Dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không? Trong trường hợp dây rốn quấn quanh cổ 2 vòng ở mức độ quấn lỏng, lưu lượng máu truyền qua dây rốn không bị ảnh hưởng, ngôi thai thuận, dây rốn vẫn đủ dài, tim thai ổn định và mẹ không có vấn đề gì về sức khỏe thì thai phụ hoàn toàn có thể sinh thường.
- Những điều mẹ cần biết về hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi
- Dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không?
Những điều mẹ cần biết về hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi
Tại sao bé lại bị dây rốn quấn cổ?
Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, hệ cơ xương của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện, thai nhi bắt đầu xoay chuyển, cử động nhiều hơn trong bụng mẹ. Vì vậy, sự thay đổi tư thế nằm và nhào lộn liên tục trong không gian tử cung của mẹ làm cho dây rốn quấn quanh người và cổ của bé. Thường có thể một đến hai vòng quấn cổ nhưng cũng không ít trường hợp có đến ba, bốn vòng quấn. Dây rốn càng dài càng làm gia tăng nguy cơ quấn quanh cổ, tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút.
Tại sao bé lại bị dây rốn quấn cổ? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Ngoài ra, hiện tượng này cũng liên quan đến cấu tạo tế bào gốc ở thành mạch rốn không đủ, cấu trúc của dây rốn yếu, lượng nước ối, kích thước của thai nhi, trường hợp đa thai hoặc sự hoạt động cường độ cao của mẹ khiến cho dây rốn quăng quật trong bào thai và vô tình quấn vào đầu bé từ một đến nhiều vòng.
Có tới 1/3 số trẻ sinh ra với một sợi dây quanh cổ, trong đó có khoảng 37% các bé bị dây rốn quấn 1 vòng và tỷ lệ trẻ bị dây rốn quấn cổ từ 2 vòng trở lên là từ 2.5% đến 8.3%. Đây được đánh giá là một trong các hiện tượng phổ biến nhất mà nhiều bà mẹ phải đối mặt trong suốt thai kỳ.
Mẹ có thể quan tâm:
Cách chữa dây rốn quấn cổ 1 vòng đơn giản và hiệu quả
Nhận biết dấu hiệu thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng
Theo thống kê, cứ 5 em bé thì có 1 bé bị dây rốn quấn cổ và tình trạng này sẽ xuất hiện nhiều nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có trường hợp bị quấn từ tháng thứ 5, thứ 6. Tuy nhiên không có bất cứ triệu chứng rõ ràng nào cho thấy bé bị tràng hoa quấn cổ mấy vòng. Mẹ bầu chỉ có thể biết được thai nhi có bị dây rốn quấn cổ/tay/chân hay không nhờ phương pháp siêu âm màu Doppler.
Không chỉ đánh giá được lưu lượng máu từ mẹ đến thai qua động mạch rốn và biết được thai nhi có bị dây rốn quấn quanh hay không, siêu âm còn cho phép bác sĩ biết được dây rốn quấn bao nhiêu vòng. Theo kinh nghiệm, nếu thấy phía sau cổ bé có vết đè hình chữ V là quấn 1 vòng, hình chữ W là bị quấn 2 vòng… Vì vậy, mẹ cần thực hiện siêu âm định kỳ để theo dõi và kiểm soát các vấn đề của thai nhi.
Nhận biết dấu hiệu thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng (Nguồn ảnh: istockphoto)
Ngoài phương pháp siêu âm, thai máy chính là dấu hiện có thể nhận biết bé bị dây rốn quấn cổ 2 vòng tương đối chính xác cho mẹ bầu theo dõi ở nhà. Trung bình thai thường máy trên 10 lần/ngày và cử động của thai đều đặn, ổn định. Nếu tần suất chuyển động của con tăng hoặc giảm đột biến so với ngày thường thì rất có khả năng bé đang khó chịu do dây rốn quấn nhiều vòng gây thiếu oxy, khó thở hoặc dây rốn xiết chặt khiến các cử động của thai nhi trong bụng mẹ trở nên hạn chế và ít đi.
Tràng hoa quấn cổ 2 vòng có thực sự nguy hiểm không?
Cùng với câu hỏi dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không, mẹ bầu cũng cảm thấy lo ngại tình trạng này có thể gây hại cho thai nhi, khiến cho em bé có thể gặp phải những sự cố như ngạt thở, thai lưu hoặc gặp những biến chứng về sau.
Theo các chuyên gia sinh sản, mức độ nguy hiểm khi dây rốn quấn cổ 2 vòng tùy thuộc vào mức độ quấn chặt của dây rốn trên cổ bé. Bác sĩ sẽ xác định được điều đó qua phương pháp đo lượng máu được truyền qua dây rốn, tim thai và chuyển động của bé trong bụng mẹ. Nếu lượng máu vẫn bình thường, nhịp tim thai ổn định tức là dây rốn quấn lỏng và không ảnh hưởng gì tới sự phát triển của thai nhi.
Ngược lại, khi dây rốn quấn chặt hoặc bị thắt nút làm cản trở quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai. Tình trạng này có thể dẫn đến việc suy dinh dưỡng bào thai, trẻ ra đời có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu thậm chí là suy thai và tử vong trong bụng mẹ.
