Chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu là tình trạng nhiều mẹ bầu gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, có thể là do thay đổi hormone, ốm nghén, xáo trộn tuần hoàn máu,… Vì vậy mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm để kịp thời xử lý tình trạng khó chịu này.
- Chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
- Nguyên nhân khiến mẹ bầu chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu
- Làm gì nếu mẹ bị chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu?
- Những cách để phòng chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu
Chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu sẽ thường chóng mặt, hoa mắt, kèm theo buồn nôn, khó chịu. Khi đứng dậy quá nhanh ngay khi vừa cúi xuống hoặc khi ngồi lâu, mẹ bầu sẽ thấy lâng lâng, choáng váng. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ có cảm giác bị bóp chặt hoặc đau âm ỉ liên tục hai bên đầu và sau gáy.
Theo BS CKII Nguyễn Thị Phương Loan – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng chia sẻ: “Hiện tượng chóng mặt khi mang thai là cảm giác lâng lang và choán váng khi mẹ bầu đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi hay cúi đầu xuống quá lâu. Lúc này, lượng máu ở chân chưa kịp di chuyển lên tim, khiến huyết áp giảm nhanh đột ngột, gây ra hiện tượng choáng váng, xây xẩm mặt mày.
Đa phần mẹ bầu sẽ bị chóng mặt khi mang thai ba tháng đầu. Khi mẹ bầu bị ốm nghén và buồn nôn quá nhiều trong thời kỳ đầu sẽ làm cho lượng đường máu giảm, ăn không ngon miệng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu chóng mặt, buồn ngủ. Một vài trường hợp có thể kéo dài đến 3 tháng giữa hay ba tháng cuối thai kỳ khi thai nhi phát triển nhanh và gây áp lực lên các mạch máu trong cơ thể mẹ.”
Nếu chóng mặt kèm theo những triệu chứng này mẹ nên đi khám ngay nhé! (Ảnh: Pexels)
Đây được xem là “tình trạng quốc dân” của các mẹ bầu trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, “tình trạng quốc dân” bị coi là nguy hiểm khi mẹ bầu bị chóng mặt kèm:
- Bị đau một cách đột ngột, dữ dội. Thậm chí, cơn đau có thể làm mẹ thức giấc.
- Sốt, cứng cổ, đau lưng;
- Nhìn mờ hoặc rối loạn thị giác,
- Nói mớ, buồn ngủ, cảm giác tê buốt
- Có thay đổi về cảm giác hay tri giác;
- Đau đầu sau chấn thương
Bạn có thể xem:
Nguyên nhân khiến mẹ bầu chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu
Hormone và huyết áp thay đổi
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, lượng hormone trong cơ thể mẹ bầu thay đổi. Các mạch máu co giãn, tăng tốc độ trao đổi máu để cung cấp cho thai nhi. Lưu lượng máu tăng lên, bánh nhau và dây rốn, máu ở chân chưa kịp di chuyển lên tim khiến huyết áp của mẹ bầu hạ xuống. Huyết áp hạ, máu lên não giảm khiến mẹ bầu xây xẩm, choáng váng.
Mỗi khi chuyển tư thế: nằm sang ngồi hoặc ngồi sang đứng, mẹ đều cảm thấy chóng mặt.
Mang thai ngoài tử cung
Đây là trường hợp trứng sau khi được thụ tinh đã làm tổ ở bên ngoài buồng tử cung. 9/10 trường hợp thai ngoài tử cung là nằm ở ống dẫn trứng. Nếu thai ngoài tử cung, mẹ bầu sẽ xuất hiện hiện tượng đau bụng và chảy máu âm đạo. Lúc này, bạn cần đến ngay bệnh viện để kịp thời xử lý.
Nôn nghén
Khi cơn nghén “ghé thăm” mẹ bầu với hàng loạt trận nôn, tình trạng chóng mặt là hệ quả tất yếu. Tình trạng nôn nghén sẽ xuất hiện ở mỗi mẹ bầu với nhiều mức độ khác nhau. Nếu mẹ nôn quá nhiều, không thể ăn uống gì, cơ thể mẹ sẽ bị mất nước và mất cân bằng điện giải. Lúc này, cơn chóng mặt càng nặng hơn.
Từ tuần thứ 14 trở đi, tình trạng thai nghén sẽ giảm và không còn nữa. (Ảnh: Vinmec)
Nguyên nhân khác
Bên cạnh thay đổi hormone, ốm nghén, xáo trộn tuần hoàn máu, có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu. Những nguyên nhân khác có thể là:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh tác động đến hệ thần kinh của mẹ bầu. Mẹ ăn quá nhiều caffein, hay để cơ thể bị đói
- Áp lực khi mang thai
- Căng thẳng, mệt mỏi
- Không uống đủ nước
- Thiếu ngủ, thường xuyên hoạt động quá sức
- Nhiệt độ quá nóng bức hay việc tiếp xúc giữa hai môi trường nóng, lạnh liên tục, đột ngột làm cơ thể sốc nhiệt.
Bạn có thể xem:
Làm gì nếu mẹ bị chóng mặt khi mang thai?
- Chườm lạnh ở cổ: cơn đau và mệt mỏi sẽ bị xua tan nhanh. Mẹ bầu nên chọn nước mát vừa phải, không quá lạnh quá nóng.
- Tắm vòi hoa sen: sẽ giảm đau nhức tạm thời. Nếu tắm dưới vòi hoa sen, mẹ bầu thấy thoải mái vì máu tuần hoàn tốt.
- Ngồi xuống từ từ để tránh ngã bất ngờ. Nếu có thể, mẹ bầu có thể ngồi với tư thế đặt đầu ở khoảng giữa hai đầu gối.
- Cố gắng nằm nghiêng sang trái để cải thiện lưu thông máu đến não.
- Nhờ người mở ngay cửa ra vào và cửa sổ hoặc đi đến những nơi thông thoáng.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đau đầu kể cả có nguồn gốc thiên nhiên.
Những cách để phòng chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn, ít nhất 3-4 tiếng nên ăn một lần. Không nên để cơ thể thiếu nước, quá no hoặc quá đói. Bánh quy, hoa quả, sữa chua sẽ giúp mẹ tăng năng lượng đường trong máu. Uống nước nhiều cũng giúp cơ thể thải độc tốt hơn.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh (Ảnh: Pexels)
Chế độ sinh hoạt điều độ
Khi bị đau đầu, mẹ bầu nên chọn một căn phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, cố gắng chợp mắt, nghỉ ngơi. Mẹ bầu nên nâng cao chân sẽ giúp giảm bớt trọng lượng dồn vào phần chân, bạn sẽ bớt mệt mỏi.
Mẹ đừng thức khuya hay ngủ quá nhiều nhé. Những công việc nặng nhọc cũng cần hạn chế tối đa.
Vận động nhẹ nhàng
Thường xuyên đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ tăng cường sự dẻo dai. Mẹ có thể sử dụng các kỹ thuật thư giãn để giúp cơ thể thoải mái hơn. Thiền, yoga, mát xa cổ vai và lưng sẽ xoa dịu những cơn đau.
Mặc dù đây là tình trạng thường gặp ở những mẹ bầu. Nhưng mẹ nên xác định rõ nguyên nhân để xoa dịu cơn đau và hạn chế nguy hiểm trong thai kỳ. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!
Nguồn tham khảo: Các lý do khiến bà bầu bị chóng mặt khi mang thai – Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!