Mẹ mới sinh bị đau đầu là hiện tượng khá thường gặp, chiếm tới 50% ở phụ nữ sau sinh. Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Đây có phải là dấu hiệu cảnh báo chị em đang có vấn đề về sức khỏe? Mẹ nên làm gì để khắc phục những cơn đau đầu khó chịu?
Triệu chứng đau đầu thường gặp ở mẹ mới sinh
Mẹ mới sinh bị đau đầu hay còn gọi là sản hậu đầu thống, cơn đau đầu thường ập đến khi mẹ sinh em bé được 4 – 6 ngày, có mẹ sớm hơn. 1 số mẹ thậm chí cảm nhận được cơn đau nhức xung quanh thái dương rồi lan ra khắp đầu chỉ 1 – 2 giờ từ lúc sinh.
Cơn đau có thể ở nhiều cấp độ khác nhau, có khi chỉ là cảm giác đau âm ỉ khó chịu, mệ mỏi, có mẹ lại gặp phải tình trạng tồi tệ hơn khi đau nhói từng cơn, buốt óc, không thể mở mắt…
Triệu chứng đau đầu thường mất đi sau 1 – 2 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài hơn nếu như đau đầu xuất phát từ một nguyên nhân nào đó nguy hiểm hơn sản hậu đầu thống.
Đâu là nguyên nhân làm mẹ mới sinh bị đau đầu?
Sự thay đổi hormone
Hormone trong cơ thể mẹ thay đổi suốt thời kỳ mang thai và cho con bú, nhất là sự suy giảm estrogen để kích thích tuyến sữa. Chính sự thay đổi này gây áp lực thành mạch máu tăng cao là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau đầu không mong muốn.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng phổ biến ở cả mẹ sinh mổ và sinh thường do bị mất máu trong quá trình sinh. Lượng máu còn thiếu không thể được bù đắp nhanh chóng trong khoảng 1 – 2 tuần, thậm chí 1 tháng sau sinh do các tế bào niêm mạc tử cung vẫn tiếp tục bong ra gây chảy máu. Lượng máu lên não không đủ sẽ dẫn đến tình trạng mới sinh bị đau đầu chóng mặt, choáng váng.
Thiếu ngủ, căng thẳng, stress sau sinh
Tình trạng căng thẳng, stress dễ gặp ở chị em sinh con lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Nhịp sinh học bị thay đổi cộng thêm phải làm quen với việc chăm sóc con nhỏ, đặc biệt không có sự giúp đỡ của người thân thì chị em càng dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, đau đầu kéo dài, thậm chí trầm cảm sau sinh.
1 số nguyên nhân khác
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê: Các loại thuốc mê, thuốc tê sử dụng trong quá trình chuyển dạ, nhất là ở mẹ sinh mổ có thể gây ra 1 số tác dụng phụ, đau đầu là 1 trong số đó. Sau khoảng 1 tuần những cơn đau sẽ tự mất đi mà không cần can thiệp y tế.
- Tác động của các gốc tự do: Gốc tự do có điều kiện phát triển liên tục do tâm lý căng thẳng của các mẹ sau sinh. Các gốc này làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, ngăn chặn sự vận chuyển máu lên não và đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng xơ vữa, gây ra những cơn đau đầu. Thêm vào đó trong quá trình chuyển hóa ở não, các gốc tự do khi phối hợp với hóa chất trung gian gây viêm, rối loạn vận mạch khiến mạch máu não giãn nở cũng dẫn đến đau đầu.
- Mẹ sinh con khi đã nhiều tuổi (35 tuổi trở lên), người có tiền sử đau đầu trước khi sinh, người thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích… cũng dễ bị đau đầu sau sinh.
Tình trạng đau đầu thường không kéo dài và sẽ sớm chấm dứt nhưng mẹ cũng không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo 1 số bệnh lý nền nguy hiểm.
Ảnh hưởng của những cơn đau đầu đến sức khỏe mẹ sau sinh
Đau đầu sau sinh là hiện tượng thường, gây cho mẹ không ít rắc rối, nhất là khi sức khỏe thể chất và tâm lý mẹ vẫn còn yếu sau cơn vượt cạn:
- Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày: Cơn đau đầu làm mẹ khó chịu trong sinh hoạt, tình trạng đau đầu nặng cản trở chị em thực hiện các hoạt động thường nhật, trong đó có ăn uống. Mẹ sau sinh bị đau đầu rất dễ bị thiếu sữa cho con bú trong khi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ những ngày đầu chào đời.
