Có bầu ăn rau má được không? Ăn rau má khi mang bầu rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi nhờ các lợi ích như: Giúp lợi tiểu, nhuận tràng, trị táo bón. Thành phần chống oxy hóa giúp làm đẹp da, trị mụn nhọt, thâm nám.
- Có bầu ăn rau má được không
- Bà bầu nên lưu ý gì khi ăn rau má
- 2 món ngon phổ biến nhất từ rau má cho bà bầu
Có bầu ăn rau má được không
Thời tiết Sài Gòn đã bước vào những ngày hè nóng bức, khó chịu khiến cơ thể dễ bị mất nước và nổi mụn nhiệt.
Đặc biệt là với các mẹ bầu, do nội tiết tố trong người thay đổi nên cơ thể mẹ bầu sẽ rất dễ bị nóng trong người. Vì vậy, mẹ nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh có tính mát để giải nhiệt cho cơ thể.
Có bầu ăn rau má được không? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Trong đó, rau má là loại rau có tính hàn, giúp giải độc và thanh nhiệt cơ thể rất tốt. Vậy có bầu ăn rau má được không? Câu trả lời là có. Ăn rau má khi mang bầu rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi nhờ một số lợi ích như sau:
- Giúp lợi tiểu, nhuận tràng, trị táo bón
- Giảm stress, giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng trí nhớ kém khi mang thai
- Cải thiện lưu thông máu huyết, hạ huyết áp, tốt cho hệ tim mạch
- Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng “Khi mang thai, do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể mà da mặt nhiều mẹ bầu xuất hiện những hột mụn trứng cá. Đồng thời, do sự gia tăng các hắc tố melanin – một chất tự nhiên quyết định màu da và tóc cho con người, những nốt nám và tàn nhang cũng bắt đầu hiện lên. Vì điều này mà các mẹ luôn trong tình trạng căng thẳng, tự ti trong suốt thai kỳ”. Rau má có chứa các thành phần chống oxy hóa giúp làm đẹp da, trị mụn nhọt, thâm nám.
Mẹ có thể quan tâm:
Bầu uống rau má được không và uống liều lượng như thế nào là tốt?
Bà bầu nên lưu ý gì khi ăn rau má
Không ăn quá nhiều và liên tục
Tuy rau má rất tốt cho sức khỏe, nhưng với đặc điểm dược tính cao, mẹ bầu không nên ăn rau má quá nhiều và liên tục từ 4 – 6 tuần vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe mẹ bầu. Khi ăn quá nhiều rau má, mẹ bầu có thể bị lạnh bụng, tiêu chảy.
Ngâm, rửa thật kỹ trước khi ăn
Trước khi ăn rau má, mẹ bầu nên ngâm với nước muối và rửa rau thật sạch. Ăn rau má sống có thể gây nguy cơ rối loạn tiêu hóa và ngộ độc do mẹ chưa rửa sạch được hết dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên rau. Vậy nên để an toàn vệ sinh thực phẩm, mẹ nên chế biến rau má thật chín trước khi ăn.
Bà bầu nên lưu ý gì khi ăn rau má? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Những ai tuyệt đối nên tránh ăn rau má trong thai kỳ?
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên tránh ăn rau má vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai
- Mẹ bầu có tiền sử sảy thai, động thai không nên ăn rau má
- Nếu có thể trạng sức khỏe kém, hệ tiêu hóa yếu mẹ nên tránh ăn rau má vì sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy,…
- Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng nên tránh xa loại rau này vì chúng có thể làm tăng cholesterol và lượng đường trong máu.
Mẹ có thể quan tâm:
Sau sinh mổ 6 tháng, mẹ bỉm có được ăn rau muống không?
