Covid nguy hiểm cho người có bệnh nền? Bạn có nghĩ như vậy có đúng không? Hãy để TheAsisanParent Vietnam giải đáp một số thắc mắc của xã hội nói chung về vấn đề này, cũng như đưa ra một số lời khuyên có ích trong việc đối phó với dịch bệnh.
Mục đích chung toàn cầu chống covid-19 là gì?
Hầu hết tất cả các nước trên thế giới đang cùng chung tay chống lại đại dịch toàn cầu covid-19 với nhiều biện pháp mạnh mẽ: đóng cửa trường học, huỷ nhiều sự kiện quan trọng và yêu cầu hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing)…
Tất cả những động thái này đều nhằm một mục đích là giảm thiểu sự lây lan của virus trong cộng đồng, đặc biệt tránh để những người thuộc nhóm có nguy cơ cao về sức khoẻ nhiễm bệnh.
Covid nguy hiểm cho người có bệnh nền, tại sao lại như vậy?
Đối với người có sức khoẻ tốt, Covid-19 chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ (ho, sốt, mỏi người…). Thế nhưng, đối với những người có bệnh sẵn trong người, coronavirus tấn công mạnh mẽ vào hệ miễn dịch vốn đã suy yếu của họ, gây nên những biến chứng nặng nề: viêm phổi và tử vong.
Nguyên nhân những người này dễ gặp biến chứng nguy hiểm là do hệ miễn dịch của họ khó có khả năng chống đỡ lại sự tấn công của virus, cơ thể họ khó phục hồi trước những tổn thương mà do chủng này gây ra.
Đối với không ít người như bệnh nhân ung thư, việc đang dùng thuốc/ hoá trị/ xạ trị… để trị bệnh cũng đã làm cho cơ thể suy nhược đi nói chung. Vì thế, nếu họ nhiễm Covid-19, rất khó để có thể kỳ vọng họ sẽ vượt qua bệnh tật nhanh như những người bình thường.
Đối tượng nào dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm Co-vid 19?
Theo thống kê từ những nước đã và đang trải qua giai đoạn bùng dịch, những đối tượng sau đây dễ gặp nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khoẻ khi nhiễm coronavirus:
- Trên 65 tuổi (tuổi càng cao, hệ miễn dịch của cơ thể càng hoạt động kém)
- Bị ung thư
- Đã và đang gặp chứng huyết áp cao
- Bị bệnh về phổi
- Tiểu đường
- Có bệnh liên quan đến tim
- Có điều kiện sống và làm việc không an toàn cho hệ miễn dịch
- Đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch
Nhóm nguy cơ cao cần làm gì để tránh nhiễm bệnh?
Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vaccin đặc trị chống lại chủng virus này (do cần thời gian thử nghiệm và chờ kết quả, tuân theo quy trình chuẩn trong việc sản xuất vaccin an toàn).
Chính vì vậy, tất cả mọi người, đặc biệt là những tối tượng có nguy cơ cao, nên có những hành động cần thiết để tránh làm cho bản thân mình mắc bệnh.
Hãy tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách:
Đối với bản thân:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước thật kỹ trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi ở chốn đông người về. Nếu không có xà phòng, hãy làm sạch tay bằng chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn.
- Không đưa tay hoặc những phần khác của cơ thể tiếp xúc với mắt, mũi, miệng. Virus sẽ xâm nhập vào cơ thể qua con đường này.
- Tránh đụng chạm vào các bề mặt có nhiều tiếp xúc cộng đồng như: nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay cầm giỏ hàng/xe đẩy… Hãy dùng khăn giấy hoặc vải lót tay để tránh cho tay tiếp xúc trực tiếp với những chỗ như vậy.
- Thường xuyên khử trùng bề mặt những vật dụng mọi người hay chạm đến như: tay nắm cửa, tay cầm vòi, điện thoại…
- Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng… duy trì các thói quen lành mạnh để giúp tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Khi nghi ngờ mình mắc bệnh (ho, sốt, thở khó…), cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Đối với những người xung quanh:
- Hãy chắc chắn rằng những người thân trong gia đình cũng làm những điều tương tự để tránh nhiễm bệnh. Vì coronavirus có thể phát tán cho người khác ngay cả khi người bị nhiễm chưa có triệu chứng cụ thể nào.
- Duy trì khoảng cách giao tiếp với người khác, đặc biệt khi họ có triệu chứng ốm/ho/hắt hơi…: tối thiểu 2 mét.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh và những hoạt động dễ lây nhiễm như bắt tay, ôm hôn…
- Hạn chế tiếp xúc gần với những người vừa đi từ vùng dịch về hoặc ở khu vực có nhiều ca mắc bệnh
- Việc tránh di chuyển lúc này là bức thiết (đặc biệt di chuyển bằng máy bay, tàu thuyền…).
- Không đến những chỗ đông người. Nếu buộc phải đi, cần giữ khoảng cách với những người khác.
Nếu người có bệnh nền đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, có nên bỏ thuốc để đề phòng covid-19 hay không?
