Sốt xuất huyết được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca tử vong ở trẻ hiện nay. Để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị trong giai đoạn đầu, bố mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em.
Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết còn có tên khác là sốt Dengue, là một loại bệnh truyền nhiễm do 1 trong 4 nhóm virus Dengue gây ra. Vật chủ lây truyền virus này là muỗi vằn Aedes Aegypti. Vết muỗi đốt từ những muỗi cái mang virus sẽ truyền bệnh sang cơ thể người. Thời gian ủ bệnh từ 4 – 10 ngày.
Muỗi vằn Aedes Aegypti là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết
Các vũng nước đọng nhân tạo quanh nhà như bể chứa nước, nước đọng trong chai lọ rỗng, chậu cây thủy sinh… là nơi sinh sống của muỗi vằn Aedes Aegypti. Loài muỗi này sẽ hoạt động chủ yếu vào ban ngày, cao điểm là vào sáng sớm và trước khi mặt trời lặn. Hai khoảng thời gian này trẻ nhỏ hay vui đùa và dễ bị muỗi đốt khi chơi ở nơi thiếu ánh sáng.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trẻ em nhiễm 1 trong 4 loại virus kể trên sẽ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Đặc biệt khi lớn lên, trẻ cũng có khả năng tái nhiễm bệnh vì bị 3 nhóm virus Dengue còn lại lây nhiễm. Sốt xuất huyết không phải là bệnh chỉ mắc một lần là có thể miễn dịch hoàn toàn về sau. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, một người có thể bị sốt xuất huyết tối đa là 4 lần.
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em
Khoảng 4-6 ngày sau khi nhiễm virus Dengue, các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ xuất hiện. Các triệu chứng thường có biểu hiện đa dạng và diễn biến nhanh chóng qua 3 giai đoạn: giai đoạn khởi phát, giai đoạn nguy cấp và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn khởi phát
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu là sốt cao đột ngột và liên tục trên 38°C. Nhiều bố mẹ thường nhầm tưởng trẻ bị cúm hoặc viêm hô hấp. Trẻ nhỏ sẽ khóc quấy, bứt rứt. Các bé lớn hơn có thể cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, bỏ bữa, buồn nôn và có dấu hiệu xung huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Một số bé sẽ có thêm triệu chứng xuất huyết bao tử, nôn và đi tiêu ra máu.
Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Giai đoạn đầu nếu cho trẻ đi xét nghiệm máu thường sẽ không có kết quả chính xác vì dung tích hồng cầu đa số là bình thường, số lượng tiểu cầu sẽ giảm hoặc giữ nguyên và bạch cầu sẽ giảm mạnh.
Tham khảo cách chăm sóc trẻ bị sốt tại đây.
Giai đoạn nguy cấp
Giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Vì hệ miễn dịch của trẻ đã bị virus làm suy yếu, cả bạch cầu và tiểu cầu đều giảm đáng kể. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em ở giai đoạn này có thể là còn sốt hoặc đã thuyên giảm, bị thoát huyết tương.
Nếu huyết tương bị thoát ra quá nhiều sẽ gây triệu chứng sốc ở trẻ em, gây bứt rứt, lờ đờ, tiểu ít hoặc tiểu ra máu, lạnh các đầu ngón tay ngón chân, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ; huyết áp kẹt, huyết áp bị tụt giảm hoặc không thể đo được huyết áp.
Giai đoạn này nếu khám ở bệnh viện sẽ thấy trẻ bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan bị sưng, phù nề mí mắt. Triệu chứng xuất huyết diễn tiến nặng hơn với các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết dễ nhìn thấy ở vị trí hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, ở phần bụng, đùi.
Đặc biệt, tuy bệnh có tên gọi là sốt xuất huyết nhưng không phải trẻ nào cũng có dấu hiệu xuất huyết khi mắc bệnh. Dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn gây nguy hiểm tính mạng. Nếu không được cứu chữa kịp thời, trẻ sẽ tử vong do xuất huyết kéo dài và trụy tim mạch.
Giai đoạn phục hồi
Khoảng 48 – 72 giờ sau giai đoạn nguy cấp sẽ là giai đoạn phục hồi. Lúc này trẻ sẽ hết sốt, tình trạng sức khỏe được cải thiện, chỉ số huyết áp dần ổn định, có cảm giác thèm ăn, khát nước và tiểu nhiều hơn. Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy bạch cầu và tiểu cầu cũng tăng dần trở về mức bình thường nhưng tốc độ tăng của bạch cầu sẽ nhanh hơn.
Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Hiện nay nước ta vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết cho trẻ em và người lớn. Để phòng bệnh, người dân cần ngăn chặn muỗi Aedes Aegypti, là tác nhân truyền virus Dengue sang người. Các biện pháp cụ thể diệt muỗi và lăng quăng/bọ gậy đó là:
- Che đậy cẩn thận vật dụng chứa nước, không cho muỗi có nơi đẻ trứng.
- Nuôi các loại cá bảy màu, cá sóc, cá chép trong các dụng cụ đựng nước lớn (bể, giếng, vại…) để diệt lăng quăng.
- Không để hình thành các vũng nước đọng nhân tạo quanh nhà, dọn dẹp phát quang nhà cửa, lật úp các vật dụng chứa nước khi không sử dụng.
Không để trẻ bị muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết
Người lớn cần bảo vệ trẻ, tránh để muỗi đốt bằng các biện pháp sau:
- Mặc quần áo dài tay cho trẻ.
- Ngủ mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, thắp nhang đuổi muỗi, thoa kem chống muỗi.
- Hạn chế để bé chơi ở khu vực thiếu ánh sáng, nơi có ao tù nước đọng, nhất là vào hai khoảng thời gian sáng sớm và khi trời tối.
Trong trường hợp trong nhà có người bị sốt xuất huyết, cần cách ly người bệnh triệt để nhằm tránh trường hợp muỗi đốt người bệnh và truyền virus gây bệnh sang cho các thành viên trong gia đình.
Tóm lại, dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em biểu hiện đa dạng và diễn tiến bệnh rất nhanh, khó lường. Bố mẹ nên nắm rõ để kịp thời nhận biết và điều trị cho trẻ. Xem thêm cách điều trị cho trẻ sốt xuất huyết ở nhà tại đây. Bên cạnh đó gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng tránh, tiêu diệt muỗi vằn và lăng quăng để giảm thiểu tỉ lệ người mắc bệnh.
Xem thêm:
Bé trai chết ngay sau khi tiêm chủng ngừa sốt xuất huyết, 362 trường hợp phản ứng phụ
Tiêm chủng ngừa sốt huyết Dengvaxia- nguy cơ tử vong và phản ứng phụ cho trẻ em
KHI BÉ BỊ SỐT: Làm thế nào để nhanh chóng giúp mẹ hạ sốt?
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!