Mẹ bầu lo lắng nhiều về sức khỏe của con trong thai kỳ là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhất là với những mẹ mang thai lần đầu nhiều bỡ ngỡ. Có muôn vàn những vấn đề có thể xảy đến trong giai đoạn này. Không chỉ sự phát triển của bé mà còn sức khỏe và những căn bệnh có thể mắc phải đều khiến mẹ bầu lo lắng khi mang thai.
Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến bà bầu bị stress khi mang thai và những tác hại khôn lường nếu căng thẳng, lo âu quá mức?
Những nguyên do chính khiến mẹ bầu lo lắng nhiều
Nỗi sợ bị sẩy thai
Chắc hẳn có rất nhiều chị em thấy mình từng trải qua nỗi lo này phải không? Việc này còn là nguyên nhân gây ra lo lắng nhiều nhất ở những mẹ mới có thai lần đầu hoặc những mẹ từng có tiền sử bị sẩy thai hoặc sức khỏe yếu. Tuy vậy, sự thật là tỉ lệ sẩy thai rất hiếm khi xảy ra trừ những trường hợp đặc biệt.
Bị nghén khó ăn nên sợ con không đủ dinh dưỡng
Đây cũng là một nỗi lo rất phổ biến thường thấy ở các mẹ bầu. Nhưng mẹ đừng quá lo nhé vì bào thai có khả năng hấp thụ dinh dưỡng rất tốt. Nên cho dù bạn có ăn ít hơn thì bé vẫn đủ khả năng lấy hết chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể. Nếu vẫn lo lắng, mẹ có thễ bổ sung thêm các loại vitamin theo chỉ định của bác sĩ.
Sợ con bị sinh non
Nhiều mẹ thích vận động nhẹ nhàng trong quá trình mang bầu để khỏe người nhưng cũng lo sẽ bị sinh sớm. Về điều này thì mẹ có thể tham khảo kỹ lưỡng trên mạng hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Mẹ có thể tuân theo lối sống lành mạnh để hạn chế sinh non. Không hút thuốc, uống rượu, khám thai định kỳ và bổ sung đầy đủ axit folic mỗi ngày. Axit folic có thể ngăn ngừa gen hoạt động sai chức năng và đó là nguyên nhân gây sinh sớm.
Không giảm cân được sau sinh
Việc lên cân khi mang bầu cũng là một nỗi ám ảnh với nhiều chị em phụ nữ. Nỗi lo không về lại được cân nặng như cũ cũng có thể khiến nhiều mẹ trở nên cực kỳ căng thẳng và stress. Bí quyết là chị em không cần ăn nhiều và vô tội vạ vì sợ con không đủ dinh dưỡng. Chỉ cần lên được đến 1 số cân nhất định là có thể dừng lại. Nếu vậy, con không bị quá to khiến mẹ sinh khó mà mẹ cũng dễ giảm cân sau sinh.
Không thỏa mãn được chuyện chăn gối cho chồng
Nhiều chị em hoàn toàn kiêng cữ “chuyện ấy” khi mới bắt đầu mang bầu vì sợ ảnh hưởng đến con. Nhưng sự thật là chị em rất nên duy trì chuyện giường chiếu đều đặn trong suốt thai kỳ. Ở mức độ điều độ thì “yêu” không chỉ giúp cho vợ chồng gắn kết mà còn giúp sản sinh hóc môn khiến phụ nữ giảm stress, yêu đời hơn.
Bà bầu suy nghĩ nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi?
Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai có thể khiến tâm trạng mẹ thay đổi thất thường như dễ nóng giận hoặc buồn bã vô cớ. Lúc này, nếu không nhận được nhiều quan tâm từ chồng hay người thân thì mẹ sẽ có nguy cơ bị trầm cảm. Những tâm lý này có ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khỏe như:
- Cơ thể kiệt quệ, lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Mẹ bầu bị rụng tóc, rối loạn giấc ngủ, da dẻ xanh xao, đen sạm, nổi mụn khi mang thai…
- Rối loạn hệ tiêu hóa, chán ăn. Những mẹ ốm nghén thì tình trạng còn tồi tệ hơn.
- Từ tháng thứ 2 của thai kỳ, thai nhi sẽ bắt đầu phát triển vòm miệng và hàm trên. Nếu mẹ bầu suy nghĩ và căng thẳng quá mức có nguy cơ gây ra các khiếm khuyết dị hình ở trẻ như sứt môi, hở hàm ếch.
- Căng thẳng gia tăng sản sinh hóc môn corticotropin gây ra nguy cơ sinh non. Trẻ sinh non sẽ nhẹ cân, đề kháng yếu và hay ốm vặt.
- Mẹ bầu lo lắng nhiều cũng dễ sinh con ra mắc các bệnh về tâm lý như tự kỷ, chậm phát triển hoặc hay quấy khóc.
Lời khuyên cho mẹ bầu lo lắng nhiều
- Trong thời gian mang thai, dù có nhiều công việc nhưng mẹ hãy luôn cố gắng sắp xếp thời gian ưu tiên cho chính mình. Giữ gìn sức khỏe, tinh thần thư giãn, thoải mái là món quà vô giá nhất cho cả bạn và thai nhi.
- Nếu có quá nhiều lo âu và mệt mỏi, đừng ngại chia sẻ với những người xung quanh. Đôi khi, chỉ sự quan tâm nhỏ từ chồng hay những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp cũng là sức mạnh to lớn giúp mẹ vượt qua căng thẳng.
- Duy trì những sở thích riêng như chơi đàn, tưới cây, xem phim, đọc sách…để tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan và không còn thời gian để lạc vào những suy nghĩ tiêu cực.
- Ngoài ra, hãy dành thời gian để vận động nhẹ nhàng hoặc tập thể dục thể thao. Đi bộ, tập các bài tập cơ kegel, yoga hay quét nhà đều không quá nặng nhọc nhưng rất tốt cho sức khỏe và quá trình sinh nở của mẹ bầu. Nằm một chỗ nhiều quá sẽ khiến cơ thể chây ì và dễ sản sinh ra những suy nghĩ tiêu cực đấy!
Mẹ bầu lo lắng nhiều trong thời kỳ mang thai là không thể tránh khỏi dù ít hay nhiều. Tuy vậy, chỉ cần mẹ cố gắng thoải mái, thư giãn tinh thần và trò chuyện với những người xung quanh là có thể giải tỏa nỗi lo âu rồi. Chúc mẹ có thời kỳ mang thai nhẹ nhàng và mẹ tròn con vuông nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!