Một trong những căn bệnh mà các mẹ sau sinh thường hay gặp là lên máu sản hậu. Vậy lên máu sản hậu là gì và có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu ngay mẹ nhé!
Lên máu sản hậu là gì?
Hiện tượng lên máu sản hậu còn được gọi là huyết áp cao sau sinh. Thông thường khoảng 3 tháng sau khi sinh, huyết áp của mẹ sẽ trở lại bình thường. Nếu đã qua giai đoạn này mà huyết áp mẹ vẫn ở mức cao (trên 140/90 mmHg) thì chứng tỏ mẹ đã bị lên máu sản hậu. Tình trạng này thường gặp ở những mẹ sinh mổ hoặc sinh từ lần thứ 2 trở đi.
Nguyên nhân khiến mẹ bị lên máu sản hậu là gì?
- Mẹ bầu bị tăng huyết áp từ trước khi mang thai
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi do áp lực từ công việc, gia đình,…
- Thiếu ngủ, khó ngủ, mất ngủ
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Thói quen sinh hoạt không phù hợp, thiếu thời gian nghỉ ngơi, phải làm việc nặng nhọc
- Tác dụng phụ từ các loại thuốc tây đang uống
Dấu hiệu nhận biết hiện tượng lên máu sản hậu
Hiện tượng này không có dấu hiệu nhận biết nào rõ ràng, đôi lúc chỉ dừng lại ở cảm giác nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt thoáng qua rồi thôi. Để biết mình có bị lên máu sản hậu hay không, mẹ cần được đo huyết áp.
Lên máu sản hậu có nguy hiểm không?
Bị huyết áp cao sau sinh ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng nguồn sữa cho em bé bú. Ngoài ra, việc chăm sóc con nhỏ cũng bị ảnh hưởng vì sức khỏe không ổn định, người mẹ không có tâm trạng thoải mái và bản thân lúc nào cũng ở trong trạng thái lo sợ.
Ngoài ra, nếu mẹ không phát hiện và tập trung điều trị bệnh sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như: Dày thất trái, giãn thất phải, suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, bệnh lý về võng mạc, suy thận, tiểu đạm, bệnh lý mạch máu ngoại biên,…
Điều trị lên máu sản hậu như thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người là khác nhau nên việc điều trị và sử dụng thuốc cũng có thể khác nhau tùy trường hợp. Vì vậy, chị em nên đến khám bác sĩ để được điều trị đúng cách. Thông thường, có 2 cách phổ biến để mẹ điều trị bệnh lên máu sản hậu:
- Dùng thuốc tây: Thuốc tây điều trị cao huyết áp dành cho phụ nữ sau sinh có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng đến sữa mẹ, nên trước khi điều trị bằng thuốc tây, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn loại ít gây hại nhất cho bé
- Trị bệnh bằng thảo dược: Sử dụng thảo dược Đông y để hạ huyết áp là một hướng đi an toàn hơn so với thuốc tây nên cũng được rất nhiều bà mẹ sau sinh lựa chọn.
Các căn bệnh hậu sản thường gặp khác
Nhiễm khuẩn hậu sản
Quá trình sinh nở có thể khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương hoặc bị lây nhiễm từ dụng cụ đỡ đẻ khi sinh mổ,… từ đó gây nên các bệnh nhiễm khuẩn hậu sản như nhiễm khuẩn tầng sinh môn, viêm phần phụ và dây chằng rộng, nhiễm khuẩn huyết, viêm tĩnh mạch,…
Băng huyết sau sinh
Một trong những tai biến sản khoa mà các mẹ bầu thường gặp nhất là băng huyết sau sinh. Đây là hiện tượng thai phụ ra máu nhiều, không thể cầm máu trong vòng 24h sau sinh. Nếu không được cứu chữa kịp thời, băng huyết sau sinh có thể gây tử vong do mẹ bị mất máu quá nhiều.
Sản giật sau sinh
Bệnh xảy ra trong những ngày đầu sau khi sinh với các dấu hiệu như đau đầu, buồn nôn, co giật, ù tai, phù nề,… Đây là một biến chứng khá nguy hiểm nên khi thấy các dấu hiệu này, mẹ cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bế sản dịch
Đây là hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung người phụ nữ sau khi sinh. Nếu can thiệp muộn, bệnh có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm,… và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm khuẩn vết khâu rạch tầng sinh môn
Vết thương ở tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn do nằm ở vị trí nhạy cảm. Đối với các mẹ có thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn trong khi sinh, mẹ cần đi khám ngay nếu thấy các dấu hiệu đau nhức, sưng tấy, phù nề, ngứa ngáy ở tầng sinh môn hoặc có xuất hiện dịch mủ kèm mùi hôi,…
Táo bón hậu sản
Vì tâm lý sợ đau sau khi mổ hoặc rạch tầng sinh môn, nhiều mẹ rất sợ đi đại tiện nên thường nhịn. Điều này khiến mẹ dễ bị táo bón hậu sản và nặng hơn là bị trĩ. Để phòng tránh táo bón và trĩ sau khi sinh, mẹ nên ống nhiều nước, chịu khó vận động nhẹ nhàng sau sinh, bổ sung nhiều hoa quả và rau củ giàu chất xơ.
Sốt hậu sản
Sau khi sinh, mẹ sẽ thường bị sốt nhẹ. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ tự biến mất khi cơ thể mẹ được phục hồi. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài từ 2 – 10 ngày sau sinh thì có thể mẹ đã bị nhiễm trùng. Lúc này mẹ cần báo với bác sĩ ngay để được theo dõi và điều trị phù hợp.
Vừa rồi là những thông tin về hiện tượng lên máu sản hậu hay còn gọi là cao huyết áp sau sinh. Để tránh những biến chứng nguy hiểm, mẹ cần đến khám bác sĩ để được điều trị đúng cách nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!