Các con có hoà thuận, yêu thương lẫn nhau không một phần là do cách dạy dỗ của cha mẹ. Hãy cùng tham khảo cách dạy con hoà thuận với anh chị em nhé!
Dạy con hoà thuận với anh chị em như thế nào?
Lấy ví dụ từ các nhân vật trẻ yêu thích
Một số nhân vật trong bộ phim hay cuốn sách mà con bạn yêu thích thường xảy ra xung đột, đặc biệt với chính anh chị em mình. Vì thế, nếu con đánh nhau, cha mẹ nên nhắc chúng nhớ cách Lọ Lem tha thứ các chị hay Harry Potter cuối cùng làm hòa với anh họ Dudley. Đương nhiên, những ví dụ này cần hướng tới câu chuyện về cách giải quyết xung đột, lòng vị tha và tầm quan trọng của gia đình.
Làm gương tốt
Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống dạy con hoà thuận bằng cách chơi chung với con làm tăng sự hợp tác.
Không phớt lờ
Trẻ em không biết cách xử lý các xung đột, đặc biệt là anh chị em đang trong độ tuổi trưởng thành. Ngay cả người lớn cũng phải học cách để kiểm soát mâu thuẫn với mọi người xung quanh. Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn các con phát triển kỹ năng giải quyết xung đột.
Khi các con cãi nhau, bạn hãy khuyến khích chúng tách nhau ra, chuyển ra hai vị trí cách xa nhau để hạn chế những hành vi hoặc quyết định bốc đồng. Tiếp đó, hướng dẫn các con lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ về những điều chúng muốn và chia sẻ với anh chị em. Hãy luyện tập cách giải quyết này thường xuyên, như việc học môn thể thao.
Giải thích
Đôi khi một đứa trẻ sẽ nhận được sự chú ý của cha mẹ hơn anh chị em. Cũng có trẻ cần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn trong khi bé khác được nuôi dạy mềm mỏng. Việc đối xử, nuôi dạy con cái không bao giờ giống nhau vì mỗi đứa trẻ một tính cách khác biệt. Nhưng trẻ nhỏ không nhận ra điều này mà thường so sánh, ghen tị với nhau.
Các xung đột phần lớn cũng xuất phát từ sự so sánh này nên cha mẹ rất cần quan tâm đến thái độ, cảm xúc của các con. Khi đối xử với các con khác nhau, bạn nên giải thích lý do. Chẳng hạn, con út bị ốm nên cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm hơn con lớn. Bạn hãy nói với con lớn rằng: “Vì em đang ốm nên bố mẹ phải để ý em nhiều hơn. Chúng ta đều mong em sớm khỏe lại nên con hãy cùng bố mẹ chăm sóc em nhé”.
Nếu đã giải thích lý do nhưng trẻ vẫn khăng khăng là cha mẹ đang thiên vị, bạn cần đánh giá lại thái độ và hành vi của mình.
Khuyến khích làm việc cùng nhau
Trẻ em sẽ thân thiết, gắn bó hơn nếu được tham gia các hoạt động cùng nhau. Ngày nay, trẻ bị cuốn vào việc học, hoạt động ngoại khóa, thiết bị công nghệ nên anh chị em trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau, từ đó hạn chế khả năng thấu hiểu, chia sẻ giữa các thành viên.
Bạn nên khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian chơi đùa cùng nhau hoặc cùng tham gia một số hoạt động ngoại khóa. Cuối tuần, cả nhà có thể cùng đi chơi, đi dã ngoại hoặc xem phim tại gia để gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên.
Cho trẻ viết thư
Sau mỗi “cuộc chiến”, phụ huynh nên cho con ngồi lại, viết ra cảm xúc của mình. Điều này giúp trẻ nói ra cảm nhận, đồng thời giúp vấn đề trở nên đơn giản. Trẻ sẽ sớm nhận ra mình đánh nhau với anh em ruột thịt vì chuyện không đáng. Ngoài ra, với những trẻ không thích viết lách, đây coi như hình phạt, khiến chúng ngại gây gổ.
Ghi nhận những lúc trẻ ngoan
Đừng chỉ nhớ đến những thời điểm trẻ hành xử tồi tệ. Thay vào đó, cha mẹ nên có lời khen, hoặc thưởng khi các con hòa thuận. Việc khích lệ điều tích cực cũng quan trọng như ngăn chặn chuyện tiêu cực.
Tạo cho con thói quen suy ngẫm
Với những cuộc xung đột giữa các con, thay vì phán xét, xử lý, người lớn có thể yêu cầu trẻ suy ngẫm mọi chuyện, để chúng tự đánh giá mâu thuẫn đó ở mức nhỏ, trung bình hay lớn. Suy nghĩ cẩn thận, tự trẻ sẽ nhận ra chúng đang nghiêm trọng hóa vấn đề và tìm ra cách sắp xếp lại.
Video về cô bé cố gắng đánh thức anh trai mình
Em gái cố gắng đánh thức anh trai mình dậy… kết quả sẽ làm tan chảy trái tim của bạn!
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!