Mẹ sau sinh ghét con thật sự đang là hiện trạng khá nhức nhối và phổ biến trong xã hội hiện đại. Có thể sự việc này không được đề cập nhiều trên mặt báo vì hầu hết tâm lý là không dám nói ra. Nhưng có rất nhiều bà mẹ và sự việc đau lòng xảy ra chỉ vì không được can thiệp kịp thời.
Hiện trạng mẹ sau sinh ghét con tại Việt Nam
Thời gian vừa qua tại Việt Nam hiện tượng mẹ sau sinh ghét con và giết con không còn là “hồi chuông cảnh tỉnh” mà đã chuyển sang “báo động đỏ”. Đã có rất nhiều vụ án đau lòng xảy ra vì chỉ vì mẹ sau sinh ghét con nhưng không được chia sẻ, cảm thông và can thiệp kịp thời.
Tháng 6 năm 2017, tại Hà Nội vụ việc bé trai 33 ngày tuổi bị dìm vào chậu nước đến chết, gây chấn động dư luận xã hội.
Sau những ngày tích cực điều tra, công an TP.Hà Nội đã công bố kết luận theo đó thủ phạm là mẹ ruột của cháu bé – chị P. T. T. (20 tuổi). Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chị T do ức chế, trầm cảm sau sinh nghiêm trọng nên đã có hành động nhẫn tâm với chính đứa con trai ruột của mình.
Cũng trong năm 2017, một sự việc đau lòng đã xảy ra vào mùng 3 Tết. chị Đ. T. H (ngụ tại Đông Yên, Hà Nội) vì bị trầm cảm sau sinh nên đã dẫn đến hiện tượng mẹ sau sinh ghét con và nhẫn tâm ra tay sát hại con, H. đã bế con trai 5 tháng tuổi ra sau nhà giết hại. Sau đó, H. nhảy xuống giếng tự tử.
Lý giải hiện tượng mẹ sau sinh ghét con
TS.BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, cơ cấu sinh lý như kinh nguyệt, chửa đẻ, mãn kinh, vô sinh… của phụ nữ khiến cho họ dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Có đến 10% phụ nữ sau sinh có thể mắc bệnh.
Bác sĩ chia sẻ nguyên nhân là do biến đổi nồng độ hormone steroid, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh. Đây là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Là nguyên nhân trực tiếp khiến mẹ sau sinh ghét con. Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng.
Khi bị trầm cảm, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, dễ bị kích thích, luôn phàn nàn, chán nản trong cuộc sống. Đôi khi họ rối loạn giấc ngủ, luôn có ám ảnh mình không biết nuôi con và buồn chán, khóc lóc. Và nếu gia đình lại chì chiết và những góp ý thiếu tế nhị về việc nuôi con hay bé cứ quấy khóc sẽ làm mẹ thêm căng thẳng.
Nếu không được can thiệp giúp đỡ kịp thời thì bệnh sẽ trở nặng. Những người có thể đột ngột xuất hiện những cơn hoảng sợ, luôn thấy bất an nên tấn công người khác. Vì thế, giai đoạn bệnh này, mẹ sau sinh có thể ghét con và nhiều khả năng gây nguy hiểm cho bé.
Vì sao mẹ sau sinh ghét con hay dễ bị trầm cảm sau sinh?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và rồi mẹ sau sinh ghét con. Theo TS.BS Tô Thanh Phương là do một số mẹ sau sinh sống trong gia đình thường xuyên cãi nhau, luôn trong trạng thái căng thẳng, gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống cũng có thể mắc bệnh. Đặc biệt tại Việt Nam nhiều người mẹ không được thoải mái chăm con và sống theo ý mình mà phải chiều theo ý người thân và gia đình để giữ hoà khí.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân tiêu cực khác từ chính bản thân và điều kiện ngoại cảnh tác động khiến mẹ bị trầm cảm. Có thể kể đến như:
- Chồng ít có thời gian để giúp đỡ khiến người vợ cảm giác tủi thân. Nếu sau sinh ở với nhà chồng có thể bị can thiệp cách nuôi bé, kèm theo những lời góp ý không hay dễ làm mẹ tổn thương.
- Chưa quen với vai trò mới, sức ép và bị hoảng loạn với tiếng quấy khóc của con. Cộng dồn với sự mệt mỏi đến kiệt sức sau sinh thường hay sinh mổ vượt ngoài dự đoán.
- Những lời nhận xét tiêu cực từ bạn bè, người thân, y tá, hay kể cả người lạ. Những nhận xét liên quan đến em bé, góp ý vào cách nuôi con,… cho đến những việc cá nhân như nên đi làm hay ở nhà chăm con….
- Cho rằng mình thật yếu đuối vì không chịu đựng được sự vất vả mà những người phụ nữ xung quanh mình ai cũng dễ dàng làm được.
- Và rất nhiều lý do tiêu cực khác dễ làm người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Làm thế nào để giúp mẹ không trầm cảm và yêu thương bé?
- Chia sẻ suy nghĩ, những lo âu, muộn phiền hay sợ hãi của bản thân với chồng, người thân và bạn bè. Đừng giữ bí mật về những cảm xúc tiêu cực.
- Không quá nghiêm khắc với bản thân. Thử lại những lần sau nếu chưa đúng ý, rồi mọi thứ sẽ ổn.
- Cho phép bản thân nói “Không” với những lời nhận xét không mang tính chất xây dựng giúp đỡ từ người khác. Ở đây có nghĩa là từ chối một cách lịch sự với những lời nói tiêu cực. Và tập cho bản thân mình không bị ảnh hưởng bởi những lời nhận xét ấy.
- Cố gắng ngủ đủ giấc và tìm thời gian thư giãn để tinh thần được minh mẫn và thoải mái
- Tránh ở trong nhà nhiều ngày liền, nên gặp gỡ bạn bè để có giao tiếp xã hội
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể khoẻ mạnh
- Tham gia các hoạt động cộng đồng hay các nhóm những bà mẹ để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ
- Tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý để được điều trị với phương pháp cụ thể
Thiên chức làm mẹ của người phụ nữ rất là cao quý và thiêng liêng. Xã hội ngày nay với nhiều căng thẳng và áp lực càng khiến mẹ dễ bị trầm cảm và dẫn đến những hành động dại dột. Hãy mở lòng, suy nghĩ lạc quan và tìm sự giúp đỡ kịp lúc để một hành trình mới luôn đầy niềm vui mẹ nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!