Suy thai là 1 biến chứng thai sản nghiêm trọng tuy nhiên không phải mẹ nào cũng nắm rõ những thông tin cần thiết về tình huống này. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về dấu hiệu suy thai, nguyên nhân, cách xử lý và phòng tránh.
Suy thai là gì?
Khi mang thai, cơ thể mẹ cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi thông qua vòng tuần hoàn tử cung – nhau – thai. Máu giàu oxy truyền cho con qua dây nhau cung cấp oxy cho bào thai. Nếu vòng tuần hoàn này bị ảnh hưởng làm lượng máu dẫn đến thai nhi bị giảm thì lượng oxy đến thai giảm và gây ra suy thai.
Có 2 dạng suy thai:
- cấp tính (thiếu oxy đột ngột): Đột ngột xảy ra trong quá trình chuyển dạ, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gặp phải nhiều hậu quả nghiêm trọng.
- mạn tính (diễn ra từ từ kéo dài trong nhiều ngày). Không có biểu hiện rõ rệt, có thể chuyển thành cấp tính trong chuyển dạ.
Tình trạng suy thai có thể dẫn đến nguy cơ thai chết lưu trong bụng mẹ hoặc những biến chứng nguy hiểm về trí não, thậm chí tử vong.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến suy thai?
Có 1 số nguyên nhân từ phía người mẹ làm giảm lượng máu tuần hoàn ngoại vi dẫn đến giảm máu lưu thông đến tử cung:
- Bà bầu thường xuyên nằm ngửa làm tử cung chèn ép động mạch chủ gây giảm dòng máu đến tử cung
- Mẹ bị thiếu máu do chảy máu, huyết áp thấp, thiếu máu mạn tính…
- Thai phụ mắc 1 số bệnh lý nghiêm trọng như đái tháo đường, béo phì, suy tim, nhiễm khuẩn, nhiễm virus…
- Cơn co tử cung cũng là nguyên nhân gây suy thai. Khi có cơn co, tuần hoàn tử cung – nhau thai bị gián đoạn làm lượng máu cung cấp cho thai nhi giảm. Khi cơn co xuất hiện với tần số ngày càng nhiều trong thời gian kéo dài thì thời gian ngừng lưu thông máu giữa mẹ và con tăng sẽ dẫn đến suy thai.
1 số vấn đề ở thai nhi cũng dễ dẫn đến suy thai như:
- Thai sinh non tháng hoặc già tháng (quá ngày dự sinh, bánh nhau bị vôi hóa, quá trình cung cấp oxy bị gián đoạn
- Nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau
- Bất thường ở dây rốn: sa dây rốn, dây rốn thắt nút, dây rốn quấn cổ…
- Vỡ ối sớm: Ối vỡ làm giảm thể tích bảo vệ xung quanh thai nhi, trong quá trình chuyển dạ những cơn go tử cung có thể làm chèn ép đầu thai nhi hoặc dây rốn, gây ra tình trạng thiếu oxy
Thai nuốt phải phân su dẫn đến suy thai
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác làm suy thai như đẻ khó dẫn đến chuyển dạ kéo dài; bất thường sau khi dùng thuốc (dùng thuốc tăng cơn co trong chuyển dạ không đúng liều, đúng chỉ định…).
Đâu là các dấu hiệu suy thai?
Dấu hiệu suy thai mạn tính trong thai kỳ
Mẹ bị suy thai trong thai kỳ thường biểu hiện không quá rõ ràng nên nếu nghi ngờ, mẹ cần quan sát thật kỹ để xem thai nhi có các dấu hiệu dưới đây hay không:
- Thai kém phát triển so với số tháng tuổi vì lượng máu được cung cấp ít
- Cử động thai hỗn loạn: có khi đạp mạnh và nhiều, nhưng có khi lại đạp chậm và động tác ít dần đi. Nếu không thấy thai cử động trong thời gian dài thì có khả năng thai nhi đã bị chết lưu. Có 1 cách có thể phát hiện sớm đó là đếm cử động thai. Mẹ có thể theo dõi cử động của thai nhi bằng cách nằm trên giường, đếm đủ thai nhi có 4 lần cử động trong 30 phút chứng tỏ thai nhi vẫn khỏe mạnh. Ngược lại nếu trong vòng 4 giờ mà thấy thai nhi có ít hơn 10 cử động thì cần đi khám thai ngay lập tức để kiểm tra tình trạng của thai nhi. Mẹ thực hiện 3 lần/ ngày
- Nhịp tim thai nhi bất thường, lúc nhanh lúc chậm do thiếu oxy.
