Khám hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ không quá xa lạ với nhiều người từ nhiều năm nay. Nhưng đôi khi các cặp đôi hiếm muộn chưa có đầy đủ thông tin và không dám đến khám dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn.
Thực tế, để nhanh chóng được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp, các đôi vợ chồng đang gặp vấn đề khó có con nên bắt đầu thực hiện thăm khám tại đây, quy trình cũng không hề khó khăn.
Vì sao nên khám hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ?
Việc khám bệnh tại Từ Dũ có nhiều sự lựa chọn cho bệnh nhân
Từ lâu, Từ Dũ đã là cái tên nổi bật đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ bà mẹ trẻ em miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung. Không chỉ có đội ngũ bác sĩ ưu tú, chuyên môn cao khiến nhiều mẹ an tâm lựa chọn sinh con tại đây, khoa hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ cũng là địa điểm nổi tiếng.
Đây là một trong các khoa được thành lập sớm nhất của bệnh viện và hỗ trợ điều trị cho rất nhiều cặp đôi vợ chồng khó có con.
Hiện tại để đáp ứng nhu cầu cao của bệnh nhân cả nước, khoa hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ tạo điều kiện thuận lợi cho các đôi vợ chồng khi có 2 hình thức để lựa chọn: Khám theo bảo hiểm và Khám dịch vụ (Phòng VIP).
Địa chỉ: Tầng 3, Khu M, 227 Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM
Thời gian làm việc:
- Từ thứ 2 đến thứ 6: 7h00 đến 17h00
- Thứ 7: 7h00 đến 16h00
- Chủ nhật nghỉ.
Để không phải mất thời gian và được chủ động hơn, các đôi vợ chồng nên gọi đặt hẹn trước qua Tổng đài (028) 1081 hoặc 1900 7234.
Qui trình khám hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ
Bác sĩ sẽ hỏi thông tin và trả lời thắc mắc của vợ chồng
1. Nhận bệnh
Đầu tiên, khi bệnh nhân mới sẽ đến bàn nhận bệnh, điền thông tin cá nhân vào Phiếu đăng ký khám bệnh bao gồm:
- Họ tên, năm sinh cả 2 vợ chồng
- Địa chỉ
- Giấy Chứng minh nhân dân (CMND) và giấy Đăng ký kết hôn
- Thời gian đã vô sinh
- Tiền căn các lần mang thai trước đây (Para)
- Nguyên nhân đi khám
Sau khi nộp giấy đăng ký lại bàn nhận bệnh, bệnh nhân lấy số thứ tự, đóng tiền khám và chờ để được đưa vào phòng khám.
2. Khám và tư vấn
Tại phòng khám, bác sĩ sẽ hỏi và giải đáp các thắc mắc về vấn đều hiếm muộn của bệnh nhân cũng như tư vấn các bước tiếp theo, tùy trường hợp sẽ tiếp tục khám và làm các xét nghiệm cụ thể sau đó.
Nếu bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hiếm muộn và đủ điều kiện điều trị, hai vợ chồng sẽ được làm hồ sơ bệnh mới. Đồng thời khi này, bệnh nhân sẽ cung cấp thêm thông tin và được làm các xét nghiệm như Siêu âm, Xét nghiệm tinh dịch (tinh dịch đồ), khám phụ khoa cả 2, làm Pap’s, xét nghiệm máu 2 vợ chồng với các bệnh liên quan (HIV, HbsAg, BW, HbeAg, AST, ALT…).
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm Xét nghiệm nội tiết người vợ và chụp tử cung vòi trứng cản quan (HSG). Các bệnh nhân vô kinh, sảy thai nhiều lần cũng được khám và làm các xét nghiệm phù hợp bổ sung.
Thời gian trả kết quả linh hoạt
3. Xét nghiệm tinh dịch như thế nào?
Xét nghiệm tinh dịch hay làm tinh dịch đồ là bước quan trọng để xác định nguyên nhân hiếm muộn, tuy nhiên không phải ai cũng được làm. Điều kiện để được làm tinh dịch đồ chính xác là người chồng phải âm tính với HIV và kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày.
