Chuyển dạ mà không ra máu báo sinh là hiện tượng gặp phải ở một số thai phụ. Trên thực tế máu báo sinh chỉ là một trong những dấu hiệu của chuyển dạ nên nếu không ra máu báo mà vẫn có những triệu chứng chuyển dạ khác thì mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng.
- Vì sao chuyển dạ mà không ra máu báo sinh?
- Nếu không ra máu báo sinh thì có ảnh hưởng nghiêm trọng gì không?
- Các dấu hiệu chuyển dạ bên cạnh máu báo sinh
Vì sao chuyển dạ mà không ra máu báo sinh?
Máu báo sinh là cách gọi dân gian để chỉ các vệt máu tiết ra vào đầu quá trình chuyển dạ của thai phụ. Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ, tử cung của người mẹ bắt đầu co thắt, hoạt động này khiến cổ tử cung mỏng đi và giãn nở nhiều hơn để chuẩn bị cho việc mở cổ tử cung cho em bé được đẩy ra. Sau đó ống mao dẫn trong cổ tử cung bị phá vỡ, gây tiết dịch nhờn cùng các sợi máu đỏ hoặc màu cà phê.
(Nguồn: Vinmec)
Theo bác sĩ CKI. Dương Ngọc Vân, bệnh viện Đa khoa Medlatec, trên thực tế máu báo sinh là một trong những dấu hiệu sớm báo hiệu thời điểm thai nhi chuẩn bị chào đời, thế nhưng không phải mẹ bầu nào cũng xuất hiện tình trạng này trước sinh, hoặc cũng không loại trừ khả năng vì lượng máu tiết ra quá nhỏ nên mẹ không để ý thấy và nghĩ là mình không có ra máu báo. Về cơ bản, máu báo sinh thường tiết ra rất ít đến mức mẹ không cần dùng đến băng vệ sinh và thường mẹ chỉ phát hiện khi quan sát thấy có vệt màu hồng ở quần lót. Máu có màu đỏ hoặc nâu cà phê, thường tiết ra cùng dịch nhờn âm đạo.
Xem thêm:
Lá đinh lăng là “thần dược” gì mà các mẹ cần nên uống sau sinh?
Nếu không ra máu báo sinh thì có ảnh hưởng nghiêm trọng gì không?
Việc chuyển dạ mà không ra máu báo thực tế không phải là hiện tượng quá đáng lo ngại vì sau khi ra máu báo sinh, mẹ bầu cũng sẽ không chuyển dạ và sinh nở ngay. Nếu hiện tượng ra máu báo sinh xảy ra độc lập, thì phải từ vài ngày – 2 tuần nữa cơn chuyển dạ thực sự mới diễn ra. Ngoài ra, bên cạnh máu báo sinh, cơ thể sẽ còn nhiều dấu hiệu chuyển dạ khác đặc trưng hơn để báo cho mẹ biết đã thực sự đến “giờ G”.
(Nguồn: Bệnh viện Medlatec)
Nhiều mẹ bầu lo ngại nếu không ra máu báo sinh thì sẽ không biết khi nào nên nhập viện để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Nhưng như đã nói, có nhiều dấu hiệu đặc trưng của việc chuyển dạ khác mà thai phụ có thể căn cứ vào để chuẩn bị tâm lý chứ không nên chỉ phụ thuộc vào máu báo sinh. Thời điểm hợp lý thai phụ nên nhập viện chuẩn bị sinh là khi các cơn co thắt tử cung của quá trình chuyển dạ diễn ra, tiêu chuẩn là xuất hiện cơn co thắt 3 phút một lần với độ dài trung bình mỗi cơn cơ là từ 3 – 10 phút. Lúc này cổ tử cung thường đã mở khoảng 2cm, trung bình sau khoảng 8 – 16 giờ nữa em bé sẽ chào đời.
Các dấu hiệu chuyển dạ bên cạnh máu báo sinh
Thai phụ nên đến bệnh viện ngay để chuẩn bị cho cuộc sinh nở khi có những dấu hiệu này:
1. Vỡ ối hoặc rò rỉ nước ối
Nước ối là lớp chất lỏng bao quanh bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Nếu thai phụ thấy chất dịch gần như trong suốt, không có mùi khai chảy từ vùng kín ra ngoài, thì đấy chính là hiện tượng rò rỉ dịch ối.
Mẹ bầu cần phân biệt giữa rò dịch ối và việc tăng tiết dịch nhầy kèm máu báo sinh. Máu báo sinh có màu đỏ hoặc nâu, tiết cùng chất nhầy vùng kín có màu vàng nhạt hoặc nâu, dai, hơi lợn cợn. Tình trạng tăng tiết nhầy kèm máu báo sinh thường xuất hiện trước thời điểm sinh khá lâu, không giống với tình trạng bị rò rỉ hoặc vỡ ối.
Xem thêm:
Những dấu hiệu chuyển dạ sinh con so thường gặp nhất dành cho mẹ mang thai lần đầu
2. Đau bụng dưới
Nếu thai phụ đau bụng kèm theo những cơn co thắt liên tiếp cách nhau 10 phút và ngày càng tăng thì đây chính là dấu hiệu báo cơn chuyển dạ đến gần. Thai phụ nên thay đổi tư thế khi xuất hiện cơn đau để xem đó là cơn chuyển dạ thực sự và chuyển dạ giả. Trong những tháng cuối của thai kỳ, mẹ có thể gặp nhiều cơn chuyển dạ giả xuất hiện do tử cung co thắt chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên nếu sau khi đổi tư thế mà cơn đau quặn không giảm ngược lại lại càng dồn dập hơn thì mẹ nên nhập viện càng sớm càng tốt.
3. Đau lưng
Rất nhiều thai phụ gặp phải tình trạng đau lưng dưới dữ dội trong những ngày chuẩn bị chuyển dạ, tuy nhiên hầu hết trường hợp cơn đau không quá nặng. Nếu vượt sức chịu đựng của mẹ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chăm sóc giảm đau.
4. Cổ tử cung mở
Đây là dấu hiệu sắp sinh chính xác nhất bởi cổ tử cung mở là để bắt đầu thực hiện việc đẩy thai nhi khỏi tử cung qua âm đạo và ra ngoài. Trong tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu đi khám thai định kỳ mỗi tuần sẽ được kiểm tra độ mở cổ tử cung để dự đoán thời điểm sinh chính xác nhất.
(Nguồn: Bệnh viện Long Xuyên)
Mẹ bầu chuyển dạ mà không ra máu báo sinh cũng đừng nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi. Trên thực tế có nhiều dấu hiệu báo sinh đặc trưng hơn việc ra máu này. Mẹ có thể quan sát để biết khi nào cần nhập viện cho cuộc vượt cạn của mình.
Nguồn thông tin: Giải đáp tất cả các vấn đề liên quan đến ra máu báo sinh – Bệnh viện Medlatec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!