Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh “đúng chuẩn” cho mẹ sắp vượt cạn. Mẹ nên chuẩn bị những gì để không bị thừa và lãng phí?
“Đây hoàn toàn là những vật dụng cần và đủ cho ít nhất bốn ngày nằm viện sau sinh của mình. Các bạn nên cân nhắc chỉ nên đem theo những gì cần là có, tránh những thứ có nhưng không cần nhé.
Nào cùng nhau ngó xem qua có những gì trong chiếc vali nhỏ xinh đem đi sinh của mẹ Silk nhé:”
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé
A. Đồ dùng cho mẹ
1. Quần áo mặc khi xuất viện
Cũng giống như Silk, Quinn nhà mình sẽ được sinh ra tại bệnh viện phụ sản quốc tế Hạnh Phúc. Mình biết bệnh viện sẽ cấp cho sản phụ một bộ áo váy màu hồng thay mỗi ngày, vừa đẹp vừa rất tiện cho con bú. Do vậy mình chỉ cần chuẩn bị quần áo khi xuất viện mà thôi.
Theo kinh nghiệm của mình thì các bạn nên đem theo những chiếc áo rộng rãi có gài nút hoặc áo tròng cổ cũng được, chất liệu thấm hút mồ hôi, kiểu dáng đơn giản, thuận tiện cho con bú bất cứ lúc nào ngay cả lúc ngồi trên xe về nhà nhé!
2. Áo khoác mỏng
Đợt trước mình quên mất chuẩn bị cho bản thân một chiếc áo khoác mỏng, tiện dụng. Dù mền khăn đều được trang bị đầy đủ cho sản phụ nhưng việc đem them một chiếc áo khoác mỏng vẫn rất cần thiết giúp giữ ấm cơ thể khi nửa đêm bạn phải thức ngồi dậy cho con bú hoặc thêm phần kín đáo hơn khi bạn có việc rời khỏi phòng.
3. Áo ngực cho bú
Đây là người bạn đồng hành không thể thiếu của mẹ bỉm sữa. Dạng áo ngực chuyên cho bé bú với phần chén áo ngực được thiết kế đặc biệt tháo mở dễ dàng, thuận tiện cho bé ngậm ti. Bạn cần chuẩn bị 2-3 áo ngực chuyên dụng như vậy vừa giúp bé ti thoải mái vừa kín đáo cho bạn khi còn ở viện.
4. Miếng lót chống thấm sữa
Trong vài ngày đầu sau sinh, ngực của bạn sẽ có hiện tượng căng tức vì sữa về ồ ạt. Vì vậy bên cạnh việc chuẩn bị những chiếc áo ngực cho bú lớn với kích cỡ phù hợp thì miếng lót chống thấm sữa sẽ giúp bạn phần nào không phải ngại ngùng khi sữa trào dính ra ngoài áo, đem lại cảm giác thoải mái hơn cho cả mẹ và bé.
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé
5. Dây sạc/ tai nghe điện thoại
Dây sạc giúp điện thoại của bạn không bị hết pin khi có việc cần liên lạc. Khi bé ngủ, mẹ có thể đeo thêm tai nghe để thưởng thức một chút âm nhạc thư giãn nếu muốn.
6. Ly sứ có nắp đậy
Theo mình nhớ, bệnh viện thường chỉ cung cấp ấm nấu nước sôi và ly thủy tinh để uống nước lọc thôi. Mình thì rất thích uống sữa nóng trước mỗi cữ cho con bú.
Đây là một trong những mẹo hay giúp mình kích sữa về nhanh và nhiều hơn trước khi cho bé bú. Do đó, một chiếc ly sứ giữ nhiệt có nắp đậy rất cần thiết với mình.
7. Bàn chải/ kem đánh răng
Nếu không muốn sử dụng bàn chải hay kem đánh răng dùng một lần do bệnh viện phát thì bạn nên tự chuẩn bị bản chải và kem đánh răng cá nhân yêu thích.
8. Lược
Có ai muốn tóc tai luộm thuộm, tả tơi khi cho con bú không nào?
9. Kem giữ ẩm
Nhiệt độ phòng trong các bệnh viện quốc tế thường khá lạnh và khô. Vì vậy, mình thủ sẵn một tuýp lotion yêu thích để dưỡng ẩm cho da khi cần.
10. Son dưỡng môi
Một chút son dưỡng môi sẽ khiến bạn trông xinh xắn, có sức sống và đỡ mệt mỏi hơn khi có bạn bè hay gia đình bất chợt đến thăm khi nằm viện.
