Bố mẹ nên làm gì khi trẻ không muốn đến trường? Hướng giải quyết nào cho tình huống trẻ nhăn nhó không chịu đi học mỗi sáng? Làm thế nào để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?
Tại sao trẻ không muốn đến trường?
Đây là tình huống mà nhà nhà có con nhỏ đều gặp phải. Tình huống này mang tính “quốc dân” đến mức mọi người đều xem đây là chuyện thường ngày ở huyện. Tuy mức độ phổ biến khá rộng rãi nhưng không phải gia đình nào cũng có thể tìm ra giải pháp phù hợp.
Nguyên nhân chủ quan: từ phía gia đình
Tâm lý bám bố mẹ
Cách giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và tính cách của trẻ.
Nhiều bố mẹ hay doạ nạt con, lấy những người bặm trợn hung dữ để hù con sợ. Mục đích là để ép con ăn, dỗ con ngủ. Lo sợ nuốt lấy nuốt để và ngủ trong nỗi sợ hãi, trẻ có thoải mái không? Vô hình trung, tâm lý trẻ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người lạ. Trẻ chỉ thật sự yên tâm khi ở cùng bố mẹ.
Hoặc khi bố mẹ bận việc, nhờ người trông hộ. Lừa cho trẻ chơi một món đồ nào đấy, lợi dụng lúc trẻ lơ là mà trốn đi. Đến lúc phát hiện ra, trẻ sợ hãi oà khóc vì không thấy bố mẹ đâu. Không những thế, trẻ lại bị hù doạ: “Mẹ bỏ con rồi, con ở đây với cô nhé!”.
Tâm lý bám bố mẹ “thai nghén” kể từ đây.
Thời gian ở nhà thoải mái hơn
Trong thời đại ngày nay, việc bà chăm cháu cho mẹ đi làm hoặc thuê hẳn người giúp việc chăm bé là điều khá phổ biến. Nếu được cưng chiều thường xuyên, không bị áp buộc trong khung thời gian nhất định, trẻ sẽ rất khó khăn để thích nghi với việc đến trường. Thay đổi giờ giấc, thói quen, phải tự xúc ăn, … những việc này bé chưa thật sự sẵn sàng.
Nguyên nhân khách quan: từ phía nhà trường, cô giáo và bạn bè
Đến một nơi mới với toàn bộ người mới, thầy cô xa lạ, bạn bè cũng chẳng quen.
Khi ở nhà với gia đình, những người xung quanh đều rất quen thuộc với trẻ. Lúc đến trường, tất cả mọi thứ xung quanh đều hoàn toàn mới mẻ. Rụt rè, e sợ, cần thời gian để thích nghi là biểu hiện chung của trẻ.
Nếu sau một thời gian, trẻ vẫn chưa “làm quen” được thì sẽ có xu hướng chuyển sang sợ hãi. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng rối loạn lo âu khi phải sống liên tục trong một môi trường căng thẳng.
5 gợi ý bố mẹ nên thực hiện khi trẻ không muốn đến trường
Tìm hiểu nguyên nhân
Sau khi tập cho trẻ những thói quen trên mà trẻ vẫn không muốn đến trường, bố mẹ nên nhẹ nhàng ân cần hỏi trẻ lí do. Bị bạn bắt nạt, cảm thấy khó khăn trong việc học tập, cô giáo bạo hành, …. Hiểu được nguyên nhân, bố mẹ sẽ giúp trẻ giải quyết được tận gốc vấn đề, để trẻ yên tâm đến trường.
Chuẩn bị tâm lý thật tốt cho con
Gợi ý này được đánh giá là điều kiện tiên quyết để tạo tiền đề cho con đến trường. Bố mẹ chuẩn bị tốt chừng nào thì con sẽ nhanh thích nghi với môi trường mới chừng đó. Mẹ có thể kể thêm để khơi gợi sự ham thích khi đến trường. Hoặc mỗi dịp cuối tuần, bố mẹ có thể dẫn trẻ đến trường để làm quen với khung cảnh trường học, thấy các anh chị lớn hơn đang học, … Dần dần trẻ sẽ không bật khóc do sợ hãi vì không gian rộng lớn, xa lạ.
Tập cho trẻ sinh hoạt theo thời gian biểu như trên lớp
Thay vì cứ giữ nếp sinh hoạt như trước đây, bố mẹ nên thay đổi tương đồng với giờ giấc sinh hoạt như ở trường học. Giờ ăn, giờ ngủ, thói quen tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, … Nếu được rèn giũa cả ở trường lẫn ở nhà, trẻ sẽ có nếp sinh hoạt khoa học. Thời gian biểu không bị xáo trộn sẽ khiến trẻ thấy thoải mái vì “đến trường cũng như ở nhà”.
Dạy con cách giao tiếp
Hạn chế tối đa việc doạ nạt, đánh mắng con – chỉ cần như vậy, bố mẹ đã thành công “một nửa” rồi. Cách dạy con, cách giao tiếp với con cực kỳ quan trọng. Khi đã tạo được niềm tin nơi trẻ, bố mẹ dạy con sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Đồng thời, bé cũng sẽ cởi mở lòng với mọi người nhiều hơn. Với một em bé 3 tuổi đi học mẫu giáo, một nụ cười, một cái bắt tay là có thể “kết bạn” được rồi!
Đến gặp bác sĩ nhi khoa
Nếu như 4 gợi ý trên vẫn không cải thiện được tình trạng trẻ không muốn đến trường, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để kịp thời điều trị.
Hy vọng 5 gợi ý nên làm gì khi trẻ không muốn đến trường bên trên sẽ là những “chìa khoá” giúp bố mẹ đỡ đau đầu mỗi sáng. Có bố mẹ là người bạn đồng hành, hành trình đến trường của trẻ sẽ nhiều sắc màu rực rỡ hơn. Chúc trẻ nhà mình đi học ngoan nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!