Tổng hợp kiến thức cho bà bầu mang thai lần đầu
Mang thai lần đầu là một cột mốc vô cùng quan trọng và ý nghĩa với cuộc đời của bất kỳ người phụ nào. Bạn sẽ trải qua những cảm xúc mới mẻ xen lẫn lo lâu vì những thay đổi trong cơ thể. Lần đầu mang thai có biết bao nhiêu vấn đề cần quan tâm như: dinh dưỡng thai kỳ, lịch khám thai, bệnh khi mang thai… Mẹ bầu cần biết tất cả thông tin quan trọng này cho đủ và đúng. Dưới đây là cẩm nang bà bầu mang thai lần đầu mẹ cần biết.
Dấu hiệu có thai sớm
Cẩm nang bà bầu
Đa số các mẹ mang thai lần đầu đều không biết mình có thai cho đến khi trễ kinh và dùng que thử thai. Tuy nhiên để phát hiện dấu hiệu mang thai sớm, bạn có thể dựa vào các triệu chứng phổ biến sau của cơ thể mà hầu như các chị em đều gặp phải đó là:
- Ngực mềm, đau và lớn hơn, núm vú đổi màu sẫm hơn,
- Chảy máu nhẹ như ngày đầu có kinh, dịch âm đạo nhiều hơn
- Nhạy cảm với mùi và
- Thân nhiệt tăng, dễ mệt mỏi
- Đi tiểu thường xuyên hơn
- Khó thở và hụt hơi
- Buồn nôn, đau đầu
- Cảm xúc thay đổi thất thường.
Tiêm phòng khi có kế hoạch mang thai
Tiêm chủng trước và trong thời gian mang thai là việc làm quan trọng. Để giúp các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. Thai nhi ra đời có sức đề kháng tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, lịch tiêm phòng nên được các mẹ bầu chú ý thực hiện nghiêm túc.
Trước khi mang thai cần chú ý những loại tiêm phòng sau:
– Rubella: Muộn nhất là 3 tháng trước khi mang bầu. Nếu mẹ bị nhiễm bệnh Rubella, trong 3 tháng đầu hoặc tháng cuối của thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh non hoặc em bé ra đời có dị tật.
– Viêm gan B: Có thể tiêm trước hoặc trong khi mang bầu đều được. Mẹ mắc bệnh này có thể lây sang con. Bệnh dễ chuyển thành ung thư gan.
– Thủy đậu: Muộn nhất là 2 tháng trước khi mang bầu. Khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong 5 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở.
– Cúm: Phụ nữ có thể tiêm phòng cúm vào mọi thời điểm trước khi mang thai. Mẹ mắc cúm trong ba tháng mang thai đầu có thể khiến con bị dị tật.
Trong khi mang thai, bà bầu cần chú ý tới lịch:
– Uốn ván: Mũi đầu, từ tuần 22 trở đi, mũi 2 tiêm nhắc lại cách 1 tháng. Để phòng sinh non, bạn nên tiêm mũi 1 muộn nhất là tuần 26, mũi 2 vào tuần 30. Mẹ nên tiêm phòng uốn ván vì chứng này có thể gây nên tình trạng thai chết lưu.
– Cúm: Nếu 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ trùng hợp với mùa cúm (từ tháng 10 cho đến hết tháng 2 của năm sau). Khi đó sẽ khiến bà bầu mệt mỏi và tác động lớn đến thai nhi.
Chuẩn bị sức khoẻ
- Nên ngưng dùng thuốc tránh thai 3 tháng trước khi quyết định thụ thai. Có một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong một thời gian trước khi mang thai. Tránh làm việc quá căng thẳng, uống rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
- Bổ sung acid folic và sắt trước khi mang thai. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì nên uống bổ sung sắt và acid folic khoảng từ 1 – 3 tháng trước khi mang thai. Liên tục trong giai đoạn mang thai cho đến 1 tháng sau khi sinh. Uống sắt để tránh tình trạng thiếu máu, bởi thiếu máu gây nên nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Như nguy cơ đẻ non, đẻ con nhẹ cân, dễ bị chảy máu, nhiễm trùng ở thời kỳ hậu sản. Giảm tạo sữa sau sinh, đối với con có nguy cơ bị khuyết tật hay tử vong. Uống acid folic là nhân tố cần thiết cho sự thành lập tế bào của bào thai và ngừa tật dị dạng ở não và tủy sống như tật không có não bộ, nứt đốt sống.
- Trong thời kỳ mang thai cần bổ sung thêm canxi và các dưỡng chất cần thiết khác. Bắt đầu bổ sung canxi từ tháng thứ 4 vì từ 3 tháng giữa trở đi hệ xương thai nhi phát triển mạnh. Nên nhu cầu canxi của mẹ là rất lớn.
Cẩm nang bà bầu
Khám thai định kỳ
Cẩm nang bà bầu khuyên các mẹ hãy nhớ kỹ các mốc thời gian quan trọng. Và đi xét nghiệm, siêu âm tầm soát bệnh đầy đủ để an tâm. Đảm bảo mình sẽ kịp thời làm những điều tốt nhất cho bé!
– Tuần thai kỳ thứ 12 (hoặc từ 12- 14)
Đo độ mờ da gáy – Tầm soát rối loạn bẩm sinh ở thai: Hội chứng Down, Trisomy 18 và các khiếm khuyết ống thần kinh.
