Mang thai tháng cuối bị ho nhiều có thể do nhiều nguyên nhân như sức đề kháng của mẹ bị giảm sút, bị dị ứng với tác nhân từ môi trường… Mẹ có thể giải quyết tình trạng này bằng các nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm vừa an toàn cho bé vừa giúp giảm cơn ho.
Nội dung bài viết:
- Vì sao mẹ bị ho khi mang thai tháng cuối?
- Nguy cơ mẹ đối mặt nếu bị ho nhiều khi mang thai tháng cuối
- Mẹ có thể uống thuốc ho được không?
- Cách giảm cơn ho bằng nguyên liệu tự nhiên
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Vì sao mẹ bị ho khi mang thai tháng cuối?
- Mẹ bị dị ứng với các tác nhân từ môi trường bên ngoài như hóa chất, phấn hoa, khói thuốc, nấm mốc… làm niêm mạc hô hấp bị kích thích, gây ho dai dẳng, thường xuyên
- Viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn: Sức đề kháng của mẹ bầu yếu đi trong thai kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại xâm nhập và làm mẹ dễ mắc bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm thanh quản… Triệu chứng các bệnh này là ho nhiều, nhất là vào ban đêm…
- Tử cung phát triển làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa, kích thích trào ngược. Mẹ bị trào ngược axit dạ dày lên cổ họng có thể gây ngứa, ho, thậm chí buồn nôn, đau rát họng…
- Nội tiết tố thay đổi làm mẹ nhạy cảm hơn với tác nhân từ môi trường như thời tiết, nhiệt độ…
Bạn có thể chưa biết:
Bị ho khi mang thai tháng thứ 6 có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Bị cúm khi mang thai tuần đầu có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể gặp một số dấu hiệu bất thường về hô hấp, trong đó ho là triệu chứng thường gặp nhất. Có nhiều nguyên nhân gây nên ho như các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn, dị ứng, trào ngược dạ dày- thực quản,…
Mang thai tháng cuối ho nhiều – Các nguy cơ đối với mẹ bầu và thai nhi
Ho trong thai kỳ, đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ 3 là tình trạng khá thường gặp. Các cơn ho do thời tiết, ảnh hưởng nhẹ tới đường hô hấp thường không khó điều trị.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị ho kéo dài, ho dai dẳng, ho nhiều và liên tục thì cũng có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể là:
- Khiến mẹ bầu cảm thấy tức ngực, mệt mỏi, dẫn tới đau đầu, chán ăn, mất ngủ, khiến cơ thể suy nhược và tác động xấu tới quá trình phát triển của thai nhi.
- Những cơn ho mạnh còn có thể khiến tử cung bị kích thích, làm động thai và dễ dẫn tới sinh non trong trường hợp thai gần đủ tháng.
- Nếu các cơn ho xuất phát từ yếu tố nhiễm trùng hô hấp mà không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tính mạng bé có thể bị đe dọa bởi tình trạng này có thể khiến tim thai bị mất đột ngột.
Theo bác sĩ Nam, việc ho nhiều có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, suy nhược làm chậm quá trình phát triển của thai nhi. Trường hợp mẹ bầu bị nhiễm trùng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đôi khi gây mất tim thai đột ngột. Bên cạnh đó, việc ho kéo dài, ho mạnh và liên tục có thể gây kích thích cơn gò tử cung, dẫn đến hậu quả động thai hoặc dọa sinh non, gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và thai.
Do đó, mẹ bầu nên mau chóng tìm cách điều trị dứt điểm nhằm đảm bảo cho thai nhi chào đời khỏe mạnh, sinh ra đủ ngày đủ tháng.
Mẹ bầu uống thuốc ho được không?
Theo PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào – Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong thời gian mang bầu nếu chị em bị ho, các bác sĩ sẽ dựa vào đặc điểm của ho cùng với các triệu chứng đi kèm để xác định nguyên nhân từ đó tư vấn thuốc ho cho bà bầu an toàn nhất.
