Chán ghét chồng sau sinh, một cảm giác mà không ít phụ nữ đã từng trải qua. Liệu đây có phải là vấn đề tâm lý bất thường khiến hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ? Câu chuyện chia sẻ dưới đây của một bà mẹ trẻ sẽ giúp các mẹ hiểu được về nguyên nhân sâu xa của điều này cùng những lời khuyên hữu ích để vợ chồng vượt qua khủng hoảng sau sinh.
Chán ghét chồng sau sinh – Tâm lý ai cũng phải trải qua
Đã có rất nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ với tôi điều này. “Chồng tôi và tôi đã không nói chuyện với nhau khoảng một năm sau khi con trai chúng tôi chào đời. Ôi, lúc nào tôi cũng có cảm giác chán ghét anh ấy”.
“Tôi sợ hãi khi thấy Sean trở về từ những chuyến công tác vì tôi cảm thấy ghét chồng vô cùng. Và mỗi lần anh ấy đi vắng tôi lại cảm thấy vô cùng bình yên”.
Họ thú nhận với tôi những cảm giác đấy một cách ngại ngùng. Tôi biết nguyên nhân gốc gác của cảm giác đó. Trước khi con gái Sylvie của chúng tôi chào đời vào mùa xuân năm 2009, tôi và Tom, chồng tôi hầu như không bao giờ bất đồng. Nhưng khi có con, các cuộc chiến diễn ra không ngừng nghỉ.
Trước gia đình và bạn bè, tôi hài hước hóa những cuộc cãi vã giữa chúng tôi, nhưng thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tôi đã từng gào lên với chồng mình bằng những cái tên tệ hại. Không ít lần dọa ly hôn anh ấy. Và tôi cho rằng mình là người phụ nữ duy nhất trên đời này cảm thấy chán ghét chồng chỉ vì anh ấy không rửa bát hay quên vứt rác.
Vì sao phụ nữ lại cảm thấy chán chồng mình sau thời kỳ sinh nở?
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Hôn nhân và Gia đình cho thấy. Trong số 182 cặp vợ chồng làm việc lần đầu làm cha mẹ, người đàn ông biết chia sẻ công việc nhà công bằng với vợ cho đến trước thời điểm họ làm cha. Sau khi có em bé, số giờ một người phụ nữ phải chăm sóc con và làm việc nhà là 37 tiếng trong khi nam giới chỉ có 24 tiếng.
Những tác động từ thay đổi hoóc môn lên xuống bất thường, thiếu ngủ triền miên và công việc chăm sóc con cái khiến cả người vợ và người chồng đều dễ bị căng thẳng. Và dù cho cả hai đều phải làm việc ngoài xã hội như nhau thì kết thúc bao giờ cũng là vợ phải làm việc nhà nhiều hơn chồng. Tất cả những điều này đã khiến cho một người vợ “ngao ngán” chồng đến mức nào.
Tôi đã thay đổi nhờ vào con
Mặc dù khá ngượng ngùng nhưng tôi vẫn phải thừa nhận rằng con gái tôi chính là động lực để tôi hàn gắn lại cuộc hôn nhân sắp đi đến hồi tan vỡ này. Những cuộc chiến liên hồi của vợ chồng tôi bắt đầu tác động đến tính cách con bé. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc, con dần trở nên dè chừng và cảnh giác hơn. Tệ hơn, con bé cũng tham gia vào mỗi cuộc cãi vã của bố mẹ.
Trong tuyệt vọng, tôi đã tham khảo ý kiến của hàng chục chuyên gia, từ cố vấn hôn nhân đến các nhà tâm lý học xã hội. Và dưới đây là các giải pháp mà chúng tôi đã áp dụng để cải thiện tình trạng rạn nứt giữa hai vợ chồng.
Chán ghét chồng sau sinh – Các bí quyết giúp bạn cải thiện tình trạng này
1. Ngừng chỉ trích và tôn trọng cách giải quyết vấn đề của chồng
Tôi nhận ra mình thường xuyên phạm phải sai lầm này. Luôn can thiệp, chỉ trích và cố gắng hướng dẫn khi anh ấy làm việc nhà, chăm con, … Chẳng hạn khi anh ấy thay tã cho con, tôi sẽ chăm chú theo dõi và lên tiếng ngay khi anh ấy làm sai. Dần dần, điều này khiến anh ấy hình thành tâm lý ngại làm hay thậm chí không muốn giúp đỡ tôi nữa.
2. Học hỏi kĩ năng “cãi nhau” để không còn chán ghét chồng sau sinh
Mặc dù cãi vã, xung đột là bản năng tự nhiên của con người nhưng bạn nên hiểu rằng làm vợ chồng nghĩa là chúng ta đã trưởng thành. Do đó quy tắc đầu tiên bạn cần ghi nhớ mỗi khi có một trận chiến là đừng hét vào mặt nhau, đừng nói tục, đừng dùng bạo lực.
Tiếp đó, hãy nêu ra vấn đề bằng cách nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình trước thay vì chỉ trích đối phương. Chẳng hạn như thay vì khiêu chiến “Anh chẳng bao giờ cho con đi ngủ” thì bắt nên bắt đầu bằng “Em đã quá mệt để đưa con đi ngủ. Anh có thể giúp em được không?”.
