Thai 40 tuần chưa chuyển dạ là hiện tượng mẹ bầu cần chú ý. Tốt hơn hết mẹ nên đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và kích thích giục sinh nếu cần.
- Sự phát triển của thai nhi 40 tuần
- Thay đổi cơ thể mẹ khi thai 40 tuần tuổi
- Tại sao mang thai 40 tuần không có dấu hiệu sinh?
- Tình trạng này có nguy hiểm không?
- Thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sinh thì cần làm gì?
- Mang thai 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh có nên mổ?
Sự phát triển của thai nhi 40 tuần
Thai 40 tuần thường có cân nặng khoảng 3,3-3,6kg (bằng khoảng một quả dưa hấu) và dài 51-52cm. Bé đã lớn và không thể ở mãi trong bụng mẹ được. Vì sự an toàn của bé, bác sĩ có thể đề cập với mẹ về việc “giục sinh” nếu bé vẫn chưa muốn ra đời trong tuần tới.
Lượng nước ối trong tuần này giảm xuống còn khoảng 540 – 600ml cho đến ngày sinh.
Thay đổi cơ thể mẹ khi thai 40 tuần tuổi
Tuần này, bạn có thể sẽ bị sưng phù. Mắt cá chân và bàn chân sưng húp lên, đi bộ hay đứng lâu một chút cũng thật khó khăn.
Bạn cũng có thể bị khó chịu ở khu vực âm hộ vì bị sưng. Vùng khoang chậu thì có cảm giác nặng nề và tắc nghẽn. Em bé có vẻ như đã xuống rất thấp và bạn có cảm nhận rõ rệt về một khối rắn hơn 4kg (gồm em bé, nhau thai và nước ối) trì nặng ở bên dưới.
Bạn có thể phải đi tiêu thường xuyên hơn, do áp lực của thai nhi 40 tuần đè lên ruột dưới và trực tràng. Mẹ cũng có nhu cầu đi tiểu thường hơn.
Lúc này âm đạo có thể tiết ra dịch nhầy có lẫn chút máu. Đó là do máu đang căng đầy ở cổ tử cung của bạn, và một ít rò rỉ ra bên ngoài.
Tại sao mang thai 40 tuần không có dấu hiệu sinh?
Theo thống kê, phụ nữ mang thai sinh đúng ngày dự sinh chỉ có khoảng 3 đến 5%, còn lại hầu hết các trường hợp bé đều ra sớm hay muộn hơn ngày dự sinh trong vòng 2 tuần. Vì thế các mẹ bầu không cần lo lắng vì đã hơn 40 tuần mà bé chưa chịu ra.
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai 40 tuần không có dấu hiệu sinh. Trong đó, hầu hết đến từ việc mẹ bầu cung cấp sai thông tin ngày bắt đầu chu kỳ kinh cuối nên bác sĩ dự đoán sai ngày dự sinh.
Nguyên nhân khác cũng có thể do mẹ đi khám thai quá muộn. Cụ thể, do mẹ bầu khám thai lần đầu khi đã qua giai đoạn 3 tháng đầu thì bác sĩ sẽ rất khó xác định chính xác ngày dự sinh.
Ngoài ra, mỗi thai nhi sẽ có một mức độ phát triển khác nhau nên việc chào đời của bé cũng không thể giống nhau hoàn toàn.
Tình trạng này có nguy hiểm không?
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, việc thai nhi 40 tuần chưa chuyển dạ hoặc chuyển dạ sớm hơn là hiện tượng bình thường.
Nếu tình trạng chậm chuyển dạ diễn ra quá lâu (quá 41 tuần) thì sẽ đe dọa đến trẻ, gây ra những tác động lên nhịp tim thai nhi, làm tăng nguy cơ trẻ bị tổn thương thần kinh. Trẻ sinh quá ngày còn có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng… Thai quá ngày nếu không được xử trí kịp thời có thể bị suy thai, chết lưu, tử vong trong quá trình chuyển dạ.
Thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sinh thì cần làm gì?
Nếu thai 40 tuần cổ tử cung chưa mở, chưa có dấu hiệu sinh, mẹ bầu nên tham khảo một số cách kích đẻ tự nhiên sau:
- Ăn cay theo sức chịu đựng của bản thân.
- Ăn nhiều dứa: Dứa có nhiều enzyme bromelain giúp kích thích và làm mềm tử cung
- Quan hệ: Trong tinh trùng có một số chất giúp làm mềm tử cung và oxytocin có tác dụng làm tăng các cơn co thắt. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên quan hệ khi đã vỡ ối vì có thể gây nhiễm trùng ối.
- Kích thích vùng ngực: Khi bạn dùng bàn tay xoa tròn lên núm vú và quầng vú (khoảng 3 lần 1 ngày, mỗi lần khoảng 1 giờ) sẽ giúp sản sinh oxytocin.
- Đi bộ: thai 40 tuần bụng vẫn cao thì khi đi bộ, lực hấp dẫn sẽ giúp đẩy em bé xuống gần tử cung.
Mang thai 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh có nên mổ?
Thai ở tuần thứ 40 có thể nói là thời điểm thích hợp để đứa trẻ được ra đời. Quá 40 tuần nhau thai sẽ dần già hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và bé. Tốt nhất, mẹ bầu nên ở lại bệnh viện để được theo dõi kỹ càng.
Khi đó, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để kiểm tra. Nếu em bé khỏe mạnh và lượng nước ối bình thường hay không để quyết định chờ chuyển dạ hay cần kích thích cho sản phụ sinh.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường nào của mẹ hoặc của thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai để giữ an toàn cho cả mẹ và bé.
Như vậy, khi thai 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh, các mẹ cần đến bệnh viện để được thăm khám và theo dõi tình hình sức khỏe thai nhi để có cách xử lý kịp thời.
Nguồn tham khảo: Theo dõi thai 40 tuần chưa có dấu hiệu sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!