Con không nghe lời mẹ khiến mẹ buồn phiền. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng cảm nhận được rằng bản thân cần được tôn trọng. Tuy nhiên, một vài bậc phụ huynh không hiểu điều này, vì thế đã ép buộc trẻ làm những điều trẻ không thích. Điều này vô tình gây cảm giác khó chịu cho bé cũng như dẫn đến sự phản kháng với ba mẹ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc con không nghe lời mẹ. Vì thế, để cả gia đình tìm được tiếng nói chung, hai bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây.
Bé thật sự không nghe thấy lời mẹ
Đây có lẽ là lý do phổ biến và dễ được thông cảm khi bé không nghe lời bạn. Bởi khi con yêu tập trung vào điều gì đó dường như trẻ sẽ không quan tâm tới những điều xung quanh. Bên cạnh đó, lỗi cũng có thể thuộc về người lớn. Vì có thể khi đang yêu cầu con làm một điều gì đó thì bạn lại không quan tâm đến con hay đang làm một việc khác.
Giải pháp cho ba mẹ:
Với trường hợp điển hình này, cách hóa giải cũng cũng tương đối đơn giản. Mỗi khi yêu cầu con một điều nào đó, ba mẹ hãy đứng hoặc ngồi ngang tầm mắt con, sau đó nói ra điều mình mong muốn bé thực hiện. Dù trẻ có làm theo lời nói của bạn hay không thì ba mẹ cũng chắc chắn rằng trẻ đã thật sự nghe thấy lời bạn.
Trẻ không muốn làm theo yêu cầu
Khi càng lớn, con yêu càng có nhu cầu chứng tỏ bản thân, ít dựa dẫm vào ba mẹ hay thậm chí là chống đối người lớn. Giáo sư tâm lý Susanne Ayers Denham tại Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia cho biết: “Chống đối chính là cách để trẻ mẫu giáo khẳng định bản thân”.
Do đó, bé có thể làm ngơ hoặc nói không với một số yêu cầu của ba mẹ khi con không thích. Thay vì nặng lời với các thiên thần nhỏ, bạn có thể áp dụng cách dưới đây.
Giải pháp cho ba mẹ:
Nếu con phớt lờ với lời nói của người lớn, bạn hãy tỏ ra đồng cảm với những gì trẻ đang cảm nhận. Chẳng hạn như bé đang chơi ngoài công viên nhưng đã đến lúc phải về. Thay vì mẹ gọi bé về theo kiểu “ra lệnh”, bạn có thể nhẹ nhàng và từ tốn nói với trẻ rằng “Mẹ cũng rất buồn như con khi phải đi về, bởi ở đây vui quá nhỉ!”.
Sau đó, mẹ có thể khơi gợi những niềm vui đang đợi bé ở nhà như việc ba sắp về hay một chương trình TV mà con yêu thích. Việc tỏ ra thấu hiểu và thông cảm với con sẽ giúp mẹ dễ dàng dẫn dắt cảm xúc của con theo ý mình.
Đơn giản là vì con không hiểu
Trong việc đưa ra yêu cầu, ba mẹ đôi khi lại có cách diễn đạt dài dòng hay sử dụng những từ ngữ phức tạp. Điều này dẫn đến việc con cưng không hiểu ba mẹ đang muốn gì để làm theo. Đa phần nếu rơi vào trường hợp này, trẻ thường chọn cách phớt lờ người lớn.
Giải pháp cho ba mẹ:
Cách đơn giản nhất để giao tiếp với trẻ là ba mẹ nên sử dụng càng ít từ càng tốt, đồng thời từ ngữ trong lời nói nên thân quen và dễ hiểu đối với bé.
Ví dụ như bạn muốn bé kiếm giúp nắp bình sữa, thay vì nói “Con hãy đi tìm nắp bình sữa để mẹ đóng lại nếu không sẽ bị chảy sữa mất”, bạn hãy nói “Mi ơi, tìm nắp bình sữa nha con”.
Nhu cầu khẳng định bản thân
Như đã đề cập ở trên, mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu khẳng định bản thân với những người xung quanh. Vì thế, trẻ sẽ không cảm thấy được tôn trọng khi bạn đã thay trẻ chọn lựa quá nhiều thứ.
Giải pháp cho ba mẹ:
Thay vì ép buộc con, bạn hãy đưa ra nhiều sự lựa chọn cho bé quyết định. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề con không nghe lời mà còn giúp trẻ tự tin và có chủ kiến hơn trong tương lai.
Ví dụ như bạn có thể để con chọn giữa việc tắm với vòi sen hay bồn tắm. Sự thay đổi này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc hợp tác giữa mẹ và con.
Như người lớn, con cũng bận
Các yêu cầu được đưa ra có thể quan trọng với bạn, tuy nhiên với bé thì lại “hên xui”. Nếu được yêu cầu làm việc khác khi trẻ đang hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng của bức tranh, rõ ràng đây là điều không hề quan trọng với trẻ. Thậm chí, con yêu có thể cảm thấy bị làm phiền và phớt lờ ngay mong muốn từ ba mẹ.
Giải pháp cho ba mẹ:
Nếu có thể, bạn hãy chờ bé hoàn thành những việc đang dang dở. Với trường hợp gấp, ba mẹ hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để làm xong việc của con rồi thực hiện mong muốn của người lớn.
Nguyên nhân con không nghe lời mẹ có thể đến từ nhiều yếu tố. Do đó, thay vì tỏ thái độ với trẻ, ba mẹ hãy cho bé cảm nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu của mình dành cho con yêu. Bởi đây chính là chìa khóa giúp cả gia đình tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!