Việc dùng thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến việc điều trị những bệnh mà bạn đang mắc phải. Đừng tự ý bỏ thuốc do tâm lý hoảng sợ mà hãy xin lời khuyên của bác sĩ, xem họ có đưa ra phương án nào thay thế hay không.
Tự ý bỏ thuốc không khác nào đưa cơ thể vào trạng thái mất cân bằng đột ngột, có khi lúc đó bệnh nền sẵn trong bạn trở nên mạnh hơn và cũng làm yếu đi hệ miễn dịch vốn đã mỏng manh của bạn.
Người có bệnh nền có nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế không?
Đây là câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong đại dịch này. Nếu theo quan điểm tổ chức y tế thế giới (WHO) hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người bình thường không cần thiết phải đeo khẩu trang y tế nếu không cảm thấy ốm, ho…
Tuy nhiên, với mật độ cư dân đông đúc như ở Việt Nam, việc đeo khẩu trang vẫn phần nào giúp ngăn ngừa tiếp xúc giọt bắn từ người khác khi họ hắt hơi, nói chuyện,… Đeo khẩu trang cũng là chuẩn bị thêm một cách phòng vệ cho bản thân khỏi sự lây nhiễm.
Cần lưu ý rằng có quá nhiều người phụ thuộc vào khẩu trang y tế và lùng mua bằng được nhiều chiếc để dùng, thậm chí với giá chợ đen “cắt cổ”.
Điều này là không cần thiết vì nó gây ra sự lãng phí trong xã hội (nhiều nhân viên y tế không có đủ khẩu trang để dùng), kèm với huỷ hoại môi trường (xả rác y tế).
Mọi người có thể sử dụng khẩu trang vải đúng cách (che kín mũi và hạn chế đụng tay vào khẩu trang rồi đưa lên mắt, mũi, miệng); và giặt với xà phòng, nước nóng để khử trùng.
Cần chuẩn bị tâm thế mình có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào
Với số ca bệnh ngày càng tăng ở mỗi tỉnh thành, và chưa có vắc-xin phòng bệnh, ai trong chúng ta cũng có khả năng nhiễm Covid-19 và chúng ta cần có sự chuẩn bị tâm lý cũng như kế hoạch đối phó khi mắc bệnh.
- Hãy tiêm vaccin phòng cúm và viêm phổi ngay khi có thể! Những vaccin này không giúp bạn tránh được covid-19 nhưng chúng sẽ giúp bạn tránh được những loại bệnh nhiễm trùng khác.
- Khi thấy có nguy cơ nhiễm covid-19 cao, người có bệnh sẵn nên mua thêm thuốc chữa bệnh nền của mình đủ dùng trong 2 tuần vì có thể bạn sẽ phải vào khu cách ly/tự cách ly tại nhà. Chúng ta không nên vì covid-19 mà bỏ qua những gì chúng ta đã và đang mắc phải.
- Chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm và những vật dụng cần thiết trong 2 tuần nếu có khả năng bị cách ly. Ở Việt Nam, Nhà nước không để cho dân thiếu thốn khi phòng dịch; thế nhưng, bạn chuẩn bị thêm một ít đồ cũng không thừa vì không phải lúc nào đồ tiếp tế cũng thoả mãn sở thích cá nhân bạn.
- Lên kế hoạch và bàn bạc xem ai sẽ là người chăm sóc cho mình khi nhiễm bệnh.
- Nếu sống một mình, bạn hãy nhờ người thân, bạn bè, hàng xóm… để ý nếu không liên lạc được với bạn.
- Thường xuyên đọc báo chí, theo dõi phương tiện truyền thông để cập nhật tình hình dịch bệnh tại nơi bạn ở.
Covid nguy hiểm cho người có bệnh nền nếu đã tiếp xúc với người có thể có khả năng nhiễm covid-19 và cách ứng phó
- Hãy liên lạc với cơ sở y tế/phòng khám/bệnh viện để nhận được lời khuyên về việc tự cách ly, làm xét nghiệm khi nào…
- Chủ động tự cách ly bản thân với những thành viên trong gia đình và vật nuôi (vì đã có trường hợp lây ngược vi-rút từ người sang vật trên thế giới).
- Báo tin cho những người có tiếp xúc gần với bạn để họ có biện pháp theo dõi phù hợp
- Gọi hoặc đến phòng cấp cứu ngay nếu có những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, đau đầu dữ dội, đau ngực…
Lời kết
Là con người, hầu như ai cũng sợ dịch bệnh đến với mình. Đặc biệt, covid nguy hiểm cho người có bệnh nền khi chưa có vaccin. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là chúng ta chuẩn bị, tìm hiểu và đối phó với dịch bệnh như thế nào một cách khôn ngoan nhất.
Hãy làm mọi thứ có thể trong tầm tay mình để giúp bản thân không hoảng loạn và tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người có bệnh nền/thuộc nhóm sức khoẻ nguy cơ cao.
Theo Health.clevelandclinic
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!