Mẹ bầu cần làm gì khi quá ngày dự sinh. Hãy cùng theAsianparent Vietnam trang bị những kiến thức cần thiết để bé được chào đời an toàn nhé!
Nguyên nhân và những rủi ro khi quá ngày dự sinh
Chu kỳ mang thai bình thường là từ 38 – 40 tuần, có những mẹ sẽ sinh sớm ở tuần thứ 37, 38 hoặc cũng có trường hợp sinh trễ ở tuần thứ 41. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến trễ ngày dự sinh, nhưng có một số yếu tố ảnh hưởng như:
- Con so
- Sản phụ mắc chứng béo phì
- Đã có tiền sử quá ngày dự sinh
- Tính sai ngày dự sinh do tính vòng kinh nguyệt không đúng,…
Làm gì khi quá ngày dự sinh là thắc mắc của nhiều thai phụ vì sức khỏe của thai nhi già tháng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng:
- Nước ối giảm gây thiếu oxy cho thai nhi
- Em bé suy dinh dưỡng, da dẻ nhăn nheo, sức đề kháng kém
- Trọng lượng thai nhi quá lớn gây ảnh hưởng đến quá trình sinh nở (phải mổ lấy thai, kẹt vai,…)
- Xuất hiện phân trong phổi thai nhi gây tình trạng khó thở sau sinh
- Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến thai lưu
Mẹ cần làm gì khi quá ngày dự sinh?
Nếu quá 40 tuần mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì cũng đừng quá lo lắng, lúc này để đảm bảo an toàn cho thai nhi mẹ cần nhập viện và làm theo những chỉ định của bác sĩ. Khi nhập viện, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm những xét nghiệm sau:
- Siêu âm để đo đạc các kích thước của thai nhi và lượng nước ối.
- Kiểm tra đáp ứng của thai nhi: Theo dõi sức khỏe của thai bằng cách dùng máy monitor.
- Thử nghiệm NTS (Non-stress Test): Bác sĩ sẽ đo nhịp tim bé trong khoảng 20 phút để xác định tình trạng của thai nhi là tốt hay không. Nếu kết quả là không tốt, mẹ sẽ phải làm thêm những xét chuyên sâu khác để việc chuẩn đoán được chính xác hơn.
- Trắc đồ sinh vật lý: Xác định sức khỏe của thai bằng các kết quả từ nhịp tim, chuyển động, hơi thở, trường lực cơ.
- Theo dõi tim thai qua cơn gò tử cung: Bác sĩ sẽ tạo ra những cơn gò tử cung nhân tạo bằng cách truyền một lượng được chỉ định hormone Oxytocin qua tĩnh mạch của thai phụ. Kết quả của xét nghiệm sẽ giúp xác định được sức khỏe của bé.
Trong trường hợp tất cả các xét nghiệm đều cho thấy tình trạng sức khỏe của thai nhi ổn định để mẹ có thể sinh thường, các bác sĩ sẽ sử dụng đến phương pháp giục sinh:
- Thủ thuật lóc ối: bác sĩ sẽ tách màng ối ra khỏi thành tử cung bằng tay có đeo găng. Cách này sẽ giúp kích thích hormone gây co thắt tử cung. Nó có thể sẽ khiến thai phụ cảm thấy khó chịu, đau thắt bụng, xuất hiện các đốm máu.
- Nội tiết tố: Để giúp cổ tử cung mở và kích hoạt các cơn co thắt, bác sĩ sẽ tiêm kích thích tố Prostaglandin. Biện pháp này chỉ sử dụng với những thai phụ sinh lần đầu hoặc những người trước đó đã sinh thường, bởi phương pháp này có thể làm tăng nguy cơ vỡ cổ tử cung với những người đã từng sinh mổ.
- Giãn nở tử cung: Một ống thông có gắn bóng cao su sẽ được bác sĩ đặt vào cổ tử cung của sản phụ. Để giúp cổ tử cung mở mà mềm hơn, bác sĩ sẽ bơm nước vào quả bóng.
Cách hạn chế quá ngày dự sinh khi mang thai
Một trong những nguyên nhân quá ngày dự sinh là thai phụ không nhớ rõ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng lo lắng khi thai nhi quá ngày, bạn nên ghi lại chu kỳ kinh nguyệt từng tháng để tiện theo dõi.
Nếu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều, cần giữ phiếu khám thai và siêu âm để bác sĩ tính tuổi thai được chính xác.
Vậy là mẹ đã biết cần làm gì khi quá ngày dự sinh. Mẹ bầu nên đi thăm khám đều đặn suốt thai kỳ, lưu lại ngày đầu cấn thai, nếu quá ngày dự sinh 1 tuần thì cần đến bác sĩ ngay.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!