B. Đồ dùng cho bé
11. Quần áo sơ sinh
Việc đầu tiên mình xin lưu ý với các mẹ là “áo sơ sinh” được nhắc đến ở đây là áo gài nút lệch một bên dành cho trẻ sơ sinh (hay còn gọi là áo bác sĩ) bằng chất liệu cotton mềm và thoáng mát, tay dài hoặc ngắn đều được.
Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé – Áo sơ sinh cài dây chéo/ áo cài nút một bên thích hợp cho trẻ sơ sinh trước khi rụng rốn
Những thể loại khác như bodysuit (dạng áo liền quần, tròng cổ) hoặc áo sơ sinh có nút cài giữa được bác sĩ khuyên không nên dùng cho bé sơ sinh vì hai lí do là cổ bé rất mềm và yếu, thêm vào đó việc có nút gài giữa có thể cọ quẹt vào rốn gây nhiễm trùng.
Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh – Bodysuit (áo liền quần) hoặc áo sơ sinh cài nút giữa có thể gây nhiễm trủng rốn do cọ quẹt
Mình chia sẻ điều này cũng xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Với tâm lý thương con- đặc biệt con đầu lòng, các bà mẹ thường sa đà mua rất nhiều quần áo newborn “cho trẻ nhưng không phải tất cả đều phù hợp cho giai đoạn mới sinh.
Bodysuit hoặc những thể loại áo tròng cổ hoặc gài nút giữa các bạn có thể sử dụng khi bé đã rụng rốn hoặc cứng cáp ở tháng thứ hai hoặc ba. Ngoài ra trẻ rất mau lớn nên các bạn nên mua lệch size vừa thoải mái cho bé vừa tiết kiệm cho mẹ nhé!
Tuỳ theo hình thức sinh và số ngày nhập viện mà bạn chuẩn bị quần áo sơ sinh cho bé phù hợp. Trung bình một ngày bé có thể được thay từ 1-2 bộ vì trẻ mới sinh ị tè rất nhiều lần. Vì vậy mà mà mẹ cứ chuẩn bị áo theo số ngày ở bệnh viện dự phòng thêm 1-2 áo là được nhé.
Quần áo sơ sinh mình chuẩn bị cho Quinn đều là hàng Nhật với chất liệu mềm mại, thoáng mát mà mình đã tranh thủ mua được trong chuyến du lịch sang Nhật vừa rồi.
Đúng dịp bên ấy đang sale giá rẻ nên mình gom về khá nhiều. Mình thấy quần áo sơ sinh của Nhật rất dễ mặc, tiện dụng, chất liệu bền tốt, hoa tiết dễ thương mà giá không quá chát. Các mẹ có thể tìm mua ở các shop bán hàng Nhật online ở Việt Nam đấy.
12. Khăn lông/ Khăn xô lớn
Các bạn nên chuẩn bị dư dả một vài khăn lông/ khăn xô lớn để tiện cho việc tắm gội hoặc trùm em bé nhé. Theo kinh nghiệm của mình thì phần lớn khăn xô/ khăn lông đang được bày bán ở ngoài chợ/ siêu thị chất lượng thường kém, dễ xù lông, mau nhàu nát, biến dạng và đặc biệt hơn là bông vải độc hải có thể bị bé hít phải.
Do đó, mình chân thành khuyên các bạn nên mua khăn cho bé chất lượng tốt một chút như hàng Nhật hoặc hàng Việt Nam được làm từ sợi tre, sợi tự nhiên ….
Khăn mình mua cho Quinn cũng là ở Nhật và đã được giặt sạch trước khi đem vào viện. Khăn không hề xù lông hay bay bông vải, mềm mịn, form ổn định, rất thích các mẹ ạ. Tương lai gần chắc mẹ Silk sẽ nhập một lượng lớn hàng hóa trẻ em chất lượng tốt đem về phục vụ mẹ bỉm sữa nhé.
13. Mền
Mền thì tùy vào từng mẹ có thấy cần hay không nhé. Vì Silk nhà mình lúc trước phải có một chiếc “mền ghiền” thì mới ngủ được. Chiếc mền mình chụp trong hình là hàng Việt Nam được làm từ sợi tre tự nhiên hiệu Uala Rogo cực mát, mượt và mềm luôn sờ rất sướng tay.
