đồ vật, đặc biệt là chăn ga gối đệm vốn là những đồ dùng sẽ tiếp xúc với làn da của bé.
- Hạn chế để người lớn da kề da, tiếp xúc trực tiếp thông qua thơm, hôn em bé.
- Lựa chọn những loại sữa tắm, sản phẩm dưỡng da phù hợp với làn da của con.
Mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh
5. Ăn cần ra ăn, ngủ cần ra ngủ
Trong 3 tháng đầu thì việc ăn với ngủ là mấu chốt để giúp con có được một nếp sinh hoạt đều đặn. Riêng việc ăn theo cữ chuẩn của bé trong 3 tháng đầu từ 2-3 tiếng cũng đã vất vả với mẹ rồi nên nếu bé ăn lắt nhắt không theo cữ cố định thì mẹ sẽ càng mệt mỏi hơn trong việc chăm con.
Vì vậy, một trong những điều quan trọng là mẹ cần giữ cho bé thức trong lúc ăn, tuyệt đối không vừa ăn vừa ngủ sẽ dễ dẫn đến vòng luẩn quẩn ăn không no – ngủ không sâu giấc – tỉnh dậy đòi ăn – quấy khóc – cuối cùng là mẹ bị xì trét.
6. Khóc là cách con đang muốn nói chuyện
Trong 3 tháng đầu, hầu hết trẻ sơ sinh đều khóc rất nhiều. Nhưng không sao cả, đó là cách các em bé đang trao đổi thông tin với bố mẹ và thế giới bên ngoài.
Mẹ chỉ cần kiên nhẫn và từ từ tìm hiểu để biết con đang muốn nói điều gì thông qua tiếng khóc của mình. Con khóc vì đói, vì bỉm bẩn, vì gắt ngủ, … Giải mã được tiếng khóc của con sẽ là cách tốt nhất để mẹ không còn quá hoảng hốt mỗi khi nghe thấy bé khóc.
7. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều nhưng ngắn giấc
Các em bé sơ sinh sẽ ngủ rất nhiều trong 3 tháng đầu tiên nhưng mỗi giấc ngủ thường chỉ diễn ra từ 2-3 tiếng đồng hồ mà thôi.
Đây là khoảng thời gian vất vả nhất của mẹ vì phải cho bé ăn liên tục, thay bỉm rồi dỗ con đi vào giấc ngủ.
Nhưng dần dần bé sẽ ăn ngủ theo cữ, số giấc ngủ giảm dần xuống đồng thời số giờ ngủ về đêm cũng sẽ tăng lên.
Mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh
8. Con cần học cách phân biệt ngày đêm
Ngay từ khi rời bệnh viện về nhà là mẹ nên tập cho con dần quen với lối sinh hoạt chung của gia đình. Ban ngày mẹ nên cho bé ra nơi sáng sủa, quen với các âm thanh, tiếng động, trò chuyện với bé để bé hiểu được rằng, à đây là ban ngày.
Ngược lại khi đến giờ ngủ đêm thì mẹ hãy tắt đèn tối, cho bé ăn trong yên lặng, tạo không gian thoải mái, yên tĩnh dễ chịu để còn học được về thời điểm ngủ đêm của mình.
Chỉ cần tập cho con điều này thì sau 3 tháng bé sẽ hình thành nếp ngủ đêm tốt và cứ đến giờ là bé đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.
9. Lắng nghe và thấu hiểu bé nhiều nhất có thể
Từ trong bụng mẹ con đến với thế giới bên ngoài đầy lạ lẫm. Chính vì vậy đây là khoảng thời gian bố mẹ hãy ở bên cạnh và tìm hiểu thật nhiều về con. Lắng nghe bé, yêu thương, nâng niu, dành trọn sự chú ý cho bé.
Đừng vội nghĩ rằng nếu mình chiều chuộng bé thì con sẽ hư khi lớn lên. Dù rèn con ăn ngủ theo nếp thì bố mẹ cũng đừng thực hiện một cách quá cứng nhắc nhé!
Mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh
10. Tạo cơ hội cho Bố chăm em bé
Các mẹ hãy tạo điều kiện cho bố được gần gũi các con. Đây là điều vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc bé sơ sinh ngày nay. Với những việc cơ bản, các ông bố hoàn toàn có thể thay mẹ chăm con một cách khéo léo như thay bỉm tã, quần áo, trò chuyện, vỗ ợ hơi cho bé, … Tất cả những điều này sẽ giúp tăng thêm tình cảm gắn bó giữa người cha và con, đồng thời cho người mẹ cảm giác không bị “cô đơn” trong hành trình nuôi nấng con mọn.
Chia sẻ từ mẹ Diệp
Xem thêm bài liên quan:
LẦN ĐẦU LÀM MẸ: 5 điều mẹ cần biết về chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng đầu đời
CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH: 6 Điều cha mẹ cần tuyệt đối tránh!
Cách chăm sóc bé sơ sinh – Những bí mật nho nhỏ mẹ cần biết về bé 3 tháng đầu đời
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!