Biểu hiện suy thai cấp tính khi chuyển dạ
Trong quá trình lâm bồn, nếu có các biểu hiện dưới đây thì tức là mẹ đang bị suy thai cấp tính, cần cấp cứu ngay để được xử lý kịp thời:
- Nước ối có màu xanh (thay vì trong như thông thường), lượng nước ối giảm
- Có lẫn phân su trong nước ối
- Nhịp tim thai quá nhanh hoặc quá chậm (trên 160 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút)
- Theo dõi liên tục nhịp tim thai bằng máy monitor sản khoa thấy xuất hiện nhịp tim thai chậm muộn/nhịp tim biến đổi/nhịp tim thai dao động ít dưới 5 nhịp.
Mẹ nên làm gì khi phát hiện dấu hiệu suy thai?
Tùy vào mức độ suy thai cũng như thời điểm phát hiện trong thai kỳ mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp xử lý khác nhau nhằm bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi:
Suy thai mạn tính
- Mẹ cần thăm khám thường xuyên để theo dõi tình hình sức khỏe thai nhi
- Chú ý nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
- Điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa nếu suy thai mạn tính ở tình trạng nặng
Trong trường hợp thai được từ 36 tuần trở lên, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định đình chỉ thai nghén, gây chuyển dạ đẻ, nếu thất bại thì phải mổ lấy thai sớm để tránh suy nặng hay chuyển thành suy cấp tính khi chuyển dạ.
Suy thai cấp tính
- Mẹ nên nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên trái để tránh tử cung chèn ép vào động mạch chủ gây cản trở đường dẫn truyền oxy đến thai nhi.
- Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định đỡ đẻ cho thai phụ bằng kẹp Forceps, không đủ điều kiện làm Forceps thì phải mổ lấy thai.
- Thai quá ngày dự sinh, lượng nước ối đo được giảm, có phân su thì cũng nên thực hiện mổ lấy thai, không nên thử thách để đẻ thường.
Suy thai có phòng tránh được không? Cách phòng tránh suy thai cho mẹ bầu
- Trước và trong khi mang thai, chị em nên chuẩn bị đầy đủ kiến thức về suy thai và các tình huống có thể gặp phải trong thai kỳ, đồng thời chuẩn bị sức khỏe và tâm lý tốt nhất để có thai kỳ thật an toàn và khỏe mạnh. Khi mang bầu, chị em cần thực hiện khám thai đúng lịch, nhất là những chị em bị cảnh báo có nguy cơ suy thai cao
- Chị em đang có bệnh lý nền như huyết áp thấp, tiểu đường… nên điều trị trước khi mang thai để giảm nguy cơ suy thai
- Mẹ bầu cần ăn uống đủ chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt cũng như cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển
- Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nhất là liên quan đến cử động thai, ra máu, thai nhi cử động ít hoặc không cử động, có cơn co tử cung… mẹ bầu cần đi khám ngay để được xử lý kịp thời
- Trong những tháng cuối thai kỳ thi em bé ngày càng lớn, mẹ nên nằm nghiêng sang trái để hạn chế tử cung đè lên động mạch, cản trở nguồn máu đưa tới thai.
Điều quan trọng nhất khi mang thai là chị em nên giữ tâm lý thoải mái, nhất là trong tháng cuối thai kỳ. Mẹ bầu thường xuyên lo lắng, căng thẳng sẽ kéo dài quá trình chuyển dạ, ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!