Thực trạng đáng lo ngại
Theo nội dung quy định tại Nghị Định 56/2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, các tư liệu cá nhân, thông tin đời tư, hình ảnh của trẻ em từ 7 tuổi trở nếu muốn đưa lên mạng Internet thì phải được cha mẹ và trẻ cho phép. Đây là một quyết định nhằm bảo vệ trẻ em sau rất nhiều vụ án có liên quan đến bạo hành, xâm phạm trẻ em. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về nghị định này – một số người đồng tình với điều luật mang tính bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của trẻ em, một số người khác thì cho đây là một quyết định tréo ngoeo tước đi quyền tự do ngôn luận của gia đình. Tuy vậy, chúng ta nên quan tâm đến câu hỏi chính của vấn đề: cuối cùng, có nên hay không việc đăng thông tin cá nhân của con lên mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội?
Câu trả lời là: không nên hoặc hạn chế.
Ai cũng biết rằng việc chia sẻ những tấm ảnh của bé con nhà bạn lên trang mạng xã hội là một niềm vui nho nhỏ của tất cả các ông bố bà mẹ. Những phút giây ngộ nghĩnh, dễ thương của con đem lại tiếng cười cho bạn, và bạn không thể chờ đợi để chia sẻ cho mọi người, bạn bè trên Facebook cùng xem. Hơn nữa, ai mà chẳng muốn nhìn thấy lũ trẻ đang lớn phổng phao từng ngày? Đặc biệt với những gia đình trẻ sống xa bố mẹ, trang mạng Facebook trở nên một nơi giúp cả gia đình lớn cùng cập nhật tin tức của bé.
Tuy vậy, trước khi bạn coi Facebook là nhật ký cho riêng con của bạn, thì hãy dừng lại và suy nghĩ. Đây có thể là một hành vi lợi bất cập hại khiến bé gặp nguy hiểm trên cộng đồng online. Với việc quản trị mạng lỏng lẻo, các chế độ bảo mật chưa được dùng đúng cách, các trang mạng xã hội trở thành miếng mồi ngon cho những tên tội phạm ấu dâm. biến thái tải và lưu trữ hình ảnh trẻ em nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân đồi bại.
Nhiều bằng chứng trước đây đã cho thấy các vụ án liên quan đến ấu dâm đều có liên quan đến những nghi phạm có tàng trữ video khiêu dâm, hoặc hình ảnh khoả thân của trẻ em ở mọi độ tuổi. Giống như trong vụ án của bé Nhật Linh ở Abiko, Chiba, Nhật Bản gây chấn động dư luận trong thời gian gần đây, cảnh sát đã tìm thấy nhiều video, hình ảnh trẻ em khoả thân trong nhà nghi phạm Yasumasa Shibuya. Hoặc như ở nước Anh, thủ phạm ấu dâm David Carey cũng đã tàng trữ hơn 9000 hình ảnh khiên dâm, khoả thân của trẻ em tìm được ở trên mạng. Đây là những con số đáng lo ngại – đặc biệt lo ngại khi những hình ảnh có thể dễ dàng được tải về từ trên mạng và thậm chí từ những gia đình nạn nhân không có bất kì quan hệ gì với đối tượng.
Biện pháp an toàn – Phòng còn hơn chống!
Vậy để bảo vệ con trong tình trạng tội phạm tăng cao, các bậc cha mẹ chúng ta cần phải lưu ý những điều gì? Hãy cùng TheAsianparent tham khảo những biện pháp sau:
- Không post hình con khoả thân hoặc ảnh con đang trong những tình huống “xí hổ”
Không nên post hình con khoả thân hoặc lộ những vùng nhạy cảm lên trên mạng. Nếu trẻ lớn hơn 7 tuổi, càng không nên làm điều này. Việc “lộ hàng” sẽ khiến những bức ảnh trở thành một mục tiêu khả thi cho những đối tượng xấu. Với an ninh mạng chưa hoàn thiện, chẳng ai có thể bảo đảm được rằng những bức ảnh nhạy cảm này không bị tải xuống một cách dễ dàng. Hãy tưởng tượng hình của con trong tay kẻ xấu.
Hơn nữa, việc đăng những bức ảnh có vùng nhạy cảm của con lên mạng cũng khiến bé hiểu sai lệch về giá trị bản thân của mình. Bé sẽ nhầm tưởng rằng việc để lộ những phần cơ thể này là bình thường, và vì vậy sẽ không báo cáo hoặc phản ánh khi bị đụng chạm ở đời thực. Điều này càng làm con dễ trở thành mục tiêu cho kẻ xấu. Vì vậy, nếu bạn có đăng ảnh con, hãy đăng những ảnh bé được quấn khăn hoặc mặc quần áo đầy đủ. Nếu có đăng ảnh nghệ thuật của bé sơ sinh, hãy đảm bảo những phần nhạy cảm không bị lộ và phần bụng – ngực được che chắn.
