Ai cũng muốn con mình lớn lên trở thành người giỏi giang, thành đạt. Tuy nhiên, để nuôi dạy con đúng cách không phải là việc đơn giản. Khó khăn là thế nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều chưa trải qua bất cứ một trường lớp nào cả, mà chỉ lượm lặt những kinh nghiệm của người đi trước.
Cha mẹ vừa là bạn vừa là thầy
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nuôi dạy con không phải là áp đặt theo ý của người lớn mà phải tùy thuộc vào tâm lý của con. Mỗi đứa trẻ là những cá thể riêng biệt mang những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau. Vì thế, cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ của cha mẹ có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xuất phát từ bản thân cha mẹ và bản thân trẻ.
Cha mẹ không chỉ là người bạn chơi đầu tiên của con mà còn là người thầy của bé. Việc chơi cùng với con mở ra khả năng vô tận cho sự phát triển trí tuệ và khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy bố mẹ hãy tận dụng mọi thời điểm, cơ hội có thể để tương tác với con, góp phần vào việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Thói quen này sẽ xây dựng được lòng tin và cảm giác gắn bó, an toàn ở mỗi đứa trẻ đối với cha mẹ chúng. Tương tác với con có thể qua lời nói, hành động. Thông qua các trò chơi và các tình huống thực tế trong cuộc sống, hãy khuyến khích con giao tiếp qua lại với mình nhiều hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp cha mẹ thực sự trở thành người bạn của con sau này khi con lớn.
Dưới đây là các nguyên tắc dạy con đúng cách dành cho các bậc cha mẹ
Để trẻ vui chơi đúng nghĩa
Đối với trẻ, việc vui chơi thỏa thích đóng vai trò vô cùng lớn trong việc xây dựng các kỹ năng. Có lẽ ai cũng biết trẻ thông minh hay không là do di truyền, nhưng để phát huy tối đa sự thông minh của con thì môi trường con sống mới là điều ảnh hưởng lớn nhất.
Hãy để trẻ được vui chơi, chạy nhảy thỏa thích cùng các bạn. Thông qua các hoạt động này, con sẽ tự mình khám phá ra nhiều điều bổ ích đồng thời học được rất nhiều từ các bạn của mình. Mỗi hoạt động mà bé được tham gia sẽ giúp bé tích lũy kiến thức về lĩnh vực đó. Càng nhiều kinh nghiệm học hỏi thì bé sẽ càng thông minh. Hơn nữa, vận động khi vui chơi lại vô cùng có ích cho sức khỏe và sự phát triển thể chất của con.
Giúp đỡ con
Trước khi thành thạo bất cứ kỹ năng nào, con đều cần có sự giúp đỡ từ phía cha mẹ. Đơn giản như việc thay đồ, con sẽ cần giúp đỡ ở những lần đầu. Đến khi con đã làm nhiều lần, con sẽ tự tin thực hiện mà không cần cha mẹ giúp đỡ nữa. Tương tự như khi cha mẹ dạy con nói lời cảm ơn, xin lỗi, xếp hàng, làm bài tập và nhiều kỹ năng khác nữa.
Tạo thói quen cho trẻ quyết định đến việc hình thành tính cách của con, mà tiền đề của thói quen chính là sự giúp đỡ của cha mẹ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những hướng dẫn hay những yêu cầu đối với con, hãy cho trẻ thời gian để làm quen và đánh thức ham muốn học hỏi từ trẻ.
Đưa ra những nguyên tắc dựa trên sự đồng cảm
Đồng cảm và thấu hiểu là yếu tố then chốt để thiết lập kỷ luật mà không gây tổn thương cho con trẻ. Trong trường hợp bé quên hoặc làm sai điều gì đó, đừng vội trách mắng con. Hãy hiểu rằng con hay bất kỳ đứa trẻ nào khác đều không hoàn hảo. Tất nhiên vị phụ huynh nào cũng muốn nhấn mạnh vào một vài quy tắc nhưng trước khi đưa ra những nguyên tắc này, hãy quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Khi trẻ cảm thấy được hiểu, chúng sẽ chấp nhận những nguyên tắc mà cha mẹ đưa ra một cách dễ dàng hơn.
Để bé trở thành một người lớn có trách nhiệm trong tương lai, mẹ hãy hướng dẫn trẻ một cách nhẹ nhàng và cho trẻ thấy rằng mình đang nhìn sự việc dưới cách nhìn của trẻ. Hãy xây dựng niềm tin và sự tôn trọng từ trẻ thông qua cách mà cha mẹ xử lý tình huống. Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần nhìn nhận sự việc từ vị trí của chính con.