2 món ngon phổ biến nhất từ rau má cho bà bầu
Canh rau má nấu thịt băm
Ngoài ăn sống hay xay sinh tố thì cách chế biến rau má phổ biến nhất đó chính là nấu canh. Canh rau má có thể nấu với thịt bò, tôm, thịt heo băm,…
Cách nấu là giống nhau, chỉ khác nguyên liệu kết hợp nên theAsianparent sẽ hướng dẫn bạn cách nấu món canh rau má với thịt băm. Bạn chỉ cần áp dụng chung công thức này và thay đổi nguyên liệu là được nhé..
Nguyên liệu:
- Rau má: 300 gram
- Thịt nạc: 120 gram
- Bột nêm
- Hành lá, tiêu
Sơ chế:
- Bằm nhỏ thịt nạc, bạn cũng có thể mua thịt băm sẵn ngoài hàng.
- Rau má rửa sạch, sau đó cắt khúc rồi để cho ráo nước.
- Hành cắt nhỏ.
Cách nấu:
- Để nồi lên bếp, mở lửa cho nóng rồi cho 1 muỗng canh dầu ăn vào.
- Cho hành vào xào thơm rồi cho thịt bằm vào cùng, đảo đều tay cho đến khi thịt săn lại.
- Đổ nước vào nồi thịt, mở lửa lớn cho sôi lên rồi vớt bọt, nêm nếm với bột nêm cho vừa ăn.
- Cuối cùng cho rau má vào, đợi nước sôi lên lần nữa rồi tắt bếp.
- Khi múc ra tô bạn có thể cho thêm ít tiêu lên trên.
Món ngon phổ biến nhất từ rau má (Nguồn ảnh: istockphoto)
Rau má xào thịt bò
Nguyên liệu
- Rau má: 200 gram
- Thịt bò: 150 gram
- Củ hành trắng: 1 củ
- Cà rốt: nửa củ
- Hành khô
- Hành tỏi băm, ớt, chanh
- Dầu ăn, dầu hào, gia vị
- Giấm: 1/3 chén
Sơ chế:
- Rau má lặt rồi rửa sạch, ngâm nước muối trong khoảng 30 phút, sau đó vớt ra để ráo nước.
- Cà rốt bào vỏ, cắt sợi.
- Hành trắng gọt vỏ, cắt lát mỏng.
- Ớt cắt lát.
- Thịt bò cắt lát mỏng, ướp với tỏi bằm, tiêu và dầu hào trong 10 phút
- Hành trắng ngâm vào nước giấm đường khoảng 5 phút cho bớt hăng.
Cách nấu:
- Hành, tỏi băm nhỏ rồi phi thơm. Sau đó vớt ra đĩa để riêng.
- Cho thịt bò vào chảo dầu trên rồi xào nhanh tay tới khi chín thì cho ra bát để nguội
- Pha nước trộn gỏi: Nêm 2 muỗng đường, 2 muỗng nước mắm, 1 ít tỏi băm, ớt lát vào bát giấm ăn rồi khuấy đều cho đường tan. Đoạn này bạn có thể nếm thử xem đã vừa miệng chưa rồi nêm thêm gia vị cho phù hợp.
- Món này thường ăn với rau má sống tuy nhiên với mẹ bầu, bạn có thể trụng sơ rau má, cà rốt với nước sôi để rau chín rồi mới trộn gỏi.
- Cho toàn bộ nguyên liệu trừ thịt bò vào một cái tô lớn, sau đó rưới 2/3 phần nước trộn gỏi vào trộn đều rồi để 10 phút cho ngấm.
- Tiếp theo mẹ cho phần thịt bò vào rồi rưới tiếp phần nước chấm còn lại vào trộn đều.
- Cuối cùng, cho toàn bộ ra đĩa rồi rắc thêm hành, tỏi đã phi thơm là xong. Món này ăn kèm với nước chấm chua ngọt và bánh phồng tôm rất ngon.
Tóm lại, có bầu ăn rau má được không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và cách ăn cũng như liều lượng ăn của các mẹ. Hy vọng những thông tin vừa rồi sẽ giúp mẹ hiểu thêm về rau má đối với sức khỏe mẹ bầu.
Nguồn tham khảo: Chăm sóc da khi mang thai – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!