Dư ối tuần 36 có thể khiến mẹ gặp phải nguy cơ như vỡ ối sớm, sinh non. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và thăm khám thai sẽ giúp đảm bảo an toàn cho mẹ bầu đang bị dư ối cuối thai kỳ.
Mức ối an toàn của mẹ bầu ở tuần 36 là bao nhiêu?
Thể tích nước ối tăng dần cho đến đầu của 3 tháng cuối thai kỳ và từ đó hằng định cho đến khi thai đủ tháng. Trong giai đoạn tuần thứ 37 đến tuần thứ 41, thể tích nước ối giảm đi 10%. Từ tuần thứ 42 trở đi, thể tích nước ối giảm đi rất nhanh, khoảng 33% trong một tuần.
Đến khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ, nước ối sẽ lên 800ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ đạt mức cao nhất 1000ml. Sau đó, nó sẽ giảm dần còn khoảng 600 – 800ml vào khoảng thời gian trước khi sinh.
Bà bầu tuần thứ 36 sẽ coi là bị dư nước ối khi lượng nước ối vượt quá trên 2000ml.
Dư ối tuần 36 có nguy hiểm không?
Dư ối xuất hiện vào cuối thai kỳ được xem là một trong các biến chứng khá nguy hiểm và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Cụ thể, nếu mẹ bầu bị dư ối tuần 36 thì mẹ có thể phải đối mặt với một hoặc nhiều các vấn đề sau:
- Vỡ ối sớm. Lượng chất lỏng trong tử cung quá cao mẹ sẽ bị nguy cơ vỡ màng ối sớm
- Sinh ngôi mông hoặc các tình huống không thuận lợi khác cho mẹ
- Bong nhau thai
- Sa dây rốn
- Tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế, và có các vấn đề với phát triển khung xương
- Để an toàn mẹ cần sinh mổ và vì vậy có thêm rủi ro so với sinh thường, có thể gặp nhiễm trùng hậu sản.
- Dư ối có thể dẫn đến sinh non. Em bé sinh non nên các chức năng bộ phận chưa được hoàn thiện, có thể mẹ sẽ được cho thuốc steroid để giúp phổi của em bé trưởng thành nhanh hơn.
- Khả năng bị chảy máu hay băng huyết sau sinh ở những bà mẹ bị đa ối thường cao hơn. Điều này là do tử cung bị chèn ép do lượng ối lớn và không thể co lại hoàn toàn như thông thường.
- Dư thừa nước ối nguy hiểm nhất đối với thai là có thể dẫn đến thai chết lưu, đây là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Mẹ bầu bị dư ối có sinh thường được không?
Các bác sĩ sản khoa cho rằng, việc sinh nở khi bị dư ối vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cần phải đề phòng trường hợp vỡ ối sớm và sinh sớm hơn so với ngày dự kiến sinh.
Ngoài ra nếu thai phụ bị dư ối nghiêm trọng thì có thể sẽ được kích thích sinh sớm hơn so với dự kiến và chỉ định sinh mổ khi thai nhi có tư thế phức tạp (nằm ngang, nằm ngược…) hay song thai, đa thai.
Mẹ bầu dư ối tuần 36 nên làm gì?
Trên thực tế, mặc dù tình trạng dư ối ở mức độ nhẹ thường không gây ra ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu chủ quan và không đi khám kịp thời để có biện pháp điều trị dư ối khi mang thai thì có thể khiến tình trạng nặng hơn và gây ra một số biến chứng như vỡ ối sớm, sinh non, ngôi thai đảo lộn bất thường, gây ra tình trạng đờ tử cung ở mẹ, thai nhi nhẹ cân, mẹ bị băng huyết sau sinh, …
Chính vì vậy ngay khi có kết luận là bị dư ối, mẹ bầu nên:
- Trong chế độ ăn hàng ngày, nên đảm bảo số lượng protein và chất đạm. Các loại hải sản và thịt động vật cần được ưu tiên.
- Ăn nhiều rau xanh nhưng hạn chế các loại rau chứa nhiều nước. Đặc biệt, không nên chế biến chúng dưới dạng canh/soup.
- Hạn chế ăn trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu… Thay thế bằng những hoa quả khác nhiều chất xơ và vitamin như táo, lê, chuối, đu đủ,…
- Nên uống đủ nước khoảng từ 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày
- Tuyệt đối không được ăn mặn vì muối có khả năng giữ nước trong cơ thể.
Tùy vào tình trạng dư ối nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho mẹ bầu. Do đó, mẹ cần đi khám theo đúng định kỳ và tư vấn với bác sĩ ngay khi thấy mình có các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!