Trường hợp khi bị ho do viêm mũi xoang
Thường thuốc toàn thân sử dụng kháng sinh chữa viêm mũi xoang, tại chỗ sử dụng thuốc co mạch, steroid xịt mũi…
Với mẹ bầu bị ho do viêm họng
Thường sử dụng kháng sinh (nếu viêm do vi khuẩn), loại kháng sinh hay được sử dụng là nhóm bêta lactam gồm các penicillin, cephalosporin…
Đây là loại kháng sinh diệt vi khuẩn. Các thuốc nhóm bêta lactam không ảnh hưởng đến thai nhi.
Hoặc dùng thuốc giảm kích ứng tại họng – không có codein, chống dị ứng (ho do dị ứng). Thuốc làm trung hòa pH vùng họng với các thuốc có tính kiềm nhẹ natribicarbonate, nước muối loãng…
Ho do trào ngược
Sử dụng thuốc kháng H2, chống trào ngược.
Bà bầu thường hay nghĩ là vì mình có bầu nên không dùng thuốc và cố gắng chịu đựng cho đến khi không chịu đựng được nữa mới đi khám nên lúc đến với người thầy thuốc người bệnh thường ở trong tình trạng nặng, thường là đã biến chứng xuống phế quản, phổi.
Lúc này việc sử dụng thuốc là bắt buộc, không những thế người bệnh phải dùng thuốc nặng, nhiều loại phối hợp với nhau. Chiếm đại đa số các bà bầu ho nặng khi đến khám tai mũi họng là viêm mũi xoang biến chứng xuống phế quản.
Bạn có thể chưa biết:
Bầu 3 tháng đầu bị ho có thể gây động thai rất nguy hiểm, làm sao để điều trị dứt điểm?
Mẹ bầu bị ho có đờm – 4 cách hiệu quả giúp mẹ chóng khỏi bệnh
Sử dụng phương pháp điều trị bằng các nguyên liệu tự nhiên
Dùng hành tây cho mẹ bầu mang thai tháng cuối bị ho nhiều
Hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella.
Ở phương Tây, hành tây không chỉ là một món ăn ngon mà còn là vị thuốc trị ho lâu đời, được sử dụng phổ biến, vừa hiệu quả, lại rất lành tính.
Mẹ bầu tháng cuối bị ho nên cắt 1/2 hoặc 1/4 củ hành tây tuỳ củ hành tây lớn hay nhỏ. Sau đó cắt hạt lựu cho vào một chén sứ nhỏ. Mẹ đem chưng cách thuỷ hoặc tận dụng cho vào nồi cơm hấp chín chung khi nấu.
Một lúc sau mẹ sẽ có được một dung dịch nước hành tây. Mẹ dùng nước hành tây này uống mỗi ngày 2-3 lần và từ 2-3 ngày.
Đây là phương thuốc vô cùng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao khi mẹ cần chữa ho cho mà không muốn lạm dụng các loại thuốc ho.
Súc miệng nước muối
Nước muối có công dụng sát khuẩn cao, vì vậy từ xưa đây được coi là phương pháp thông dụng để làm sạch cổ họng, giúp tiêu viêm, giảm sưng, ngứa cổ họng. Từ đó sẽ giúp mẹ bầu giảm được tình trạng ho nhiều. Đây là cách trị ho cho bà bầu tháng cuối đơn giản mà mẹ nào cũng có thể thực hiện được.
Bác sĩ Nam cho biết, lỡ chẳng may bị ho khi đang mang thai, mẹ bầu cần tăng cường uống nước, bổ sung vitamin C, ăn các loại hoa quả như cam, quýt, tắc, nho,,,, tránh các món chiên rán. Súc miệng bằng nước muối sinh lí 3-4 lần/ ngày, giữ ấm cơ thể, tránh nơi gió lạnh. Mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo lắng. Khi ho kéo dài, đi kèm sốt, cảm thấy mệt mỏi, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh chủ quan, tự uống kháng sinh có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng cho thai kỳ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!