Khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy là vấn đề rất quan trọng, luôn được các chị em quan tâm, tìm hiểu. Theo đó, thời điểm cho lần đầu tiên khám thai sẽ rơi vào khoảng sau 2 – 3 tuần sau chậm kinh, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của việc mang thai. Vậy nên đi khám thai lần đầu vào lúc nào? Phải thực hiện những xét nghiệm nào và cần lưu ý những vấn đề gì? Tất cả sẽ có trong bài viết ngay sau đây.
Nên khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy?
Thông thường, trong vòng 2 tuần sau khi thụ thai thành công, trứng sẽ ở lại trong vòi tử cung và phân bào khoảng 48 giờ. Sau đó, mất khoảng 2 – 3 ngày để hợp tử di chuyển vào tử cung và làm tổ. Dựa vào một số biểu hiện thường gặp mà chị em có thể nghi ngờ mình đang mang thai như: Nôn mửa, mệt mỏi, chậm kinh,…
Khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên, chị em nên dùng que thử thai, nếu que cho kết quả 2 vạch thì nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán một cách chính xác nhất. Việc khám thai lần đầu không nên được thực hiện quá sớm bởi nó có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những chị em mới chậm kinh 2 – 3 tuần.
Khám những gì trong lần khám thai đầu tiên?
Như vậy, khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện các dấu hiệu mang thai. Đây chính là bước đầu vô cùng quan trọng trong suốt quá trình thai kỳ. Thông thường, các bác sĩ sẽ kiểm tra một cách chi tiết tiền sử sức khỏe của người mẹ, tình trạng sức khỏe hiện tại và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Quy trình khám thai lần đầu thường có 5 trình tự căn bản, gồm:
1. Hỏi – đáp về sức khỏe và tiền sử bệnh của thai phụ
Nhằm đạt được hiệu quả cao nhất cho lần khám thai đầu tiên cũng như những lần khám thai định kỳ tiếp theo, người mẹ cần cung cấp thật chi tiết và chính xác về tiền sử bệnh án và sức khỏe của mình để bác sĩ có thể nắm rõ. Theo đó, thai phụ cần chuẩn bị câu trả lời cho một số vấn đề sau:
- Tiền sử những lần mang thai trước đó (nếu có).
- Bệnh mãn tính mà mẹ mắc phải (nếu có).
- Chi tiết tiền sử đau ốm của mẹ.
- Có bị bệnh di truyền trong gia đình hay gặp vấn đề về sinh sản hay không?
- Mẹ đã từng thực hiện phẫu thuật chưa? Nếu có thì vào thời gian nào?
- Các loại thuốc mẹ thường sử dụng.
- Có tiền sử bị dị ứng hay không?
- Mẹ có thói quen sử dụng chất gây nghiện hay các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,… hay không?
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng trước đây và hiện tại của mẹ như thế nào?
Dựa vào những thông tin này, bác sĩ có thể đánh giá và dự đoán về các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ.
2. Hỏi về lần mang thai
Tiếp đến, bác sĩ sẽ kiểm tra chung để xác nhận về tình trạng mang thai của mẹ bằng cách đặt các câu hỏi như: Các biểu hiện mang thai của mẹ là gì? Lần cuối mẹ có kinh nguyệt là khi nào?…
3. Kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại
Trong lần khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ tiến hành khám chi tiết tình trạng sức khỏe của mẹ bầu ở hiện tại, cụ thể:
- Kiểm tra chiều cao, cân nặng.
- Đo huyết áp, dùng làm cơ sở để so sánh cho những lần khám thai tiếp theo.
- Kiểm tra hô hấp, tim mạch, khoang bụng và bầu ngực.
- Một số trường hợp, mẹ còn được kiểm tra kỹ hơn về vùng xương chậu và cơ quan sinh sản.
4. Tiến hành các xét nghiệm cần thiết
Tùy thuộc vào từng bệnh viện hay cơ sở y tế mà mẹ bầu sẽ được thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, trong lần đầu khám thai bao giờ mẹ cũng sẽ được tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
- Siêu âm.
- Kiểm tra nước tiểu.
- Xét nghiệm nhóm máu và mức độ thiếu máu, xét nghiệm beta HCG.
- Những thai phụ có nguy cơ bị hoặc đang mắc bệnh tiểu đường phải xét nghiệm thêm về tiểu đường.
- Xét nghiệm để kiểm tra mức độ lây nhiễm các căn bệnh lây qua đường tình dục như viêm gan B, AIDS,…
5. Bác sĩ giải đáp thắc mắc của thai phụ
Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu còn bất kỳ thắc mắc nào cần được tư vấn thì có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ trong lần khám thai đầu tiên. Chính vì thế, mẹ nên ghi lại những câu hỏi, những mối băn khoăn hay những hiện tượng trong quá trình mang thai để được các bác sĩ giải đáp. Nhờ đó, mẹ sẽ yên tâm hơn và không bị căng thẳng, lo lắng trong suốt quá trình mang thai.
Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì?
Sau khi đã biết nên khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy, cũng như những kiểm tra sẽ được thực hiện trong lần khám đặc biệt quan trọng này, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau đây để quá trình khám được diễn ra an toàn, hiệu quả:
- Khám tại các bệnh viện lớn, hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, chất lượng, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao. Tuyệt đối không nên khám ở những cơ sở không đạt chuẩn, kém chất lượng.
- Chuẩn bị các câu hỏi, thắc mắc để được bác sĩ tư vấn. Thai phụ có thể mang một một quyển sổ nhỏ để ghi chép, đồng thời mang theo sổ khám bệnh và các loại thuốc mình đã từng sử dụng.
- Mặc trang phục vừa, gọn để tiện lợi hơn cho việc thăm khám.
- Giữ lại kết quả khám thai lần đầu để làm cơ sở chẩn đoán và so sánh cho những lần khám sau này.
Lần khám thai đầu tiên là vô cùng quan trọng, giúp đánh giá một cách toàn diện nhất sức khỏe của mẹ và bé. Mong rằng thông qua những chia sẻ trên đây, mẹ bầu đã biết nên đi khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy, đồng thời nắm được các xét nghiệm, kiểm tra sẽ được thực hiện và những lưu ý quan trọng để đạt được hiệu quả cao nhất.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!