Nếu không phải thực hiện mổ cấp cứu, những mẹ sinh mổ chủ động thường có chung băn khoăn liệu đẻ mổ có nên đợi chuyển dạ không. Có thể các mẹ có suy nghĩ tới cơ hội sinh thường hoặc cũng mong muốn con chào đời khi đã thực sự sẵn sàng. Vậy câu trả lời của các chuyên gia sinh sản về vấn đề này là như thế nào? Trường hợp nào cần mổ luôn và trường hợp nào sẽ đẻ mổ theo lịch của bác sĩ?
Hiểu đúng về phương pháp sinh mổ
Khác với sinh thường, với phương pháp sinh mổ, em bé sẽ chào đời không qua đường âm đạo của mẹ mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung thông qua 1 cuộc phẫu thuật. Sinh mổ thường được thực hiện sau khi gây tê màng cứng hoặc gây tê tủy sống nên mẹ vẫn có thể nhận biết được sự ra đời của bé nhưng không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Trong 1 số trường hợp nhất định, sản phụ có thể cần được chỉ định gây mê toàn thân.
Mặc dù đẻ mổ được xem là phương pháp sinh khá an toàn với tỷ lệ tử vong thấp, tuy nhiên vì nhiều lý do (thời gian hồi phục sau sinh, rủi ro trong phẫu thuật) các bác sĩ vẫn khuyến cáo thai phụ không nên chọn sinh mổ nếu không thực sự chính đáng. Với mẹ mang thai có xuất hiện biến chứng nguy hiểm thì sinh mổ là lựa chọn an toàn nhất. Trong trường hợp có tình huống bất ngờ khi chuyển dạ, bác sĩ bắt buộc chỉ định mổ cấp cứu cho thai phụ.
Đẻ mổ có nên đợi chuyển dạ không?
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý để sinh mổ nhưng nhiều mẹ vẫn thắc mắc không biết đẻ mổ có nên đợi chuyển dạ không. Trên thực tế, đây là câu hỏi không có đáp án chung cho tất cả các mẹ bầu vì quá trình mang thai của mỗi mẹ là hoàn toàn khác nhau. Việc có nên đợi chuyển dạ hay không phụ thuộc vào chỉ định từ cơ sở y tế mà các mẹ đã đăng ký sinh và theo dõi thai kỳ, đồng thời còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Sinh mổ chủ động chờ chuyển dạ
Mặc dù sinh mổ chủ động có thể được chọn ngày và sắp xếp theo lịch nhưng theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới WHO, nếu không vì lý do y khoa thì không nên mổ lấy thai trước 39 tuần. Trong 1 số trường hợp, thai phụ được chỉ định đẻ mổ nhưng tình trạng không thực sự quá đe dọa sức khỏe của mẹ và sự an toàn của thai nhi thì hãy đợi đến khi có các dấu hiệu chuyển dạ mới nên tiến hành can thiệp.
- Người mẹ từng sinh mổ trên 2 lần hoặc mẹ có tiền sử phẫu thuật u xơ tử cung, mổ tạo hình tử cung
- Thai phụ có cấu tạo sinh dục bất thường, dị dạng như tử cung đôi, tử cung 2 sừng, âm đạo bị chít hẹp bẩm sinh hay thứ phát do nạo phá thai nhiều lần
- Nếu như mẹ có vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, bệnh phổi hoặc 1 số bệnh lý không thể sinh thường được như herpes sinh dục, sùi mào gà, viêm gan sẽ được chỉ định đẻ mổ nhưng có thể chờ đến khi chuyển dạ
- 1 số mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề trước đó như sảy thai, thai lưu nhiều lần
- Thai nhi nằm ở vị trí ngôi ngược hoặc mẹ mang đa thai
- Trọng lượng thai nhi quá to, tiên lượng trên 4 kg đối với mẹ sinh con rạ và trên 3,5kg đối với mẹ sinh con so tùy cơ địa.
Đẻ mổ theo lịch sinh
Bên cạnh những trường hợp sinh mổ chủ động chờ chuyển dạ, nếu mẹ bầu xuất hiện các biến chứng thai kỳ nguy hiểm, tùy từng vấn đề các bác sĩ sẽ xem xét khả năng có kéo dài thêm tuần thai được hay không và chọn thời điểm mổ lấy thai thích hợp nhất trước khi có dấu hiệu chuyển dạ để ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sinh mổ.
- Khung chậu người mẹ bất thường như hẹp, méo, đường mổ của lần sinh trước là mổ dọc
- Thai làm tổ trên vết mổ cũ. Khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá ngắn, dưới 16 tháng không nên để thai quá to có thể gây vỡ tử cung
- Người mẹ được chẩn đoán nhau tiền đạo hoặc nhau xơ hóa nặng độ 3 – 4, hết nước ối, chỉ số ối dưới 30
- Sức khỏe người mẹ không đảm bảo. Thai phụ có bệnh lý nền như bệnh tim, bệnh cao huyết án, tiền sản giật hoặc có tiền sử bị sản giật trong lần sinh trước đó
- Thai có dây rốn quấn cổ nhiều vòng hoặc bị sa dây rốn
- Suy thai mãn tính trong tử cung, thai không hấp thụ được chất dinh dưỡng cần thiết và không tăng trưởng qua các tuần thai.
Sinh mổ khẩn cấp
Đối với những mẹ đang mang thai khỏe mạnh mà trong quá trình chuyển dạ sinh thường bất ngờ bị rơi vào những trường hợp sau thì cần chuyển ngay sang đẻ mổ nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé.
- Những dấu hiệu chuyển dạ đột ngột biến mất. Sức khỏe của sản phụ suy giảm như kiệt sức, huyết áp tăng vọt, có dấu hiệu tiền sản giật
- Tiến hành mổ đẻ khẩn cấp vì nhau bong non. Trường hợp này nhau thai bám đúng vị trí nhưng bị bong tróc sớm hơn thời gian dự sinh, cắt đứt trao đổi tuần hoàn giữa mẹ và bé, khiến mẹ mất máu nghiêm trọng, bị rối loạn đông máu, có thể gây tử vong cho thai nhi và đe dọa tính mạng sản phụ
- Trong quá trình chuyển dạ, em bé di chuyển vào một vị trí mà nếu sinh qua ngả âm đạo sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho mẹ và bé
- Thời gian chuyển dạ kéo dài mà không có dấu hiệu tiến triển tốt
- Khi biện pháp giục sinh không có kết quả.
Tạm kết
Trong những tuần cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ khám kỹ cho mẹ để kiểm tra độ dày mỏng của thành tử cung, tình trạng vết mổ cũ nếu có, sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của mẹ…từ đó cân nhắc và trao đổi với thai phụ để chọn thời điểm sinh an toàn, đảm bảo mẹ tròn con vuông và hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Thay vì lo lắng đẻ mổ có nên đợi chuyển dạ không, lời khuyên dành cho các mẹ bầu trước ngày vượt cạn là hãy giữ gìn sức khỏe và chuẩn bị thật tốt tâm lý để sẵn sàng chào đón con yêu.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!