- Đau đầu kéo dài gây ra tâm lý khó chịu, bất lực, về lâu dài có thể gây ra trầm cảm sau sinh. Tình trạng này nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
- Những cơn đau đầu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm khác mà mẹ không lường trước được như tiền sản giật, u não, viêm màng não, co thắt mạch máu não…
Làm thế nào để cải thiện cơn đau đầu cho mẹ?
Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Mẹ đã trải qua hành trình mang thai và vượt cạn vô cùng vất vả, thời gian này chính là lúc cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và bắt đầu làm quen với sự hiện diện của con yêu. Lúc này chị em nên sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý và nhờ đến mọi sự trợ giúp có thể, đừng quá bận tâm hay lo lắng nhiều vấn đề mà để sức khỏe bị ảnh hưởng.
Mẹ cần duy trì thời gian ngủ từ 7 – 10 tiếng/ngày, nhất là khi mẹ bị đau đầu từ lúc mang thai. Chị em cần có giấc ngủ trưa hằng ngày, thời gian ngủ khoảng 1 tiếng để lấy lại năng lượng cho buổi chiều. Môi trường ngủ cần yên tĩnh, không bị làm phiền bởi tiếng ồn hoặc các thiết bị điện tử.
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với các mẹ mới sinh bị đau đầu
Lúc này chị em cần bổ sung thêm dinh dưỡng để bù đắp lượng máu đã mất trước đó, đồng thời cung cấp dưỡng chất để sản xuất sữa cho con. Mặc dù vậy chị em cũng không nên ăn quá nhiều, ăn uống không hợp lý vì điều này sẽ góp phần làm cơn đau đầu ngày 1 nặng hơn.
Các loại thực phẩm như sữa tươi, anh đào, khoai tây… giúp giảm đau nửa đầu ở phụ nữ sau sinh hiệu quả hơn. Thực phẩm giàu sắt như rau chân vịt, thịt bò, bông cải xanh cũng rất tốt cho lưu thông máu lên não, góp phần giảm đau đầu.
Mẹ cũng nên uống đủ nước, bổ sung thêm nước cho cơ thể từ nước lọc, nước ép hoa quả, sữa… Cần hạn chế các loại đồ uống có ga, các loại nước ép đóng hộp, tránh xa bia rượu chất kích thích…
1 số biện pháp giúp giảm cơn đau đầu ở chị em mới sinh
- Dùng hai bàn tay xoa day nhẹ ở vùng thái dương ra đến giữa trán là một cách khá hữu hiệu để xua tan những cơn đau đầu. Nếu không, mẹ cũng có thể dùng một chiếc khăn ngâm nước ấm, đắp lên trán cho đến khi cảm giác đau nhức dịu bớt.
- Dùng túi chườm nóng: dùng túi chườm nóng chườm trực tiếp lên vùng thái dương, vùng cổ để giảm bớt triệu chứng đau và nhanh chóng thoát khỏi cơn đau.
- Tắm nước ấm cũng là một phương pháp làm giảm đau đầu nhanh chóng cho mẹ. Tuy nhiên cần tránh tắm nước quá nóng và tắm quá lâu.
- Tập thể dục đều đặn để khí huyết lưu thông, thoải mái, giảm bớt áp lực khi bị đau đầu. Chị em có thể lựa chọn các bộ môn như yoga, đi bộ, bơi lội, ngồi thiền… đều rất tốt cho sức khỏe.
- Dùng tinh dầu để thư giãn, giúp ngủ ngon và cải thiện tình trạng đau đầu, nhất là tinh dầu hoa oải hương. Khi dùng tinh dầu chị em lưu ý chọn loại an toàn, đảm bảo chất lượng để không ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé.
Nếu đau đầu kéo dài quá lâu (trên 3 tuần) mà không có dấu hiệu thuyên giảm và đi kèm 1 số dấu hiệu khác như sốt cao, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mắt mờ, co giật thì chị em nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!