- Không post quá nhiều ảnh hoặc quá nhiều tư liệu
Hãy tưởng tượng việc toàn bộ đời tư của bạn bị tung lên mạng – tên tuổi, tiền lương, tật xấu, những lúc bạn say khướt đập phá nói chuyện lảm nhảm. Chẳng ai muốn điều này, vậy tại sao lại làm điều đó với con? Chẳng đứa bé nào muốn lớn lên với tất cả tư liệu từ bé đến lớn của mình ở trên mạng – hãy thử nghĩ con bạn sẽ xấu hổ thế nào nếu bé ở độ tuổi teen và bị bạn bè cùng lứa phát hiện ra những bức ảnh tè dầm, nói năng lung tung ở trên mạng? Sẽ rất xấu hổ cho bé, đặc biệt là khi bé bắt đầu có nhận thức và biết xấu hổ khi hình ảnh cá nhân bị bôi bác.
Ngoài ra, cũng cẩn thận đừng cập nhập quá nhiều sinh hoạt của con lên mạng. Những đối tượng xấu cũng có thể dựa vào đó để theo dõi lịch trình của con và bám theo con nếu bạn không cẩn thận. Cố gắng đừng để lộ số nhà, tên và địa chỉ trường học và tuổi tác, giấy khai sinh, v..v – đây là những thông tin mật mà bạn không nên để lọt vào tay kẻ xấu.
Hãy xem trang tiếp theo để biết những điều bạn cần lưu ý khi post ảnh con lên Facebook…
- Cài đặt chế độ bảo mật
Hãy đọc kĩ hướng dẫn bảo mật của các trang mạng và đảm bảo bạn biết điều chỉnh việc ai có thể xem được hình của bé. Như ở trong Facebook, hãy chắc chắn rằng chỉ có bạn bè và gia đình mới xem được ảnh và video của bé. Ngoài ra, báo cáo lập tức với nhà quản lý mạng qua chức năng “Report” trên Facebook, hoặc báo cáo với bố mẹ của trẻ, nếu bạn thấy bất kì hình ảnh nào của trẻ em bị sử dụng với mục đích xấu hoặc chưa được sự cho phép của bố mẹ. Hãy bảo vệ con người khác như cách bạn bảo vệ con bạn.
Trong trường hợp gia đình ở xa và bạn muốn chia sẻ ảnh với thân nhân của mình, hãy sử dụng chức năng nhóm chat trong các ứng dụng như Viber, Whatsapp,.. để những bức ảnh, video chỉ được trao đổi trong nội bộ. Chức năng nhóm chat vừa cho bạn chia sẻ ảnh, những cũng đảm bảo chỉ có một nhóm người nhất định theo dõi được điều này – điều này có thể giúp loại bỏ những kẻ lạ mặt muốn sử dụng tư liệu của con bạn.
- Suy nghĩ kĩ và tôn trọng con
Điều cốt lõi ở đây vẫn luôn là suy nghĩ kĩ trước khi hành động và luôn tôn trọng con. Mỗi đứa trẻ giống như một mầm non, và các con sẽ lớn lên để trở thành những cá nhân có suy nghĩ và tình cảm riêng tư. Chỉ vì chúng ta là cha mẹ, không có nghĩa chúng ta có quyền quyết định toàn bộ cuộc sống của trẻ! Hãy lắng nghe nếu trẻ không thấy thoải mái khi chụp một bức hình/ quay một video nào đó, và tuyệt đối không đăng tải tư liệu đó nếu trẻ cảm thấy xấu hổ, khó chịu với sự xuất hiện của bản thân trong video/ảnh.
Hãy cho con tiếng nói và dạy con biết tôn trọng bản thân mình cũng như bảo vệ chính mình trước kẻ xấu.
Hãy đón xem TheAsianparent để biết thêm những câu chuyện thú vị, những câu hỏi và câu trả lời từ các cha mẹ và chuyên gia của chúng tôi. Nếu bạn có bất kỳ thông tin chi tiết, câu hỏi hoặc ý kiến liên quan đến chủ đề, vui lòng chia sẻ chúng trong phần bình luận của chúng tôi bên dưới.
Tham gia khảo sát – rinh ngay VOUCHER SHOPPING 500K trên TIKI!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!