Chỉ số tiểu đường thai kỳ an toàn là khi cả 3 chỉ số đường huyết của mẹ bầu vào tuần 24-28 của thai kỳ thỏa điều kiện: Đường huyết lúc đói < 5,1 mmol/L, Đường huyết sau 1h < 10,0 mmol/L và Đường huyết sau 2h < 8,5 mmol/L.
Đối tượng nào cần kiểm tra chỉ số tiểu đường thai kỳ
Nếu thai phụ có 1 trong các yếu tố dưới đây thì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ cao hơn:
– Mang thai khi đã ngoài tuổi 30;
– Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
– Tiền sử bản thân đã bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước.
– Thừa cân, béo phì trước và trong thai kỳ
– Đứa con trước nặng hơn 4,1 kg khi ra đời
Khi tiến hành kiểm tra đường huyết, nếu như mức insulin và chỉ số tiểu đường thai kỳ đều ở giới hạn an toàn thì mẹ bầu không nằm trong nhóm mắc đái tháo đường thai kỳ.
Chỉ số đường huyết ở phụ nữ mang thai bao nhiêu là nguy hiểm ?
Trong lần khám thai đầu tiên
Các thai phụ có hơn 1 yếu tố nguy cơ sẽ được chỉ định thử đường huyết đói, HbA1C hoặc đường huyết bất kỳ.
– Thai phụ được chẩn đoán là đái tháo đường lâm sàng nếu một trong các giá trị đường huyết lúc đói > 7,0mmol/L, HbA1c > 6,5%, đường huyết ngẫu nhiên > 11,1mmol/L
– Thai phụ được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ nếu đường huyết lúc đói từ 5,1 đến 7,0mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ.
– Nếu đường huyết lúc đói < 5,1mmol/L, thai phụ sẽ đợi đến tuần thứ 24 đến 28 và làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Các thai phụ có nhiều yếu tố nguy cơ sẽ được chỉ định thử đường huyết đói.
Vào tuần 24-28 của thai kỳ
Các thai phụ có đường huyết lúc đói < 5,1mmol/L sẽ phải thực hiện tiếp nghiệm pháp dung nạp glucose vào lần khám thai này.
Cách thực hiện: Trước tiên đo nồng độ glucose máu thai phụ khi đói. Sau đó, thai phụ được yêu cầu sử dụng một lượng glucose khoảng 75 g trong vòng 5 phút. Tiếp theo bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đo nồng độ glucose huyết ở 2 mốc thời gian là sau 1 và 2 tiếng kể từ khi uống glucose.
– Nếu glucose máu lúc đói > 7,0mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.
– Thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu đáp ứng một hoặc nhiều hơn 3 chỉ số dưới đây:
- Lúc đói ≥ 5,1 mmol/L
- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 10,0 mmol/L
- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L
Nếu cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên, thai phụ hoàn toàn bình thường, không bị tiểu đường thai kỳ.
Hậu quả cho mẹ và bé nếu chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng cao
Tiểu đường thai kỳ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi. Những hậu quả sau đây có thể sẽ xảy ra nếu chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng quá cao:
Đối với mẹ
– Nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương, trật khớp do thai nhi quá lớn
– Nguy cơ tiền sản giật cao gấp 4 lần bình thường
– Tăng nguy cơ sinh non và sinh mổ vì bé quá to khó sinh thường
– Sảy thai, thai chết lưu
– Băng huyết sau sinh
Đối với thai nhi
– Dễ bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về hô hấp và dễ bị bệnh về đường huyết
– Bé bị tụt canxi sau khi sinh
– Nguy cơ cao mắc dị tật thai nhi
Trên đây là những hậu quả nặng nề xảy ra cho cả mẹ và thai nhi nên mẹ bầu cần biết cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ càng sớm càng tốt.
Cách phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ
– Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
– Tăng cường vận động hợp lý trong thai kỳ
Một điều quan trọng nữa là mẹ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ vì đây là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
Làm sao để theo dõi chỉ số tiểu đường thai kỳ?
Mẹ bầu cần chú ý theo dõi đường huyết kỹ càng, nhất là nếu mẹ thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh kể trên. Mẹ có thể mua 1 chiếc máy đo đường huyết giúp kiểm soát chỉ số đường huyết ngay tại nhà.
Tùy từng mẹ mà thời điểm đo đường huyết có thể sẽ khác nhau đôi chút. Thời điểm thường gặp là thử đường huyết lúc đói (trước các bữa ăn), sau bữa ăn từ 1 – 2 giờ, trước khi ngủ và bất cứ lúc nào cảm thấy mệt, khi có biểu hiện của hạ đường huyết.
Nếu chỉ số đường huyết của mẹ đã dần ổn định và tiến triển tốt lên thì có thể giãn dần tần suất thử đường huyết, chẳng hạn như đo cách ngày hoặc cách mỗi hai ngày… Để kịp thời xử lý tình huống, mẹ cần ghi nhớ mức chỉ số đường huyết khi mang thai và cả những dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ.
Tạm kết
Mẹ đã nắm được chỉ số tiểu đường thai kỳ an toàn là bao nhiêu, những tác hại khi bị tiểu đường thai kỳ, cách phòng ngừa và theo dõi chỉ số đường huyết khi mang thai. Chúc mẹ có thai kỳ khỏe mạnh.
Nguồn thông tin Bệnh viện Vinmec: link 1, link 2
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!