Khi cảm thấy khó chịu về điều gì đó trong nhà, bạn nên nói với chồng một cách rõ ràng, tích cực, thẳng thắn nhưng đừng hàm ý đổ lỗi hay trách móc. Chẳng hạn như “Anh ơi, anh nấu bữa tối giúp em được không”? thay vì “Tại sao em cứ phải làm hết mọi thứ như thế này”.
Và cuối cùng, trước mọi xung đột của vợ chồng, bạn nên bình tĩnh và trao đổi với anh ấy bằng việc đặt ra câu hỏi “Vợ chồng mình nên làm gì để cải thiện điều này”.
3. Phân chia công việc nhà rõ ràng
Các chuyên gia cho vợ chồng chúng tôi một lời khuyên rằng, có con đồng nghĩa với việc mối quan hệ vợ chồng chuyển sang giai đoạn mới. Khi đó hai người nên ngồi lại, trao đổi với nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ của hai người, trong đó bao gồm cả công việc nhà.
Vào một ngày thứ 7 nọ, tôi và Tom đã cùng nhau ngồi trong căn bếp gia đình, sắp xếp và phân chia các công việc mà mỗi người cảm thấy sẵn sàng và thoải mái khi đảm nhiệm chúng. Chẳng hạn tôi thích đi chợ nhưng chồng tôi thì không, … Điều cốt lõi là vợ chồng nên thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình. Hãy nói cho cô ấy/anh ấy biết vì sao bạn muốn hay không muốn làm công việc này. Từ đó tìm ra giải pháp chung cho cả hai người.
4. Đừng từ bỏ tình dục trong đời sống vợ chồng khi có con cái
Sau một ngày mệt nhoài vì công việc và chăm sóc con cái, các đôi vợ chồng thường có xu hướng xao nhãng chuyện chăn gối. Thế nhưng Hilda Hutcherson, M.D., chuyên gia sản khoa và phụ khoa tại Đại học Columbia đã khuyên tôi rằng, tình dục chính là cách tuyệt vời nhất để kết nối thể xác và tâm hồn của vợ chồng sau sinh.
Dù bận rộn đến đâu thì bạn cũng nên dành thời gian để cải thiện vấn đề này. Bởi tình dục không những mang lại nhiều lợi ích cho vợ chồng mà còn giúp hôn nhân bền lâu.
Các đơn giản nhất là bạn nên tìm ra những hoạt động để hai vợ chồng có thời gian bên nhau. Chẳng hạn như tôi và Tom đã cùng nhau đi xe đạp, đi spa, thăm một người bạn, … Hãy nghĩ ra bất kỳ một điều gì đó có thể làm tăng thời gian kết nối giữa vợ và chồng. Những khoảng thời gian bình dị đó chính là chất xúc tác giúp bạn cảm thấy ham muốn nhiều hơn ở người bạn đời.
5. Thẳng thắn trao đổi về vấn đề tài chính của gia đình
Trở thành cha mẹ cũng là lúc các khoản chi phí dành cho con cái phát sinh. Nào tiền bỉm, sữa, đồ chơi, học hành, … Những điều này dễ trở thành áp lực cho cả hai vợ chồng. Bạn cần thẳng thắn trao đổi với chồng minh về vấn đề này. Đôi khi tài chính không chỉ là chuyện tiền bạc, đó còn là tư duy thói quen, nỗi sợ hãi, lo lắng, …
Như Tom, chồng tôi, anh ấy lớn lên trong gia cảnh khó khăn. Trả tiền cho các hóa đơn là nỗi sợ hãi từ nhỏ của anh ấy. Điều này lý giải vì sao chồng tôi thường quên trả các hóa đơn của gia đình chúng tôi, … Tất cả những gì tương tự như vậy, bạn cần ngồi lại và nói với anh ấy để cùng nhau tìm ra cách hoạch định tài chính tốt nhất cho gia đình.
6. Cử chỉ yêu thương đơn giản giúp gắn kết tình vợ chồng
Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Tâm lý Xã hội và Cá nhân. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 100 cặp vợ chồng ghi lại cảm xúc ham muốn của họ với người bạn đời trong 6 tuần. Kết quả cho thấy khi người bạn đời khiến người kia cảm thấy được tôn trọng thì mức độ ham muốn của người phụ nữ cũng tăng lên.
Tôi và Tom đã áp dụng điều này để cải thiện tình cảm vợ chồng. Chúng tôi cố gắng bày tỏ tình yêu của mình với người còn lại thông qua những cử chỉ đơn giản nhưng ý nghĩa như mua một món đồ người kia thích, gửi tin nhắn, mát xa, … Chúng tôi cũng cố gắng dành ra 10 phút mỗi ngày để cùng nhau trò chuyện về con cái, công việc hay bất kỳ điều gì trong cuộc sống hàng ngày.
Lời kết
Một năm rưỡi trôi qua, sau khi áp dụng những lời khuyên hữu ích nói trên thì mối quan hệ giữa vợ chồng tôi đã được cải thiện rõ rệt. Cảm giác chán ghét chồng sau sinh ngày nào cũng biến mất. Giờ đây tôi đã hiểu rằng, quan hệ vợ chồng không phải như cây cỏ mà bạn chẳng cần chăm chút nó vẫn tự mình tồn tại. Trái lại, hai người cần vun đắp, nỗ lực không ngừng thì quả ngọt hạnh phúc mới đâm hoa kết trái như bạn từng hi vọng.
Theo self.com
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!