Dạy trẻ tập nói và con biết nói là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển những năm đầu đời của bé. Bố mẹ thường lo lắng vô cùng với vấn đề ngôn ngữ của con, cũng như lúc dạy bé tập đi. Đừng gấp gáp, những thắc mắc về việc dạy nói sẽ được giải đáp toàn bộ ngay dưới đây.
Khi nào bé bắt đầu tập nói?
Trẻ em thường sẽ bắt đầu phát triển khả năng ngôn ngữ trong giai đoạn 1 -2 năm đầu tiên. Bắt đầu bằng việc tiếp thu và học hỏi tho lời nói của những người xung quanh, bé sẽ tạo nên một hệ thống ngôn ngữ của mình và phát triển các lời nói, phát âm, câu chữ theo từng giai đoạn.
Trẻ sơ sinh thường phát ra âm thanh như cách giao tiếp của bé
Bé sơ sinh thường phát ra những dấu hiệu đầu tiên là các âm thanh u ơ để đáp lại khi chúng ta trò chuyện với bé. Và nếu bé tiếp thu nhanh, khoảng 6 tháng tuổi đã có thể thốt lên những từ đơn giản baba, mama mà cả gia đình vô cùng mong đợi.
Đến 18 tháng, trẻ dần hoàn thiện hệ thống ngôn ngữ, từ lúc này bố mẹ đã có thể nghe được những âm đôi, câu ngắn 2-4 từ. Bé cũng bắt đầu dùng lời nói để thể hiện cảm xúc, mong muốn, yêu cầu.
Bé học nói bằng cách nào?
Việc phát triển ngôn ngữ của bé được hình thành song song sự tiếp thu của trí não theo từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn bé sẽ tiếp nhận âm thanh từ mẹ và những người xung quanh, ghi nhớ và chọn lọc từ ngữ, âm thanh. Nhiều chuyên gia tin rằng khi ở trong bụng mẹ bé đã bắt đầu cảm nhận được ngôn ngữ thông qua nhịp tim của cơ thể mẹ.
Trẻ học nói dựa trên việc giao tiếp với mọi người xung quanh
Khi vừa ra đời, tiếng khóc được xem là cách “trò chuyện” đầu tiên của bé với mọi người. Ở giai đoạn sơ sinh, bé cũng học được sự tương tác giữa âm thanh phát ra và thế giới xung quanh, như việc khóc sẽ được cho bú, ngọ nguậy được thay tã,…
Dần dần đến 6 tháng trở đi thì bé đã phản ứng khi được gọi tên, và phát ra được những từ đơn giản mà bố mẹ lặp đi lặp lại hàng ngày với bé như baba, yaya. Ở giai đoạn 1 tuổi là giai đoạn quan trọng, vì bé đã có thể hiểu được những âm thanh mình phát ra và hiểu lời của bố mẹ. Với các gia đình đa quốc tịch, sử dụng song ngữ thì bố mẹ nên đặc biệt chú ý giai đoạn này.
Từ 1 đến 2 tuổi, trẻ em sẽ tiếp thu rất nhanh các ngôn ngữ xung quanh và có thể nói được tận 50 từ, sử dụng ghép chúng thành câu. Nếu bé nhà bạn có chậm nói hoặc nói ít hơn một chút cũng đừng quá lo lắng, tuy nói ít nhưng bé hiểu được rất nhiều câu người lớn nói đấy.
Bố mẹ có giúp bé nói nhiều hơn được không?
Đọc sách là cách phát triển vốn từ vựng phong phú đa dạng
Không chỉ bố mẹ mà những người xung quanh hoàn toàn có thể hỗ trợ quá trình dạy trẻ tập nói và làm giàu hệ thống từ vựng của con. Thông qua một số hoạt động sau:
Trò chuyện với bé nhiều hơn
Bố mẹ không cần phải gấp rút nói không ngừng nghỉ để con học nói nhanh. Mà hãy dành thời gian để trò chuyện chậm rãi, từ tốn và tình cảm với con. Có thể đưa bé ra ngoài chơi, chỉ một số sự vật và trò chuyện, kể về sự vật đó. Hướng dẫn bé làm theo hành động và gọi tên hành động đó, hoặc dạy bé các bài hát thiếu nhi đơn giản, hát cùng con. Bố mẹ chú ý đây là giai đoạn bé gần như “sao y” ngôn ngữ của mọi người xung quanh nên hãy chú ý câu, từ ngữ sử dụng đơn giản, dễ hiểu và “đẹp”.
Đọc sách cho bé
Bé ở độ tuổi học nói và học đi vô cùng hiếu kỳ và mê mẩn những quyển sách có hình vẽ sặc sỡ. Bố mẹ nên chọn những quyển sách đơn giản, gần gũi cuộc sống xung quanh, những mẩu chuyện thú vị để đọc cùng con. Việc đọc sách giúp bé có hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng và bé còn học được cách ghép câu, giao tiếp.
Lắng nghe con
Có thể bé chỉ phát ra những âm thanh khó hiểu, đứt quãng, hãy tập trung lắng nghe. Cố gắng tìm ra ý nghĩa và phản ứng lại, bé sẽ nói nhiều hơn khi thấy bố mẹ có vẻ hiểu.
Giao tiếp vói con nhiều hơn để phát triển khả năng nói của bé
Vậy nếu bé mãi không chịu nói thì sao?
Tuỳ theo giai đoạn mà việc chậm nói của bé là bình thường hay cần sự can thiệp của chuyên gia y tế. Bố mẹ cần quan sát và chú ý để có biện phát thích hợp. Bé được xem là có vấn đề với khả năng nghe nói nếu từ 6 đến 12 tháng, bé không phát ra những âm thanh a, ya tròn chữ.
Từ 12 đến 18 tháng, nếu bé vẫn không chỉ tay, phản ứng câu hỏi và nói nhiều từ hơn thì bố mẹ cần được cảnh báo. Đến 2 tuổi mà bé không thể lặp lại những lời bố mẹ nói, không dùng hành động để trả lời, nói ít hơn 6 từ là thực sự có vấn đề.
Trẻ em 3 tuổi có thể nói nhanh, ngọng hay líu lưỡi, nói ngôn ngữ khó hiểu thì cũng không quá khác thường. Nhưng việc rối loạn ngôn ngữ kéo dài đến 4 tuổi thì gia đình nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị chuyên môn.
Khoảng 18 tháng đến 2 tuổi, bé đã biết chỉ trỏ để thể hiện lời nói
Bé đã biết nói, giai đoạn tiếp theo cần làm gì?
Khoảng 4 tuổi là giai đoạn bé đã nói được tròn chữ và ghép câu dài để có thể kể chuyện. Và bé cũng học cực kỳ nhanh những lời nói ở trường mẫu giáo, ở môi trường xung quanh. Bao gồm cả những từ không hay ho lắm.
Vì thế, bố mẹ nên đặc biệt chú ý, đừng chủ quan khi bé đã nói được bình thường. Mà còn phải điều chỉnh cả từ ngữ bé sử dụng để con có hệ thống ngôn ngữ phong phú nhưng cũng phù hợp văn hoá nhất.
Theo babycenter.com
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!