Làm mẹ với rất nhiều nỗi lo cùng hàng ngàn những công việc không tên dễ khiến mẹ bị quá tải. Một trong những điều khiến mẹ bỉm dễ bị stress đó là bé không chịu ngủ và quấy khóc hằng đêm.
Nguyên nhân là do bố mẹ không tập cho bé tự chủ động ngủ mà phải ru hay bế ẵm con trong thời gian dài. Lâu dần, bé sẽ quen và không tự ngủ được. Vì vậy, hãy dạy bé sơ sinh tự ngủ để tiết kiệm được thời gian và cả sức khỏe cho con và cả mẹ.
Tìm hiểu giấc ngủ của bé sơ sinh
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hệ thần kinh và cảm xúc ở bé sơ sinh. Bé sơ sinh cần ngủ 17-20 tiếng/ngày. Đặc biệt, bé sơ sinh thường không ngủ xuyên đêm và không theo một chu kì nào cả.
Từ 3 đến 6 tháng tuổi bé có thể ngủ theo nếp và theo quy luật nhất định do mẹ tạo ra. Khoảng 9 tháng tuổi, 80% các bé sẽ ngủ cả đêm.
Bé ngủ không ngoan, không đủ giấc không chỉ khiến người mẹ bị mệt mà còn ảnh hưởng đến chính sức khỏe của bé. Vì vậy, hãy dạy bé sơ sinh tự ngủ và rèn con vào nếp ngủ khoa học để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con.
Nguyên nhân khiến bé sơ sinh quấy khóc khi đi ngủ
Nhiều phụ huynh cảm thấy rất căng thẳng khi con quấy khóc và gần như thức trắng cả đêm cùng con mà không có cách gì giải quyết. Việc hiểu tiếng khóc của con sẽ giúp cha mẹ có các phương pháp giúp trẻ vượt qua và có một giấc ngủ ngon hơn. Một sô nguyên nhân thường gặp gồm có:
Ngủ quá nhiều vào ban ngày
Việc ngủ quá nhiều hoặc không đủ vào ban ngày sẽ khiến trẻ mệt mỏi, hiếu động quá mức vào ban đêm. Hãy cho trẻ vận động nhiều hơn vào ban ngày để có một giấc ngủ ngon hơn vào buổi tối.
Trẻ có vấn đề về sức khỏe
Những vấn đề thường gặp là đói sữa, khát nước, trẻ sắp ốm hoặc bị dị ứng/côn trùng đốt. Lúc này, phụ huynh cần kiểm tra và giải quyết các vấn đề sức khỏe của bé để bé ngủ ngon hơn.
Bé bị thay đổi thói quen khi đi ngủ
Việc bé đã quen với việc ngủ trên tay mẹ, khi dạy bé sơ sinh tự ngủ trên nôi hoặc giường sẽ có chút khó khăn. Lúc này mẹ cần kiên nhẫn để rèn con tự ngủ mà không cần bế ẵm trên tay.
Ngoài ra, nếu bình thường mẹ hay hát ru bé ngủ, bé sẽ quen dần với việc này và mỗi lần tới giờ ngủ, mẹ đều phải dành thời gian hát ru thì bé mới ngủ được. Lâu dần bé sẽ bị ỷ lại và mất đi khả năng tự ngủ của mình.
Cách dạy bé sơ sinh tự ngủ
Dạy con phân biệt giữa ngày và đêm
Hãy dạy cho bé mối liên quan giữa bóng tối và ngủ, ánh sáng và thức. Trong vòng 10 tuần đầu, bé sẽ hiểu là ban đêm mình sẽ phải ngủ lâu hơn.
Vào ban ngày, bạn cứ để bé tiếp xúc với nhịp sống sôi động và những hoạt động nhộn nhịp. Và khi đêm xuống, bạn nên để mọi thứ thật yên lặng và lắng đọng, tránh làm kích thích thần kinh bé.
Khi nói chuyện với bé, hãy giữ giọng bạn thật thấp và hạn chế tối đa tiếp xúc bằng ánh mắt với bé. Kết hợp giữa hiệu ứng bóng tối và sự im lặng, bé sẽ tự nhận ra rằng bóng tối là thời gian để ngủ.
Cho con ngủ những cữ ngắn
Nguyên nhân bé quấy khóc cũng có thể là do bé đang mệt. Lúc này, một cữ ngủ ngắn sẽ trở nên quan trọng. Vì vậy, hãy hiểu được những tín hiệu cần ngủ của bé.
Nếu bé trở nên im lặng và lờ đờ, dụi mắt, ngáp hay khóc, hãy đưa bé trở về nôi để chợp mắt. Thông thường, vào cuối tháng đầu tiên, nhu cầu chợp mắt của bé thường xuất hiện khoảng 1 tiếng rưỡi sau giấc thức dậy trước đó của bé.
Đặt bé nằm
Bế ẵm và đu đưa bé trong vòng tay giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, tuy nhiên, đừng biến điều đó trở thành thói quen. Hãy dạy bé sơ sinh tự ngủ bằng cách giúp bé hiểu rằng giấc ngủ gắn liền với chiếc giường hay nôi.
Khi bé buồn ngủ, hãy nhẹ nhàng đặt bé lên nôi, bé sẽ tự có thói quen để đi vào giấc ngủ mà không cần ba mẹ phải ru.
Kiểm tra xem bé đang gặp vấn đề gì
Hãy kiểm tra thật kỹ trước giờ ngủ của bé xem bé có đang gặp vấn đề gì không? Có bị đói, hoặc nóng, hoặc lạnh không, tã của bé có sạch không hay ẩm ướt,…
Nếu mọi thứ đều đã ổn, bạn hãy đưa nôi để bé ngủ. Nếu cần có thể ru bé trong vòng tay khoảng 10 phút đầu rồi đặt ngay về nôi hoặc giường.
Giấc ngủ là rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của bé sơ sinh. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mẹ. Hãy bắt đầu dạy bé sơ sinh tự ngủ ngay từ sớm, tránh tạo cho con thói quen ẵm bế khi đi ngủ sẽ rất khó để thay đổi sau này.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!