Mẹ đã sẵn sàng để có bé thứ hai, nhưng liệu bé lớn đã sẵn sàng lên chức anh/ chị? Làm sao để dạy con biết yêu thương em? Chuẩn bị tâm lý cho bé lớn đón em chào đời thế nào? Đây là những câu hỏi mà nhiều mẹ quan tâm khi bắt đầu “tập hai”. Nhưng chỉ cần kiên nhẫn và thấu hiểu, mẹ sẽ giúp bé lớn vượt qua được những cảm xúc tiêu cực và sẵn sàng cùng mẹ chăm sóc em nhỏ.
Dạy con biết yêu thương em: Việc đơn giản mà bố mẹ Việt hay quên
Theo các chuyên gia tâm lý, khi sắp có em nhỏ, bé thường có tâm lý bị bỏ rơi. Nguyên nhân là vì bé đang là trung tâm của cả gia đình Đột nhiên, sự xuất hiện của em bé sẽ khiến bé lớn cảm giác bị đẩy ra rìa. Đây cũng là tâm lý bình thường của các bé. Các bé còn quá nhỏ để hiểu về sự quan trọng của mối quan hệ ruột thịt.
Tuy nhiên, ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, các bậc phụ huynh thường không nhạy cảm với cảm xúc của bé. Thậm chí, nhiều gia đình còn dùng “em bé” để trêu ghẹo bé lớn. Từ đó, khiến bé lớn cảm thấy ghen tị và buồn tủi vì tưởng bị bố mẹ bỏ rơi.
Do đó, bố mẹ cần có ứng xử thích hợp để bé không mất cân bằng tâm lý. Đồng thời dạy con biết yêu thương và dành tình cảm cho em.
Dạy con biết yêu thương em ngay từ những giai đoạn đầu
Để dạy con biết yêu thương anh chị em, bố mẹ cần kiên nhẫn và tâm lý. Ngay khi chuẩn bị cho một em bé mới sắp chào đời, bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con đầu lòng. Hãy thực hiện từng bước để giúp con dễ dàng thích nghi hơn khi em bé xuất hiện.
Khi mẹ còn bầu bí
Mẹ hãy để con làm quen với sự hiện diện của “đứa em”. Mẹ có thể kể chuyện cho bé lớn lẫn thai nhi trong bụng cùng một lúc. Vừa kể vừa kêu gọi con giao tiếp với em qua bụng mẹ.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể kể cho con nghe rằng rong bụng mẹ có một em bé dễ thương như con sắp chào đời. Mẹ yêu thương cả hai và khi em bé chào đời, em sẽ là bạn của con.
Các mẹ cũng có thể dẫn bé lớn cùng đi siêu âm hoặc đi khám thai. Những thao tác này giúp con dễ hình dung được quá trình lớn lên của em. Từ đó, nảy sinh tình cảm gắn bó.
Khi mẹ sắp sinh
Trước khi sinh, mẹ hãy nói với con, thật chân thành và thẳng thắn, về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà. Mẹ và bố hãy giúp con hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời. Hãy nói rõ với con rằng em bé sẽ rất dễ thương, nhưng em còn rất bé, nên em có thể sẽ gây phiền phức chút đỉnh. Bố mẹ có thể “nhờ trước” với con rằng cùng bố mẹ chăm sóc em khi em ra đời.
Khi gần đến thời điểm sinh nở, nếu mẹ đi sắm đồ cho bé sơ sinh, hãy đưa bé lớn đi cùng. Hãy nhờ con chọn đồ giúp mẹ. Dù nhỏ nhặt, nhưng mỗi giây phút con được làm cùng bố mẹ sẽ vô tình tạo nên sợi dây gắn bó giữa trẻ và em bé sắp chào đời.
Khi mẹ sinh và ở cữ
Trong thời gian mẹ đi sinh và ở cữ, tốt nhất là hãy để bố hoặc người thân chăm sóc con.
Tuy nhiên, trước đó mẹ nên làm công tác tư tưởng với cả nhà, ông bà. Hãy kiên quyết nói với ông bà và cô chú bác trong nhà không được trêu ghẹo bé lớn, để con không tủi thân. Bản thân mẹ cũng nên chú ý tới bé. Tuyệt đối không để con cảm thấy như mình bị bỏ rơi.
Khi có khách đến thăm em bé, bố mẹ cần hết sức lưu ý để bé lớn cũng được quan tâm như bé nhỏ.
Khi các con lớn lên cùng nhau
Nếu thể hiện tình yêu thương thì cần có sự công bằng giữa con lớn và con nhỏ.
Thể hiện cho chúng thấy tình yêu thương bạn dành cho tất cả là như nhau. Điều này tránh được sự ghen ghét lẫn nhau. Ngoài ra cũng cho con bạn thấy tình yêu thật bao la. Nếu chúng được yêu thương thì cũng sẽ thể hiện tình yêu với người khác.
Bố mẹ cũng nên dạy cả hai con cách chia sẻ đồ chơi, nhường nhịn, nâng đỡ lẫn nhau. Không nên chỉ dạy bé lớn mà lơ là bé nhỏ. Hãy coi 2 con như người trưởng thành và dạy con một cách công bằng.
Dạy con biết yêu thương em, anh, chị trong nhà là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bố mẹ hãy dùng sự kiên nhẫn và tâm lý của mình để dạy các con yêu thương lẫn nhau.
Xem thêm
Dạy con biết yêu thương em – Nhiệm vụ “sống còn” cho các mẹ sắp sinh thêm bé
Dạy con đánh lại khi bị đánh, có nên không?
Các khái niệm nhầm lẫn trong nuôi dạy con cái
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!