– Tuần thai kỳ thứ 22 (hoặc từ 21 – 24)
Siêu âm tuần này sẽ phát hiện ra sớm hầu hết các trường hợp bất thường về hình thái của thai nhi. Bao gồm: sứt môi, hở hàm hết và dị dạng ở các cơ quan, nội tạng.
Đây được coi là lần xét nghiệm, siêu âm quan trọng vì nếu thai bị dị tật nghiêm trọng.Cần đình chỉ thai nghén thì cần phải làm trước tuần thứ 28.
– Tuần thai kỳ thứ 32 (hoặc từ 30 – 32)
Giai đoạn này mẹ được thực hiện siêu âm màu và đo các thông số Doppler động mạch rốn, động mạch não giữa… Giúp nhận biết vấn đề phát triển chậm trong tử cung – nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ. Đồng thời, kiểm tra sẽ giúp phát hiện ra một số vấn đề hình thái xảy ra muộn bao gồm: Bất thường ở tim, động mạch và một vùng trong cấu trúc não.
– Siêu âm trước sinh
Tuần 35 – 36, thời gian gần sinh thai phụ sẽ được bác sĩ tiến hành siêu âm theo dõi doppler động mạch não, động mạch tử cung cũng như kiểm tra lượng nước ối, dây rốn… Trong thời gian này, bác sĩ cũng có thể cho bạn làm xét nghiệm Non-stress (xét nghiệm để theo dõi nhịp tim thai đơn thuần mà không cần tạo nên cơn co tử cung) để kiểm tra lượng oxy thai nhi nhận được, kiểm tra sức khoẻ của bé… Cũng như tuỳ vào tình hình sức khoẻ thai phụ, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để sẵn sàng cho ngày lâm bồn.
Đối phó với ốm nghén
Lần đầu mang thai gặp phải tình trạng ốm nghén mẹ không nên quá lo lắng. Vì có tới hơn 50% bà bầu bị nghén khi mang thai. Và đây là hiện tượng phổ biến hết sức bình thường. Biểu hiện của ốm nghén bao gồm các hiện tượng như buồn nôn và nôn sẽ xuất hiện ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Sau đó sẽ được giảm hoặc biến mất ở tháng thứ 4.
Bạn không cần quá lo lắng nếu cảm thấy không ăn uống được nhiều. Hãy nhớ rằng bạn không cần tăng cân trong giai đoạn đầu tiên. Hãy nhớ bổ sung đủ nước và ăn ngay khi nào bạn cảm thấy muốn ăn. Nếu bạn bị nghén, một vài mẹo sau có thể giúp ích cho bạn:
- Uống nhiều nước và uống khi bạn cảm thấy mệt. Nước mát như nước hoa quả, có thể sử dụng tốt.
- Cố gắng ăn ít trong mỗi bữa và chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Các loại thức ăn có tinh bột thường dễ ăn khi bị nghén như bánh kẹp, bánh mỳ que, bánh quy, bánh nướng.
- Tránh thực phẩm cay, béo; thực phẩm xay nhỏ thì tốt hơn.
- Một số công thức thuốc tổng hợp cho bà bầu có bổ sung cân đối các loại dưỡng chất. Nhất là Vitamin B1, B2, B6, Mg… cũng có tác dụng giảm nghén hiệu quả với nhiều bà bầu. Đồng thời chống thiếu hụt các loại dinh dưỡng cơ bản. Nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai.
Cẩm nang bà bầu
Cẩm nang bà bầu – Một số lưu ý
– Không ăn các loại thức ăn như đồ sống, đóng hộp, nhiều dầu mỡ, gỏi, thức ăn đã để lâu hoặc sữa chưa tiệt trùng. Tránh ăn những thức ăn có hàm lượng thuỷ ngân cao như cá mập, cá kiếm và cá ngừ.
– Tránh xa thuốc lá và khói của thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích, nước uống có cồn, có ga. Vì có thể làm tăng hàng loạt các nguy cơ như sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sảy thai, dị tật bẩm sinh và thai chết lưu. Xem thêm những nơi bầu không nên tới.
– Tham khảo những điều cần tránh khi mang thai như dùng hóa chất, mỹ phẩm, đi giày cao gót, vận động mạnh, xoa bóp bụng, xông hơi giải cảm khi bị cúm… Những việc này có thể dẫn đến dọa sảy thai, động thai và sinh non.
– Nên đăng ký tham gia một lớp tiền sản. Các mẹ sẽ được bổ sung rất nhiều kiến thức quan trọng như: Dinh dưỡng khi mang thai, thể dục khi mang thai, chuẩn bị trước khi sinh, cách tắm cho bé, cách cho bé bú, cách phòng chống bệnh cho bà bầu… để các chị em luôn tự tin trong lần đầu làm mẹ này.
Trên đây là cẩm nang bà bầu dành cho mẹ mang thai lần đầu. Mẹ hãy tìm hiểu để chăm sóc tốt hơn thai kỳ của mình. Hy vọng sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ mạnh khỏe, như ý!
Tổng hợp cho theAsianparent Việt Nam
Xem thêm
Cẩm nang mẹ Bầu – Những điều cần biết
Muốn con yêu chào đời không dị tật. Mẹ bầu nhớ bổ sung 8 loại vitamin quan trọng khi mang thai
Phụ nữ mang thai có nên bổ sung Vitamin D?
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!