Vì vậy, khi phát hiện ra tình trạng dây rốn quấn quanh cổ một hay nhiều vòng, mẹ nên hết sức bình tĩnh, theo dõi thai định kỳ và tham vấn ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Mẹ có thể quan tâm:
3 mối nguy về dây rốn các mẹ cần để ý trong thời kì chuyển dạ và sinh nở
Dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không
Sự thật là không có cách nào để gỡ dây rốn nếu nguyên nhân của tình trạng tràng hoa quấn cổ xuất phát từ phía thai nhi trừ khi bé tự cởi được vòng quấn trong quá trình xoay chuyển, nhào lộn. Vì vậy, khi siêu âm và được thông báo về tình trạng này những mẹ bầu có dự định sinh thường sẽ dành cho các bác sĩ câu hỏi dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không. Kinh nghiệm từ các bác sĩ sản khoa cho biết không có một câu trả lời chính xác cho tất cả các trường hợp về khả năng sinh thường khi bé có 2 vòng dây rốn quanh cổ. Mẹ cần khám thai trước khi sinh để được chỉ định phương pháp sinh thích hợp.
Trường hợp thai nhi có dây rốn quấn cổ 2 vòng mà thai phụ vẫn sinh thường được
Trong những trường hợp dây rốn quấn quanh cổ 2 vòng nhưng mức độ quấn lỏng, lưu lượng máu truyền qua dây rốn không bị ảnh hưởng, ngôi thai thuận, dây rốn vẫn đủ dài, tim thai ổn định và mẹ không có vấn đề gì về sức khỏe thì thai phụ hoàn toàn có thể sinh thường. Mẹ cũng không cần phải lo lắng đến việc dây rốn có thể bị thắt chặt làm ngưng trệ quá trình cung cấp oxy cho bé. Trong lúc sinh thường, khi đầu thai nhi vừa lọt qua cửa mình của mẹ, các bác sĩ có thể cắt dây rốn để nới lỏng vòng quấn và bé có thể tự thở được.
Trường hợp thai nhi có dây rốn quấn cổ 2 vòng mà thai phụ vẫn sinh thường được (Nguồn ảnh: istockphoto)
Một kinh nghiệm nhỏ giúp cho các mẹ bầu sinh thường được thuận lợi khi thai nhi có dây rốn quấn cổ 2 vòng đó là gần đến ngày dự sinh mẹ nên sử dụng các loại thực phẩm có lợi như sữa chua lên men, mật ong nguyên chất, ăn thêm dứa, uống nước lá tía tô nhằm làm tăng lượng enzyme bromelain, làm mềm tử cung giúp cho quá trình chuyển dạ, sinh nở được thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Mẹ bầu sẽ phải sinh mổ khi thai nhi có dây rốn quấn cổ 2 vòng trong trường hợp nào?
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh, Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết “Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai phụ cần khám định kỳ đúng lịch để kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi. Trường hợp, xuất hiện tình trạng dây rốn thắt nút, bác sĩ không có cách nào để can thiệp thì mối quan tâm hàng đầu là đảm bảo sự an toàn cho thai nhi. Vì thế, các bác sĩ sẽ chỉ định thai thụ sinh mổ để bắt thai nhi ra càng sớm càng tốt trước khi suy thai xảy ra”.
Bên cạnh đó, khi dây rốn quấn cổ nhiều vòng khiến đầu bé có xu hướng ngửa ra hoặc không xoay được mà ngôi thai ngược, tim thai bất ổn và mẹ chưa có bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào thì bắt buộc phải chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Một số trường hợp có thể sinh thường được nhưng trong quá trình chuyển dạ, thai phụ sẽ được đặt monitor để theo dõi nhịp tim thai. Nếu bất cứ khi nào nhịp tim bất ổn do lượng máu truyền qua dây rốn giảm mà tử cung còn chưa mở hết thì bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai ngay lập tức để không ảnh hưởng gì đến cả hai mẹ con.
Lời kết
Trên thực tế, chỉ có khoảng 1,5/1000 ca sinh (0,15%) bị dây rốn quấn cổ gây tử vong cho thai nhi trong thai kỳ và khi chuyển dạ. Cũng theo nhiều kết quả nghiên cứu, những bất thường về dây rốn chỉ chiếm một phần rất ít trong các nguyên nhân khiến trẻ chết non khi sinh. Vì vậy, có thể thấy mức độ nguy hiểm của dây rốn quấn cổ một, hai hay nhiều vòng tới thai nhi là vô cùng nhỏ. Mẹ không cần phải quá lo lắng nếu như biết rằng em bé trong bụng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường kể cả khi con đang bị tràng hoa quấn cổ.
Việc mẹ cần làm là duy trì lịch khám thai định kỳ trước sinh cũng như tham gia các lớp học tiền sản và dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thật tốt để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Hãy yên tâm rằng bé yêu của bạn chỉ đang nghịch ngợm cùng dây rốn trong bụng mà thôi!
Nguồn tham khảo: Chẩn đoán và xử trí dây rốn thắt nút – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!