Một bà mẹ người Singapore đã chia sẻ câu chuyện thương tâm về việc mất con ở tuần thai thứ 39. Chị hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp ích được cho những bà bầu khác, tránh rủi ro trong những tuần cuối của thai kỳ. Hãy đọc những lời tâm sự của chị dưới đây để hiểu rõ hơn và cùng rút ra bài học.
Cơn đau tăng dần
“Vào ngày tôi mất con, tôi đang ở tuần thai thứ 39. Ngày hôm đó, tôi hoàn thành nốt những phần việc cuối cùng ở văn phòng để chính thức nghỉ sinh. Hôm đó cũng như bao ngày khác nhưng đến khoảng thời gian ăn tối thì tôi bị cơn co hành hạ. Cơn co rút ngắt quãng làm tôi khá khó chịu nhưng không phải là không chịu đựng được.
Tôi không suy nghĩ quá nhiều vì tôi cho rằng những cơn đau như vậy là hoàn toàn bình thường ở những tuần cuối thai kỳ. Thế nhưng buổi tối trôi qua, cơn đau dần trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
Linh cảm sắp chuyển dạ ở tuần thai thứ 39
Khoảng 1 giờ sáng, tôi bắt đầu có suy nghĩ mơ hồ rằng mình có thể sắp chuyển dạ. Tôi không biết thực sự cơn co chuyển dạ là như thế nào vì tôi sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ.
Để kiềm chế cơn hoảng loạn, tôi cố bình tĩnh đi bộ quanh nhà nhưng mặt thì cứ nhăn lại vì đau. Có lúc, tôi cảm giác cơn đau cứ liên hồi và khủng khiếp đến mức không thể chịu nổi. Lúc này những lời nói của bác sĩ sản khoa chợt loé lên trong đầu tôi: “Lần sinh mổ thứ hai này của chị cách thời gian sinh mổ lần trước trong vòng chưa đầy 1 năm rưỡi. Nếu chị chuyển dạ và vết khâu bị bục, tình huống có thể nguy hiểm tới tính mạng”.
Vỡ ối
Ngay khi chộp lấy điện thoại để gọi cho bác sĩ, tôi cảm nhận một dòng chất lỏng ấm nóng tuôn ào ạt xuống chân mình.
Tôi kinh hoàng nhận ra chất lỏng đó có màu máu và tôi biết mình đang bị vỡ ối rồi. Đúng rồi, tôi đang đau đẻ.
Nhớ lại, tôi cũng không hiểu sao mình có thể bình tĩnh đến thế. Tôi vào phòng tắm để đóng băng vệ sinh để chuẩn bị tới bệnh viện. Tôi để ý thấy nước ối không chỉ có màu nâu, mà còn có lẫn một ít chất gì đó màu xanh lá. Điều này cũng lạ vì chưa có ai bảo tôi là nước ối có lẫn màu xanh này cả. Nhưng tôi lại gạt đi suy nghĩ đó và cho rằng có rất nhiều điều lạ lùng xảy ra trong quá trình mang thai, lúc đau đẻ thì cũng thế thôi.
Chưa bao giờ tôi có một chút suy nghĩ rằng tôi có thể mất con lúc lâm bồn cả.
Cử động cuối cùng
Tôi hôn tạm biệt đứa con lớn và xỏ chân vào giày, nhưng rồi tôi chợt nghĩ đến một điều.
Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng em bé trong bụng cử động là lúc nào! Từ lúc bắt đầu cảm thấy những cơn đau, tôi nhớ rằng con không có chút chuyển động nào trong bụng mẹ.
Tôi hỏi mẹ tôi rằng, liệu có bình thường không khi không thấy em bé cử động gì trong lúc chuyển dạ. Mẹ nói với tôi rằng, có thể do tôi quá đau nên không cảm nhận được. Rồi mẹ có vẻ muốn xua đi sự lo lắng ấy.
Giờ nghĩ lại, tôi mới đột nhiên nhớ đến ánh mắt của mẹ nhìn tôi đầy kinh hoàng trong tích tắc trước khi mẹ cố che đậy đi sự hoảng loạn bên trong.
Khám sơ bộ trước khi sinh ở tuần thai thứ 39
Tới bệnh viện, tôi vào thẳng phòng sinh với tràn trề niềm háo hức sắp được gặp con. Tôi đã có một bé trai 15 tháng tuổi và thêm một bé gái chuẩn bị chào đời, gia đình tôi thế là đầy đủ lắm rồi. Tôi còn đòi hỏi gì hơn thế nữa? Tôi mong được gặp con lắm!