14. Khăn sữa nhỏ
Khăn sữa nhỏ là vật dụng cực kỳ cần thiết không thể thiếu của mẹ bỉm sữa. Các mẹ chuẩn bị từ 10-20 cái nhé! Khăn sữa xài rất hao, vừa lau cho bé vừa lau vú cho mẹ.
Như mình đã nói ở trên, tất cả các loại khăn dùng trực tiếp cho bé các mẹ nên mua hàng tốt một chút. Mình bình chọn cho khăn sữa Nhật hoặc khăn sợi tre Việt Nam nhé.
Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh
15. Tã dán
Mình nhấn mạnh là trong giai đoạn bé chưa rụng rốn thì các mẹ nên cho bé dùng tã dán, tránh dùng miếng lót sơ sinh. Vì miếng lót sơ sinh dán vào quần vải rất dễ gây nhiễm trùng phần rốn còn tươi của bé. Đây là lời khuyên được đưa ra từ bác sĩ và các cô hộ lý ở bệnh viên Hạnh Phúc í.
Về phần chọn thương hiệu tã dán nào, mình vote cho Merry – tã Nhật – tuy giá hơi cao hơn so với những loại còn lại nhưng chất liệu mềm mại, thông thoáng, hạn chế tình trạng hâm tã ở bé sơ sinh nhiều lắm.
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh
16. Khăn vải khô
Đây là một cuộc cách mạng vừa tiết kiệm rất nhiều chi phí cho ba mẹ vừa đảm bảo vệ sinh an toàn cho làn da non nớt của bé. Tất cả nhờ vào khăn vải khô.
Lúc trước, mình thường dùng khăn giấy ướt lau mông cho Silk mỗi khi bé đi vệ sinh xong. Dù đã cố gắng chọn loại khăn ướt không màu, không mùi, lành tính nhưng Silk vẫn bị hăm tã hay da kích ứng. Thêm vào đó, cứ khoảng một tuần là phải mua bịch khăn giấy ướt mới, rất hao.
Sau đó, mình mày mò tìm kiếm trên mạng ở các diễn đàn bỉm sữa và đã tìm ra giải pháp thần kỳ của khăn vải khô.
Khăn vải khô có chất liệu tương tự như khăn giấy ướt nhưng nó không ướt sẵn, cũng mềm mại và lành tính. Bạn chỉ cần mua một lốc to có hơn 200 miếng khăn vải, về cho vào một hộp khô sạch sẽ. Mỗi khi dùng, bạn chỉ cùng nhúng khăn vải khô vào nước ấm, vệ sinh cho bé là xong.
Silk từ lúc được đổi qua dùng khăn vải khô là không bị hăm đỏ mông nữa. Mà mẹ còn mừng hơn khi một lốc khăn vải to tướng dùng gần cả tháng chỉ có 45k-60k mà thôi. Hiện có rất nhiều thương hiệu khăn vải khô trên thị trường. Mình thì trước giờ hay đặt mua khăn vải khô của Likado đó.
17 &18. Bao tay và bao chân
Dựa vào số áo mà mẹ chuẩn bị nón và bao tay bao chân tương đương nhé!
Lưu ý nhỏ cho các mẹ là đối với bao tay bao chân, mẹ nên chịu khó lộn hết mặt trái ra ngoài, cắt sạch chỉ thừa sót lại nhằm bảo đảm an toàn cho bé, tránh trường hợp ngón tay hoặc chân vướng vào chỉ gây hoại tử thì nguy to. Hành động nhỏ xíu vậy thôi nhưng vô cần cần thiết!
“Thế là xong công tác chuẩn bị vali đi sinh của mình rồi đấy. Lần này mình có thể phần nào tự tin là không đem thừa những thứ không cần thiết nữa. Giờ mình có thể an tâm chờ ngày vỡ chum bất cứ lúc nào. Tùy vào nhu cầu, sở thích của từng người mà bạn có thể chuẩn bị thêm những vật dụng cá nhân khác miễn sao đem đến sự thoải mái, tiện nghi cho cả bạn và bé nhé.
Chúc các bạn mẹ tròn con vuông”.
Chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh từ mẹ supersilk
Xem thêm bài liên quan:
Tất cả những gì mẹ cần khi chuẩn bị đồ đi sinh mùa hè này
Chuẩn bị đồ đi sinh tối thiểu phải có những gì?
Chuẩn bị đồ đi sinh – Mẹ đã sẵn sàng chào đón bé yêu?
Diễn viên Thanh Thúy chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị giỏ đồ đi sinh “vừa mà không thừa”
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!