Ví dụ như khi con đi học về và bỗng dưng cáu kỉnh và đóng sập cửa lại. Thay vì la mắng và hét lên với con, hãy thử đặt mình vào vị trí của con. Biết đâu ngày hôm nay là một ngày tồi tệ ở trường đối với con. Chính bởi sự đồng cảm với con một cách chân thành, cha mẹ có thể khiến con mở cửa ra và kể cho mình nghe chuyện gì đã xảy ra và chia sẻ cảm giác hiện giờ của chúng.
Kiên nhẫn
Dạy dỗ con cái lúc nào cũng cần đến sự kiên nhẫn của cha mẹ. Nhưng không phải trong tình huống nào cha mẹ cũng có thể giữ được kiên nhẫn đối với con. Những lúc như thế này, hãy luôn nhớ rằng con vẫn dang còn nhỏ, chưa ý thức được đầy đủ những gì mình làm, rằng điều gì mới là quan trọng nhất, niềm vui của con hay nguyên tắc của người lớn? Cuối cùng, hãy cố gắng hít thở sâu, bỏ mọi chuyện qua 1 bên và đếm đến 10 trước khi hành động bất cứ điều gì trước rắc rối mà con đang gây ra trước mắt mình. Chỉ nên giải quyết mọi chuyện khi mình đã thật bình tĩnh.
Không quá khó phải không các mẹ? Điều quan trọng là chúng ta cần kiên nhẫn.
Làm gương cho con
Nhiều vị phụ huynh chỉ biết yêu cầu con mình phải đạt đến một tiêu chuẩn nhất định mà quên rằng mình phải làm gương thì con mới noi theo. Trước những yêu cầu của cha mẹ, có thể bé sẽ nghĩ thầm trong bụng một câu rằng: “Ba mẹ muốn con làm điều đó, tại sao ba mẹ không làm như vậy đi?”
Hành vi của cha mẹ giống như bằng chứng giáo dục trực tiếp đối với con trẻ. Bởi xưa nay, nếu muốn người khác tin tưởng thì chứng minh bằng việc làm quan trọng hơn qua lời nói.
Ví dụ như ngoài miệng thì cha mẹ nói với con rằng đọc sách rất quan trọng, vậy mà mình lại suốt ngày mải lướt điện thoại hoặc xem phim, hay chưa bao giờ cầm cuốn sách để đọc trước mặt con, như thế sẽ không thể nào khiến con trẻ tin và phục. Hay như tình huống đang xảy ra ở rất nhiều gia đình hiện nay, khi một đứa trẻ chơi điện thoại di động, cha mẹ lại mất bình tĩnh và mắng con, trong khi đó chính mình lại suốt ngày lướt điện thoại. Các chuyên gia giáo dục đã kết luận rằng, nếu cha mẹ không thể làm gương cho con cái, giáo dục nhiều bao nhiêu cũng vô dụng.
Khen ngợi con
Nhiều phụ huynh lo sợ khen ngợi con sẽ khiến con trở nên kiêu căng và ảo tưởng về khả năng của mình. Trên thực tế, lời khen đúng lúc và đúng cách sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ.
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, và chúng nhạy cảm với cả những lời khen mà nhiều khi cha mẹ tưởng rằng con sẽ rất vui khi được nghe. Con cần một lời khen trong đó có hành vi, quá trình cụ thể chứ không phải những câu khen ngợi mang tính khái quát. Ví dụ như khi con giúp mẹ quét nhà, thay vì nói “Con giỏi quá!” mẹ nên nói với con: “Con thật tốt bụng khi đã giúp đỡ mẹ quét nhà!”.
Những lời khen tặng “trên trời” sẽ làm cho trẻ bối rối, không hiểu khả năng thật sự của mình là ở đâu. Ngoài ra, bé lại mất tự tin và nghi ngờ bản thân nếu người lớn khen quá sự thật hoặc chẳng khen lời nào. Vì thế, lựa chọn lời khen thích hợp cũng là một điều rất quan trọng.
Nuôi con đã khó, dạy con đúng cách còn khó hơn nhiều lần. Hơn tất cả, sự quan tâm yêu thương trọn vẹn từ cha mẹ chính là phương pháp dạy con đúng cách, giúp trẻ phát triển trí tuệ và khả năng tư duy tốt hơn. Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích nhiều cho các bậc làm cha mẹ trong việc định hướng giúp con phát triển một cách toàn diện.
Xem thêm:
Khâm phục cách Angelina Jolie dạy con gái sống mạnh mẽ và cảm thông
5 lời khuyên để dạy con 2 tuổi đúng cách mà không cần la mắng
Cách dạy con của ông chủ Facebook khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!