Nhưng ngay sau khi vào phòng sinh, tôi bắt đầu cảm thấy có chút cảm giác lo lắng cho đứa con trong bụng. Tôi biết có điều gì đó rất tệ đang xảy ra.
Điều thứ nhất, khi y tá lấy mẫu nước tiểu của tôi, cô ấy có nhắc tới chất dịch màu xanh lá cây. Tôi vẫn nhớ lời y tá:
“Đây là phân su. Dấu hiệu không tốt. Chứng tỏ em bé đang gặp khó khăn rồi”.
Tất nhiên, điều này làm dấy lên những lo sợ trong tôi. Nhưng một lần nữa, tôi vẫn không mảy may nghĩ đến khả năng em bé có thể mất trong bụng mẹ. Dù vậy, tôi biết rằng mọi việc đang không thuận buồm xuôi gió.
Điều thứ hai, khi được gắn mọi thứ dây rợ, máy đo lên người, tôi có thể nhận ra ê-kíp trực đang phải rất vất vả để tìm nhịp tim của con tôi. Mất không quá 1 phút để tôi nhận ra rằng, âm thanh mà tôi đang nghe thấy chỉ là tiếng đập trái tim tôi.
Tin dữ
Tôi hỏi thẳng cô y tá: “Chị không tìm được nhịp tim của bé sao?”. Cô ấy chăm chú nhìn tôi nhưng mặt tái đi, vừa ấn vào tay tôi vừa đáp: “Có thể là tôi sai thôi”. Nhưng chỉ vài phút sau, y tá trưởng thốt lên những lời khiến tôi ớn lạnh.
“Chúng tôi không thể tìm thấy nhịp tim của bé”.
Tôi ngẩn người ra mất một lúc và khi nhận thức được, tôi cảm thấy sự thật đó như cả tấn gạch đá trút xuống đầu tôi và tôi gào khóc nức nở. Chẳng còn gì có ý nghĩa với tôi nữa và thế giới của tôi cứ thế chìm vào trong bóng tối.
Trong lúc rối ren như vậy, bác sĩ của tôi đến và xác nhận lại điều này. Cô tiến hành siêu âm và cho tôi nhìn rõ trái tim con gái tôi – nó không còn đập nữa. Tôi cứ thế nức nở và nói với bác sĩ rằng, chắc hẳn đã có điều gì đó sai sót, rằng tôi vẫn có thể cảm nhận chút nhịp đập khẽ khàng của bé, nhưng điều này vô ích.
Tôi đã mất con ngay trước khi sinh con ra. Chẳng gì có thể thay đổi sự thật tàn nhẫn và đáng sợ ấy.
Nguyên nhân gây ra cái chết của con
Bác sĩ gây mê cho tôi và tiến hành mổ khẩn cấp. Họ phát hiện nguyên nhân gây ra cái chết của con khi ở trong bụng tôi là do dây rốn quấn cổ.
Khi tỉnh lại, tôi bỏ chiếc áo trắng quấn quanh cơ thể con gái tôi ra rồi đặt con áp lên ngực trần của mình, hi vọng có phép màu nào đó xảy ra. Tôi hồi tưởng lại những câu chuyện về sự tiếp xúc da kề da đã giúp đứa bé sống lại kỳ diệu như thế nào. Nhưng hỡi ôi, không gì thay đổi được sự nghiệt ngã của số phận.
Thời gian mà tôi được ở bên con nhanh chóng trôi qua. Tôi phải nói lời từ biệt con và xa con mãi mãi. Tôi năn nỉ con mở mắt. Tôi van con hãy ở lại. Tôi rên rỉ khóc trong nỗi đau khôn nguôi này.
Bao kế hoạch tôi đã lên cho con. Không thể ngờ đến ngày tôi phải đặt hoa lên bia mộ của con gái. Tôi cũng không nghĩ đến lúc tôi sẽ viết những gì lên văn bia của con.
Khoảng thời gian đen tối
Những tuần sau đó, tôi đắm chìm trong cơn giận dữ, nỗi tiếc thương và sự hoang mang. Trong đầu tôi luôn tràn ngập những câu hỏi. Màn đêm kéo dài và tôi thường bất chợt tỉnh dậy trong đêm. Nhìn xa xăm về phía cửa sổ, tôi tuyệt vọng kiếm tìm khuôn mặt của con trong mỗi ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Tôi thua rồi. Cảm thấy giận dữ. Và điên cuồng. Đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy như bị mắc kẹt dưới một vực sâu thăm thẳm.