Các quý ông có thể lấy tinh dịch tại nhà hoặc bệnh viện. Tại bệnh viện, chuyên gia sẽ cung cấp lọ đựng tinh dịch và cho người chồng vào phòng kín lấy tinh dịch. Còn tại nhà thì phải mang đến bệnh viện khi tinh dịch còn âm, trong vòng 1 giờ kể từ khi lấy tinh.
Điều kiện để tinh trùng xét nghiệm được là lọ đựng, tay và dương vật sạch, không mang bao cao su, không lấy tinh dịch khi giao hợp.
4. Chụp tử cung vòi trứng cản quan (HSG) là gì?
Thông thường khi khám các vấn đề cơ bản và tinh trùng không có vấn đề quá lớn, người vợ sẽ được yêu cầu chụp HSG. Điều kiện để chụp là sau khi sạch kinh 2 ngày, thường là vào ngày thứ 7 của chu kỳ.
5. Xét nghiệm nội tiết
Phụ nữ lớn tuổi thường được yêu cầu xét nghiệm nội tiết khi khám hiếm muộn
Phụ nữ trên 34 hoặc 35 tuổi bị hiếm muộn thường được yêu cầu khám nội tiết. Các xét nghiệm nội tiết tuỳ vào chu kỳ kinh nguyệt có đều hay không mà có các loại xét nghiệm khác nhau.
6. Khám tiền mê, hội chẩn mổ nội soi
Khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và chụp HSG cho ra kết quả tắc vòi trứng, tùy vào độ tuổi và tiền căn, bác sĩ sẽ tư vấn mổ nội soi cho người vợ.
Khi 2 vợ chồng quyết định mổ nội soi thì bệnh nhân sẽ tái khám và đăng ký mổ vào các buổi sáng từ thứ 2 – thứ 6. Vào sáng ngày mổ, bệnh nhân được khám tiền mê rồi được hội chẩn và hướng dẫn nhận lịch mổ chiều cùng ngày.
Lưu ý khi khám hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ
Để việc khám bệnh được nhanh chóng và tiện lợi hơn, tránh mất thời gian bổ sung hồ sơ hoặc phải đi đến nhiều lần, các cặp đôi vợ chồng khi đến khám hiếm muốn tại Từ Dũ cần lưu ý:
- Đi khám cả 2 vợ chồng để được xét nghiệm và chẩn đoán cả 2, tìm ra nguyên nhân chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp
- Theo quy định của bệnh viện, để điều trị hiếm muộn thì cặp đôi bắt buộc phải có giấy Đăng ký kết hôn. Vì thế vợ chồng nên sẵn sàng mang theo Giấy Đăng ký kết hôn và Giấy Chứng minh nhân dân (CMND) của cả 2 người khi đến khám
- Thông tin ghi trên phiếu đăng ký khám chữa bệnh cũng cực kỳ quan trọng. Vì thế khi điền thông tin cá nhân vào phiếu đăng ký khám, vợ chồng cần chú ý ghi chính xác thông tin (họ, tên, năm sinh) đúng như được ghi trong giấy Đăng ký hết hôn và CMND
- Người chồng chỉ nộp Giấy thử tinh dịch đồ sau khi có kết quả xét nghiệm máu
- Vợ nên chờ kết quả thử tinh dịch đồ của chồng để được tư vấn cùng lúc 2 vợ chồng
- Tất cả kết quả xét nghiệm không nộp vào phòng khám mà chỉ nộp tại quầy nhận bệnh.
Hiếm muộn là vấn đề khá phổ biến và quan trọng. 2 vợ chồng nên khám hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ để ghi nhận thông tin chính xác từ bác sĩ. Cả hai không tự ý tra cứu thông tin và tự chữa trị hoặc đổ lỗi, cãi vả dẫn đến bệnh tâm lý, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!