Đáng nhẽ tôi đã có thể cứu con
Một thời gian sau, tình cờ tôi xem được một video quảng cáo ứng dụng theo dõi cử động của thai nhi. Nó thể giúp một người mẹ cứu mạng sống cho con vì sự cố dây rốn quấn cổ. Sự cố này giống những gì đã xảy ra với con tôi và nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Lẽ ra tôi đã có thể cứu con nếu phản ứng kịp thời. Phát hiện này là phần đau đớn nhất trong toàn bộ câu chuyện của tôi.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu sắp sinh
Tôi khuyên các mẹ nên chú ý tới 4 điều này, đặc biệt khi ở tam cá nguyệt cuối cùng:
1. Theo dõi các cử động của con
Làm ơn hãy luôn theo dõi cử động thai nhi. Bác sĩ sẽ cho bạn biết số lần thai máy, tần suất thai máy bao nhiêu là ổn. Nếu bạn cảm thấy con không cử động đủ hãy tới phòng khám hay bệnh viện sản thật nhanh.
Dây rốn quấn cổ không cướp đi mạng sống của con bạn ngay lập tức. Chúng quấn quanh cổ bé một cách từ từ nhưng chắc chắn, và sẽ giết bé nếu bạn chần chừ.
Có những ứng dụng có thể giúp bạn theo dõi chuyển động của thai nhi. Hãy tải một ứng dụng đáng tin cậy và theo dõi nó thường xuyên. Không có gì đảm bảo an toàn tuyệt đối và bạn nên chủ động để sau này khỏi hối tiếc.
2. Lượng ối rất quan trọng
1-2 tuần trước khi mất con, trong một lần khám định kỳ, bác sĩ lo ngại rằng lượng ối của tôi đang giảm. Lúc đó, tôi mang thai ở tuần 37 và hoàn toàn ổn nếu mổ lấy thai thời điểm này.
Chúng tôi thảo luận về phương án này nhưng quyết định chờ thêm vài ngày. Khi tôi tới khám lại thì nước ối có vẻ lại ổn, và chúng tôi không bắt buộc phải tiến hành mổ lấy thai sớm như vậy.
Giờ khi nhìn lại, tôi ước gì mình đã không trì hoãn như thế. Thiếu nước ối có thể không làm con của tôi chết, nhưng đó có thể là một dấu hiệu cho thấy tôi nên sinh con lúc đó.
Nếu tôi làm theo trực giác ban đầu của mình, có thể con đã không ra đi như vậy.
3. Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng trong những ngày cuối thai kỳ
Tôi được khuyên nên nhẹ nhàng, và đừng di chuyển quá nhiều trong khoảng cuối thai kỳ. Có thể không phải bà bầu nào cũng gặp tình trạng này. Nhưng với tôi, do nguy cơ từ vết mổ thai lần trước, tôi cần phải nghỉ ngơi, thư giãn.
Không phải do di chuyển nhiều mà tôi mất con. Nhưng nếu không di chuyển nhiều đến thế, tôi có thể cảm nhận rõ hơn về cử động của con.
Sau khi ngồi lục tung trí nhớ về cái ngày định mệnh đó, tôi nhớ ra rằng lần cuối mà tôi cảm nhận được cử động của con là vào buổi chiều. Khi con được lấy ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ cũng nói với tôi rằng tim thai đã ngừng đập khoảng mấy tiếng trước đó. Thời gian là điểm sống còn ở đây. Nếu tôi đến gặp bác sĩ trong khoảng 1-2 tiếng sau đó, thì mọi thứ giờ này đã khác.
4. Tin vào trực giác của bạn
Tôi đã có dự cảm không hay về việc sinh bé khi ở chặng cuối của thai kỳ. Mẹ của tôi cũng quả quyết tôi sẽ sinh bé vào tuần thai thứ 37 hoặc 38 là muộn nhất. Bác sĩ cũng cho tôi chọn thời gian sinh là bất cứ lúc nào sau tuần thứ 37.
Vậy mà vì lý do công việc, tôi đã đề nghị chọn thời điểm sinh muộn hơn một chút. Tôi ước gì tôi đã nghe lời mẹ tôi, ước gì tôi đã tin tưởng vào trực giác của mình. Nhưng giờ tôi có thể làm được gì nữa đây, để mang con trở lại với tôi? Tôi không ngờ là mình có thể mất con ở tuần thai thứ 39.
Vì thế các mẹ ạ, hãy đọc câu chuyện của tôi một cách cẩn trọng. Tất nhiên có những điều vượt xa tầm kiểm soát của chúng ta nhưng chúng ta hãy làm những gì tốt nhất có thể và thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ mạng sống của sinh linh bé nhỏ mà chúng ta đang mang!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!